SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
3
2
4
1
2
5
2
Tin tức sự kiện 02 Tháng Mười Một 2011 4:25:00 SA

Kỳ 36: Giáo dục bằng cách nêu gương

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng tác dụng của sự nêu gương. Trong sự nghiệp trồng người, trong rèn luyện, giáo dục cán bộ, đảng viên, Bác luôn nhắc đến vai trò của sự nêu gương, Bác từng nói “…Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Nêu gương là cách hữu hiệu nhất để giáo dục con người.

Rất nhiều lần Bác nhắc nhở chúng ta về sự gương mẫu. Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ của Đảng, Bác nói “Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ “Cộng sản” là ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”; “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Bác cũng đặc biệt nói đến sự nêu gương của những cán bộ lãnh đạo. Nhân dân chỉ yêu mến những người có đạo đức cách mạng, chứ không phải vì mình là lãnh đạo mà người ta phải yêu quý. Muốn lãnh đạo được nhân dân trước hết phải lãnh đạo chính mình, lãnh đạo gia đình mình, tu thân, tề gia rồi mới trị Quốc được. Cán bộ càng cao càng cần phải gương mẫu, vì sự gương mẫu của cấp cao sẽ là tấm gương cho cán bộ cấp dưới.

Trong suốt thời gian làm Chủ tịch Nước, Bác Hồ thường viết thư khen những gương người tốt, việc tốt, khen những đơn vị, địa phương kiểu mẫu, thậm chí khi đọc báo thấy gương người tốt, việc tốt ở đâu Bác đều giữ bài báo lại và cho đi xác minh, rồi tặng huy hiệu của Người để động viên. Bác cho rằng “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.  

Hàng ngày chúng ta đọc báo thấy những tấm gương hiệp sỹ đường phố bắt cướp, tấm gương một cô bé nhà nghèo học giỏi, tấm gương người khuyết tật nhưng không đầu hàng số phận, tấm gương anh cán bộ cần mẫn hết lòng vì nước, vì dân, gương anh chiến sỹ công an quên mình khi làm nhiệm vụ để giữ bình yên cho nhân dân … khiến chúng ta phải nghiêng mình nể phục, những tấm gương này tự nhiên đi vào lòng người và có tác dụng to lớn đến nhận thức của mỗi chúng ta, làm cho chúng ta thấy rằng cuộc sống này còn biết bao nhiêu điều tốt đẹp mà chúng ta cũng phải hướng đến những cái đẹp đó.

Đảng bộ và nhân dân trong quận cũng có rất nhiều gương điển hình, tiêu biểu, gương “người tốt, việc tốt”, cán bộ mẫu mực trong đạo đức lối sống và hết lòng phục vụ nhân dân như đồng chí Trần Ngọc Kính – Bí thư chi bộ khu phố 3, phường 1, chị Nguyễn Thị Tính – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường 3; cụ Lê Sáng – phường 11, cụ Lý Hiền Đức – Phường 6 là những cán bộ mẫu mực trong gia đình và tích cực tham gia công tác xã hội; gương quần chúng đấu tranh với tội phạm như anh Trần Văn Toàn – phường 14, gương những em học sinh gia đình nghèo nhưng vượt khó học giỏi như em Đinh Thị Kim Cương – học sinh trường Hưng Phú A - phường 9, gương người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống và có đóng góp cho xã hội như anh Nguyễn Xuân Nghĩa – Bí thư chi đoàn khu phố 1, phường 2 … ngoài ra còn rất nhiều những tấm gương khác với những việc tốt thầm lặng, không tên nhưng có ích cho xã hội, cho đất nước.

Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ chính trị, kế hoạch số 13-KH/TU của Thành ủy và kế hoạch 47-KH/QU của Quận ủy về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đều nhấn mạnh trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Học tập Bác trong việc nêu gương, trong chúng ta ai cũng có thể làm được. Thầy cô giáo là tấm gương cho học sinh, ông bà, cha mẹ là tấm gương cho con cháu, cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cán bộ cấp dưới, đảng viên là tấm gương cho quần chúng … vì vậy mà mỗi người chúng ta hãy cố gắng đặt ra cho mình một chuẩn mực, gương mẫu trong đạo đức, lối sống, trong sinh hoạt, ứng xử để xã hội ngày càng có nhiều tấm gương sáng.

Các cơ quan, đơn vị vận động cán bộ, công chức, đảng viên và quần chúng đăng ký chương trình rèn luyện đạo đức, tác phong theo gương Bác dựa trên hướng dẫn các tiêu chí đạo đức của Quận ủy ban hành và phải gương mẫu thực hiện.  

Muốn cảm hóa, giáo dục một ai đó, chúng ta phải giáo dục họ bằng chính tấm gương sống của mình trước, sau đó mới giáo dục bằng lời nói. Hãy bắt đầu gương mẫu từ những việc nhỏ nhất.

(Ban Tuyên Giáo Quận ủy Q8)

 


Số lượt người xem: 2959    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm