Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã có hơn 30 năm hoạt động ở nước ngoài. Bác qua bốn châu lục, ba đại dương, đặt chân lên gần 30 nước, làm hàng chục nghề khác nhau. Trong điều kiện hoạt động bí mật, Bác phải thay đổi họ tên rất nhiều lần. Mọi khó khăn gian khổ, nguy hiểm không làm Bác chùn bước. Bất kỳ ở đâu, trong hoàn cảnh nào, Bác cũng chỉ có một mục đích như Bác đã từng nói:" Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích đó".
Từ Nguyễn Sinh Cung, đến tên gọi Văn Ba khi xuất dương tìm đường cứu nước, rồi trở thành Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Người đã dùng nhiều tên gọi, bí danh, bút danh khác nhau. Đây là một bằng chứng sinh động nhất về cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú của Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
Dưới đây là một số tên gọi, bí danh, bút danh của Bác Hồ:
1. Nguyễn Sinh Cung là tên lúc sinh thời của Bác. Bác sinh ngày 19-5-1890 , tại quê mẹ là làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
2. Nguyễn Sinh Côn: Nguyễn Sinh Cung thường được gọi là Nguyễn Sinh Côn lúc Bác học ở trường Quốc học Huế. ( Trong một bài viết năm 1954 Bác cũng ghi tên còn nhỏ của mình là Nguyễn Sinh Côn).
3. Nguyễn Tất Thành ( 1901): Tháng 5 năm 1901 cụ Nguyễn Sinh Sắc thân sinh của Bác đậu Phó bảng nên tháng 9 năm 1901được được làng rước về quê nội ở xã Kim Liên. Nhân dịp này cụ Nguyễn Sinh Sắc làm " lễ vào làng" cho hai con trai với tên mới: Nguyễn Tất Đạt ( Nguyễn Sinh Khiêm), Nguyễn Tất Thành ( Nguyễn Sinh Cung) để đặt niềm hy vọng của người cha vào hai con, đó là sự thành đạt.
4. Nguyễn Văn Thành.
5. Nguyễn Bé Con: Trong tài liệu của mật thám Pháp có ghi: " Nguyễn Ái Quốc hay Nguyễn Văn Thành tức Nguyễn Sinh Côn hay Nguyễn Bé Con tức Lý Thụy… đã cư trú nhiều năm tại Mỹ, Anh, Pháp và nước Nga".
6. Văn Ba: Với hoài bão ra đi tìm đường cứu nước, ngày 3/6/1911 Bác bắt đầu làm việc trên con tàu Amiral Latouche Tréville, ngày 5/6/1911 tàu rời cảng Sài Gòn đi Marseill ( Pháp), trong sổ lương của tàu có ghi tên Bác là Văn Ba, những người bạn làm việc chung với Bác đều yêu mến và thân mật gọi Bác là Ba, anh Ba bởi vì Anh Ba sống giản dị, gần gũi với mọi người.
7. Pôn Tất Thành (Paul Tat Thanh): Tháng 12 năm 1912 Bác đến Mỹ, từ New York Bác viết thư gửi cho khâm sứ Trung kỳ nhờ tìm địa chỉ của cha mình, trong thư này Bác ký tên Paul Tat Thanh.
8. Tất Thành: Năm 1914 từ nước Anh, Bác Hồ viết thư gửi cụ Phan Chu Trinh, Bác ký tên Tất Thành.
9. Pôn Thành (Paul Thanh): Ngày 16-4-1915 Bác viết thư cho toàn quyền Đông Dương (qua lãnh sự Anh tại Sài Gòn) nhờ tìm địa chỉ của cha mình, trong thư ký tên Paul Thanh.
10. Nguyễn Ái Quốc: Bác Hồ trở lại Pháp và bắt đầu hoạt động chính trị dưới cái tên Nguyễn Ái Quốc. Ngày 18-6-1919 thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp , Bác gửi lên Hội nghị Vẹc-xây bản yêu sách 8 điểm của nhân dân Việt Nam, đòi quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Từ đây bắt đầu một thời kỳ hoạt động sôi nổi của Nguyễn Ái Quốc- linh hồn của phong trào những người Việt Nam yêu nước tại Pháp.
Những năm Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Pháp, chính quyền thực dân coi Nguyễn Ái Quốc là một nhân vật nguy hiểm. Mật thám Pháp thường xuyên theo dõi, thu thập tài liệu về Người. Đã có hàng vạn trang tài liệu liên quan đến hoạt động của Nguyễn Ái Quốc. Song không một trở lực nào có thể ngăn cản được ý chí, nghị lực, quyết tâm cứu nước của Người.
Với bút danh Nguyễn Ái Quốc, Người viết hàng trăm bài báo phục vụ sự nghiệp tuyên truyền cách mạng. Trong khoảng thời gian từ 1919 đến 1926 bút danh Nguyễn Ái Quốc được sử dụng nhiều nhất. Với bút danh Nguyễn Ái Quốc, Người viết các tác phẩm quan trọng đối với cách mạng Việt Nam: " Bản án chế độ thực dân Pháp" (1925 ); " Đường kách mệnh" (1927). Cuốn đầu là bản cáo trạng đối với chủ nghĩa đế quốc Pháp nói riêng và chủ nghĩa đế quốc nói chung để thức tỉnh đồng bào Việt Nam và các dân tộc bị áp bức; cuốn sau là định hướng cho hành động cách mạng. Sau lần bị bắt tại Hương Cảng năm 1931, mật thám Pháp tưởng Nguyễn Ái Quốc đã bị chết trong nhà tù. Tin này do chính luật sư Lôdơbi tung ra để góp phần bảo vệ bảo vệ Bác an toàn khi trốn tránh sự rình rập của kẻ thù. Năm 1933, Nguyễn Ái Quốc chắp nối liên lạc được với các cách mạng và Người đi Liên Xô. Nguyễn Ái Quốc tiếp tục con đường cứu nước của mình. Một thời gian dài Nguyễn Ái Quốc mất hút trong sổ điều tra của mật thám Pháp và mật thám Đông Dương. Lần cuối cùng tên gọi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện trong lời kêu gọi “ Kính cáo đồng bào” ngày 6/6/1941. Đến tận lúc này mật thám Đông Dương mới bàng hoàng được nguồn tin cho biết Già Thu, Thu Sơn xuất hiện ở biên giới Việt-Trung chính là Nguyễn Ái Quốc.
Nguyễn Ái Quốc một cái tên để lại nhiều dấu ấn lịch sử trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam. Song Bác chỉ khiêm tốn nhận mình là “ Tôi vẫn là tôi ngày trước, một người yêu nước”.
(BS. Thuần – Phòng Y tế Q8)