SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
0
1
8
0
8
4
Tin tức sự kiện 06 Tháng Hai 2012 3:45:00 SA

Phòng bệnh não mô cầu (1)

Từ đầu năm 2012 đến nay, chúng ta thường nghe thông tin truyền thông về bệnh não mô cầu. Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có 10 ca nhiễm trong đó chiếm đa số là trẻ em (7 trường hợp). Riêng tại quận 8, có 01 ca nhiễm bệnh đầu tiên của em bé 21 tháng tuổi ngụ tại phường 5.

Tình hình nhiễm bệnh não mô cầu được nhận định trong thời gian tới sẽ tăng cao, dễ lây lan diện rộng vì vậy đề nghị bà con nhân dân thực hiện tốt công tác phòng ngừa bệnh này.

“Bệnh não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây viêm não, màng não hoặc nhiễm trùng huyết nặng. Mầm bệnh là vi trùng não mô cầu có trong mũi, hầu, họng của người bệnh và người lành mang vi trùng. Mầm bệnh bị phát tán khi ho, hắt hơi và lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp khi chúng ta tiếp xúc gần với người bệnh, người lành mang vi trùng hoặc bàn tay của chúng ta bị nhiễm mầm bệnh. Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh não mô cầu.”

* Dễ gây bệnh ở những người sức khỏe yếu.

- Dịch bệnh phát triển mạnh nhất vào mùa xuân, do yếu tố thời tiết mưa, ẩm, lạnh dễ làm mọi người bị cảm cúm, sức đề kháng giảm… và đây là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn gây bệnh não mô đang nằm sẵn trong họng phát triển và gây bệnh. Bình thường, ở những người khoẻ mạnh, vi khuẩn gây não mô cầu có thể nằm sẵn trong họng nhưng không có biểu hiện bệnh lý.

- Vi khuẩn dễ tấn công ở những người có sức đề kháng yếu, sức khoẻ không tốt... vi khuẩn gây viêm não mô cầu phát triển nhiều ở vùng hầu họng nên khi bệnh nhân ho, hắt hơi mầm bệnh dễ phát tán, xâm nhập vào tế bào đường hô hấp trên, gây ra tình trạng viêm mũi họng, thường có ho, sốt cao, đau cơ, đau đầu, buồn nôn, có thể bị co giật, biểu hiện liệt chi, mặt, tri giác giảm… vi khuẩn còn có thể theo đường máu lên não gây viêm màng não (còn gọi là viêm màng não mủ)… sẽ để lại những biến chứng nặng nề về thần kinh, ảnh hưởng các dây thần kinh cảm giác, gây tổn thương não, giảm thính lực, tổn thương thận và các vấn đề tâm lý...

* Tiêm văcxin có phải là biện pháp hữu hiệu nhất?

- Tiêm văcxin là một biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh não mô cầu, tuy nhiên vẫn có trường hợp đã tiêm văcxin nhưng vẫn còn khả năng bị não mô cầu vì tiêm phòng chỉ có giá trị trong thời gian nhất định, 5 năm phải tiêm lại một lần.

- Do vậy, phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất cho mỗi chúng ta vẫn là thường xuyên vệ sinh răng miệng, súc họng nhiều lần mỗi ngày bằng nước muối hoặc dung dịch Orafar, vệ sinh môi trường sạch sẻ... Khi bị viêm họng, cần điều trị ngay để vi khuẩn không tấn công sang những bộ phận khác. Đồng thời cần nâng cao sức đề kháng cơ thể bằng chế độ ăn khoa học, đủ dinh dưỡng, thể dục thể thao thường xuyên vì não mô cầu thường chỉ tấn công ở những người có sức đề kháng yếu.

 

* Có thể phòng, tránh được bệnh não mô cầu.

- Vi khuẩn não mô cầu lây lan nhanh qua đường hô hấp, đặc biệt ở những nơi đông dân cư, môi trường mất vệ sinh. Vì vậy, để phòng tránh mắc bệnh não mô cầu, không nên tập trung nơi đông người, thường xuyên vệ sinh răng miệng, khi hắt hơi hay ho cần lấy khăn che miệng hoặc đeo khẩu trang khi bị viêm đường hô hấp.

- Đối với trẻ em cần được giữ ấm trong những ngày thời tiết lạnh, chú ý vùng cổ, ngực, lòng bàn tay, bàn chân. Cách phòng tránh đặc hiệu là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để ngừa vi khuẩn. Với những trẻ còn nhỏ, cần đưa trẻ đi tiêm phòng vì bệnh này đã có văcxin phòng ngừa. 

* Những điều cần lưu ý.

- Việc phân biệt các dấu hiệu để nhận biết sớm bệnh não mô cầu không hề đơn giản, bởi triệu chứng của bệnh khá giống các trường hợp nhiễm vi trùng bệnh khác, nguy hiểm nhất là giống với biểu hiện của viêm đường hô hấp thông thường nên rất khó phân biệt, như: đau họng, nhức mỏi cả người... Vì thế khuyến cáo người dân, khi có các biểu hiện bệnh, cần nhanh chóng đi đến các cơ sở y tế gần nhất khám bệnh, nhất là với trẻ em khi bị sốt, nhức đầu… gia đình cần đưa trẻ đi khám để có hướng điều trị tích cực.

- Khi có người thân mắc bệnh, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp xử lý môi trường cần thiết, người nhà bệnh nhân nên hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Nếu buộc phải tiếp xúc cần đeo khẩu trang an toàn và phải uống thuốc dự phòng bệnh não mô cầu theo hướng dẫn của bác sĩ; Những người xung quanh nên dùng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng… Vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở và vệ sinh ăn uống tốt để đảm bảo các ca bệnh lẻ không bùng phát thành ổ dịch lớn.

- Vì não mô cầu có tốc độ lây lan rất nhanh nên khi có phát hiện bệnh, dù chỉ một ca bệnh cũng cần xử lý môi trường kỹ lưỡng, đúng biện pháp.

Để phòng ngừa hiệu quả, đảm bảo sức khỏe của mỗi cá nhân, chúng ta cần thường xuyên làm tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân để ngăn ngừa bệnh lây lan trong cộng đồng.

(Ban Tuyên Giáo Quận ủy Q8)

 


Số lượt người xem: 2825    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm