SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
1
3
6
8
3
6
Tin tức sự kiện 04 Tháng Giêng 2013 4:40:00 CH

Những điểm cần chú ý trong Luật Tố cáo năm 2011 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2012)

Xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước (Điều 13):

+ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp.

+ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện và cán bộ, công chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp.

+ Người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn trực thuộc cơ quan mình và cán bộ, công chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp.

Quy định về tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo (Điều 20):

+ Việc tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo đã được quy định rất cụ thể. Trên cơ sở quy định hình thức tố cáo là việc tố cáo được thực hiện bằng đơn tố cáo hoặc tố cáo trực tiếp, Luật Tố cáo năm 2011 còn hướng dẫn cụ thể về việc tiếp nhận và xử lý tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.

+ Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm phân loại và xử lý như sau: Nếu tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, phải kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ của người tố cáo và quyết định việc thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết tố cáo, đồng thời thông báo cho người tố cáo biết lý do việc không thụ lý, nếu có yêu cầu; trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn kiểm tra, xác minh có thể dài hơn nhưng không quá 15 ngày;

+ Nếu tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, người tiếp nhận phải chuyển đơn tố cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo, nếu có yêu cầu. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận tố cáo hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

+ Người có thẩm quyền không thụ lý giải quyết tố cáo trong các trường hợp: tố cáo về vụ việc đã được người đó giải quyết mà người tố cáo không cung cấp thông tin, tình tiết mới; tố cáo về vụ việc mà nội dung và những thông tin người tố cáo cung cấp không có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật; tố cáo về vụ việc mà người có thẩm quyền giải quyết tố cáo không đủ điều kiện để kiểm tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm.

Quy định về xác minh, kết luận nội dung tố cáo (Điều 22 – 24):

+ Ðể thu thập các thông tin, tài liệu làm rõ nội dung tố cáo, kết luận đúng sai về nội dung tố cáo, trên cơ sở các quy định trước đây, Luật Tố cáo năm 2011 quy định về quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo, người xác minh nội dung tố cáo, đồng thời Luật đã quy định cụ thể về xác minh, kết luận nội dung tố cáo.

+ Theo đó, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo tiến hành xác minh hoặc giao cho cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xác minh nội dung tố cáo. Trường hợp giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xác minh nội dung tố cáo thì phải có quyết định xác minh bằng văn bản. Căn cứ vào nội dung tố cáo, văn bản giải trình của người bị tố cáo, kết quả xác minh nội dung tố cáo, các tài liệu, bằng chứng có liên quan, người xác minh nội dung tố cáo phải kết luận bằng văn bản về nội dung tố cáo.

Quy định về việc xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo (Điều 25):

+ Trường hợp kết luận người bị tố cáo không vi phạm các quy định pháp luật thì phải thông báo bằng văn bản cho người bị tố cáo, cơ quan quản lý người bị tố cáo biết, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo bị xâm phạm do việc tố cáo không đúng sự thật gây ra, đồng thời xử lý hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật.

+ Trường hợp kết luận người bị tố cáo vi phạm các quy định trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

+ Trường hợp hành vi vi phạm của người bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra hoặc Viện Kiểm sát có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Một nội dung khác đáng chú ý là quy định về việc tố cáo tiếp, giải quyết vụ việc tố cáo tiếp (Điều 27):

+ Theo đó, khi quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết hoặc người tố cáo có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo không đúng pháp luật thì người tố cáo có quyền tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người có trách nhiệm giải quyết.

+ Ðối với trường hợp quá thời hạn mà tố cáo không được giải quyết thì người đứng đầu cơ quan cấp trên yêu cầu người có trách nhiệm giải quyết tố cáo phải giải quyết, trình bày rõ lý do việc chậm giải quyết tố cáo; có biện pháp xử lý đối với hành vi vi phạm của người có trách nhiệm giải quyết tố cáo. Trường hợp việc giải quyết tố cáo của người đứng đầu cơ quan cấp dưới trực tiếp là đúng pháp luật thì không giải quyết lại, đồng thời thông báo cho người tố cáo về việc không giải quyết lại và yêu cầu họ chấm dứt việc tố cáo. Trường hợp việc giải quyết của người đứng đầu cơ quan cấp dưới trực tiếp là không đúng pháp luật thì tiến hành giải quyết lại theo đúng trình tự Luật Tố cáo quy định.

Xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo (Điều 31):

+ Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý được giao, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tố cáo có nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của nhiều cơ quan thì các cơ quan có trách nhiệm phối hợp để xác định thẩm quyền giải quyết hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước cấp trên quyết định giao cho một cơ quan chủ trì giải quyết. Tố cáo có nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan thì cơ quan thụ lý đầu tiên có thẩm quyền giải quyết. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có dấu hiệu tội phạm do cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

* Luật Tố cáo đã quy định một số nội dung mới về công khai nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo. Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo bằng các hình thức: công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị tố cáo công tác; niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Việc công khai này phải bảo đảm không tiết lộ thông tin về người tố cáo và những nội dung thuộc bí mật Nhà nước.

* Ðáng chú ý là, Luật Tố cáo đã bổ sung 01 chương mới (Chương V: từ Ðiều 34 đến Ðiều 40) về bảo vệ người tố cáo: quy định về phạm vi, đối tượng, thời hạn bảo vệ; quyền, nghĩa vụ của người tố cáo được bảo vệ; bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo; bảo vệ người tố cáo tại nơi công tác, làm việc; bảo vệ người tố cáo tại nơi cư trú; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo. Luật này xác định trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo thuộc về người giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ (người tố cáo hoặc người thân tích của mình) khi có căn cứ xác định việc bị kỷ luật, buộc thôi việc, luân chuyển công tác hoặc bị các hình thức trù dập, phân biệt đối xử khác, bị đe dọa xâm hại hoặc xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác do việc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật .

 

       (Nguyễn Xuân Tuấn – Thanh tra Quận 8)

 


Số lượt người xem: 5720    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm