SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
2
8
5
4
2
7
3
Tin tức sự kiện 09 Tháng Giêng 2013 1:55:00 CH

Vài suy nghĩ tản mạn khi học tập tấm gương đạo đức của Bác

Thi thoảng, trong đời sống công chức, chúng ta vẫn thường làm một việc không lấy gì làm mới mẻ: Kê khai tài sản. Nhìn bản Kê khai, ta lại mủi lòng: Sao mãi mình vẫn chưa giàu được nhỉ? Và rồi, ta lại được an ủi. Hóa ra ta vẫn chưa phải là người nghèo nhất. Ngay cả một người nông dân chân lấm tay bùn, ở dưới đáy xã hội, nhưng vẫn có mảnh vườn, cái ao, hay chí ít cũng có con lợn, con gà. Nghĩa là vẫn có tài sản. Chỉ duy nhất một người dường như không có gì cả, một người nghèo nhất nước. Người đó là Bác Hồ, Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lục lọi trong tiểu sử Bác, đến cả nhà riêng của Người, ta thấy Người có gì? Một tấm áo kaki, đôi dép cao su, chiếc quạt bằng lá cọ…

Vật chất là thế đấy.

Còn tinh thần ư? Bác cũng là người duy nhất không có bất kỳ các loại Huân, Huy chương gì, đến cả sơ đẳng nhất là Bằng khen, Giấy khen, Người cũng không có nốt. Bác còn là người nghèo nhất cả trong cõi riêng tư. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác kể lại, có những đêm, khuya rồi, Bác đã tắt đèn, nhưng trong phòng vẫn có tiếng đài. Đồng chí Vũ Kỳ tưởng Bác đã ngủ, rón rén đến tắt. Bác ngăn lại: “Đừng… Cứ để thế cho căn phòng Bác nó ấm, vì có tiếng người, tiếng phụ nữ…”.

Ôi! Đài Tiếng nói Việt Nam! Vinh quang biết bao! Hạnh phúc biết bao khi đài đã trở thành người bạn đường, người sẻ chia, an ủi Bác, trong những khoảnh khắc Người cô đơn nhất!

Nghĩ đến Bác, ngay cả một người bất hạnh đến cùng cực, cũng thấy được an ủi, sẻ chia. Hóa ra mình cũng vẫn chưa phải là người bất hạnh nhất.

Một người nghèo nhất nước như Bác, nhưng lại để cho chúng ta một di sản đồ sộ. Đó là một đất nước độc lập, toàn vẹn, một sự nghiệp Cách mạng chói ngời, một tấm gương trong sáng và lối sống cao đẹp đến tinh khiết.

Ta hiểu được vì sao, Bác luôn quan tâm đến những người nghèo, người lao động. Bác luôn hướng đến người lao động. Bác đặt tên Đảng là Đảng Lao động Việt Nam. Nghĩa là Đảng của tất cả mọi người, vì ai mà chẳng là người lao động. Bác còn dành lương mua quà cho người nghèo. Vào những dịp Tết đến, xuân về, Bác thường chọn những gia đình nghèo nhất để đến thăm và chúc tết.

Chuyến thăm rất bí mật, không báo trước để địa phương nghênh đón, rồi tuyên truyền, đưa tin rầm rộ như bây giờ lãnh đạo Trung ương đến với các địa phương. Thường chỉ có Bác và đồng chí Vũ Kỳ. Một chị lao công, ở trong khu hẻm nhỏ, đêm 30 Tết còn đi gánh nước thuê. Bàn thờ trống hoang, không có cả nải chuối, tấm bánh. Tết đến với mọi nhà, nhưng Tết lại quên căn nhà chị.

Bởi thế, chị bàng hoàng đến sửng sốt, buông rơi cả hai thùng nước, khi thấy Bác đột ngột xuất hiện trong căn nhà tồi tàn của mình: “Trời ơi, Bác… Gia đình cháu khổ lắm… Cháu không ngờ Bác lại đến với cháu…”.

“Thế Bác không đến với cháu thì Bác còn đến với ai?...”.

Chị bật khóc. Và Bác cũng khóc. Đó là một trong những cái Tết cuối cùng của Bác trong ký ức của đồng chí Vũ Kỳ.

Dân còn nghèo, nên Bác sống rất đạm bạc tằn tiện. Bữa ăn của Người là bữa ăn của một nông dân nghèo. Tiếp khách quốc tế, Bác vẫn mang trang phục của một người nghèo. Bộ quần áo nâu và đôi dép cao su. Một đồng chí cán bộ tỉnh ái ngại: “Thưa Bác, Bác thay mặt cho Đảng, cho Dân, Bác vất vả thế này, có khi bạn bè quốc tế lại trách Đảng trách Dân không chu toàn với Bác…”.  “Có gì đâu mà chú phải băn khoăn – Bác cười điềm đạm – Bác sống thế này mà ở dưới, có chú còn nhũng nhiễu làm khổ dân. Bác mà sống xa hoa thì ở dưới các chú đục khoét hết của dân à?”.

Cuộc đời của Bác, nếp sống của Bác là một bài học lớn cho các cán bộ cấp dưới. Ta hiểu vì sao trong những năm chiến tranh, đất nước loạn lạc, mà xã hội lại rất thanh bình, lòng dân không ly tán. Ra đường không lo trấn lột. Về nhà không sợ trộm cắp. Cũng không có tham nhũng, đĩ điếm. Một đời sống lành mạnh giữa một bầu khí quyển trong veo.

Một người suốt đời sống vì dân, lo cho dân, ngay trong những giây phút cuối cùng giã từ cõi đời, phần nói về mình, Về việc riêng, Người cũng chỉ dành cho mình đúng 79 chữ. 79 chữ tổng kết cả một đời người 79 năm, trong một ít chữ phong phanh ấy, Người cũng lại chỉ canh cánh lo cho dân, không muốn tổ chức tang lễ điếu phúng linh đình để đỡ tốn thời giờ và tiền bạc của dân.

 

 

 

Chúng ta đang học tập tấm gương Đạo đức và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng thế nào là Tư tưởng Hồ Chí Minh? Tôi cũng đã theo học và nghiên cứu. Có rất nhiều định nghĩa. Nhưng cũng không ít những quan niệm áp đặt và chủ quan. Nói về Tư tưởng Hồ Chí Minh, có lẽ không có ai nói hay hơn và chuẩn xác hơn cựu Tổng Bí thư Đỗ Mười. Mà ông cụ lại nói vo ở Hội Nhà văn, nói suốt 4 giờ liền về nhiều vấn đề mà giới văn chương rất tâm đắc.

Khi bàn về Tư tưởng Hồ Chí Minh, cụ Đỗ Mười đưa ra một định nghĩa rất ngắn mà vô cùng chuẩn xác: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là gì? Là Việt Nam hóa tất cả những tư tưởng tiên tiến nhất, đặc sắc nhất của nhân loại và biến chúng thành hiện thực ở Việt Nam!”.

Quả đúng vậy. Ta có thể tìm thấy trong những câu nói bất hủ của Người, những kinh nghiệm được đúc kết của rất nhiều thời đại. Và một trong những bài học sâu sắc Người để lại cho chúng ta là sự chiêm cảm tinh vi đến chuẩn xác và nghệ thuật dùng người. Đây chính là một bí mật của Bác mà chúng ta cần nghiên cứu, khám phá. Bác có tầm nhìn rất xa và rất chuẩn xác.

Năm 1941, Bác có bức tranh, vẽ cây kèn, con số 1945 cùng câu thơ “Việt Nam Độc lập thổi kèn loa”. Sau quả đúng như vậy. Và như thế, Bác đã “nhìn” thấy ngày Độc lập từ năm 1941. Sau này Người cũng đoán chuẩn xác năm giải phóng Sài Gòn. Tối 30/4/1960, trong diễn văn chào mừng Quốc tế Lao động tại Nhà hát Lớn Hà Nội, có một dòng rất đặc biệt, lúc đó Người đã giấu đi bằng một nét xóa bằng bút chì, nhưng vẫn còn được lưu giữ trong Bảo tàng Hồ Chí Minh: Cùng lắm cũng chỉ 15 năm nữa, nước nhà sẽ thống nhất, đồng bào Nam, Bắc sẽ sum họp một nhà.

“15 năm nữatính từ thời điểm năm 1960 thì đúng là năm 1975. Rất chuẩn xác. Bởi thế, có người coi Bác là một vị Thánh. Tài nhất là nghệ thuật dùng người. Đây chính là mấu chốt quyết định sự thắng lợi của Cách mạng. Năm 1946, khi phải rời Tổ quốc, Người lại trao toàn quyền điều hành đất nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng và chỉ dặn một câu:  “Dĩ bất biến ứng vạn biến”.  Với một nhà Nho uyên thâm như cụ Huỳnh, chỉ nói thế là đủ.

Điều đáng ngạc nhiên, sao lúc ấy, tình thế rất phức tạp, thù trong, giặc ngoài, trong Chính phủ có bao nhiêu đảng viên cốt cán, Bác không trao, mà lại trao quyền điều hành đất nước cho một nhân sĩ không phải đảng viên là cụ Huỳnh Thúc Kháng? Đưa một người không phải đảng viên lên chức vụ lớn, lại trao cho cả vận mệnh đất nước trong những năm tháng cam go là một quyết định táo bạo.

Nhưng bằng lối ứng xử rất đẹp ấy, Bác đã quy tụ được tất cả những tinh hoa của dân tộc đến với cuộc kháng chiến cứu nước và kiến quốc. Bởi thế, rất nhiều nhân sĩ, trí thức, ở nhiều đảng phái khác nhau đều tìm đến với Người, có không ít người từ bỏ đời sống nhung lụa, trở về Tổ quốc, cùng đồng cam cộng khổ với Người. Những năm tháng khốc liệt ấy, không có nhiều ban bệ, tư vấn, mà sao Bác dùng người chuẩn thế. Những cán bộ được Bác chọn, trao việc đều trở thành những nhân vật xuất chúng của lịch sử đất nước.

Đặc biệt là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhiều lúc tôi cứ vân vi tự hỏi, bằng phép nhiệm màu nào mà Bác đã nhìn thấy khả năng thiên tài quân sự trong Võ Nguyên Giáp, một người chưa từng qua bất kỳ một khóa học quân sự nào? Lúc ấy, ông Giáp chỉ đơn thuần là một ông giáo dạy sử ở trường tư thục Thăng Long.

Một con người hoàn toàn xa lạ với quân binh, trận mạc, vậy mà Bác lại trao cho việc phụ trách quân sự, rồi phong thẳng lên Đại tướng và ủy nhiệm cho toàn quyền quyết định việc quân: “Chú là Tướng biên ải, Tướng ngoài mặt trận, có gì cần thiết, chú cứ quyết rồi báo cáo Bác sau!”.

Sau này, ta mới biết việc chọn Tướng Giáp của Bác tài tình đến như thế nào. Võ Nguyên Giáp quả là một thiên tài quân sự. Vậy bằng cách nào Bác phát hiện được khả năng tiềm ẩn một thiên tài quân sự trong dáng vẻ bạch diện thư sinh của một ông giáo dạy sử ở một trường phổ thông?

Nhà báo nổi tiếng Mỹ Lady Borton kể lại rằng, có lần, mấy nhà báo Pháp cũng rất ngỡ ngàng hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh một câu hỏi khá hắc búa: “Thưa ngài Chủ tịch, ngài phong ông Giáp lên thẳng chức Đại tướng, là phong theo tiêu chí nào?”. Bác bảo: “Nước tôi là nước du kích. Chúng tôi đánh giặc theo lối du kích, thì phong hàm cũng là phong theo kiểu du kích. Ông Giáp của chúng tôi đã đánh thắng tất cả các ông tướng tài giỏi của nước Pháp, vậy thì ông ấy phải là Đại tướng thôi”.

Nói rồi, Bác cười rất sảng khoái. Mấy nhà báo quốc tế cũng cười. Câu hỏi móc mói nhuốm màu bùa chú đã bị hóa giải.

Bác của chúng ta là thế đấy! Người rất tài biến những chuyện to tát, nghiêm trọng thành những điều hết sức giản dị, mộc mạc. Chỉ những người từng trải, uyên thâm và lịch lãm lắm mới có thể làm được như thế…

 

(Theo Trần Đăng Khoa – bài đăng trên Tạp chí Hồn Việt số 65 – 2012)

 

 

 


Số lượt người xem: 2541    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm