SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
1
3
3
5
0
4
Tin tức sự kiện 18 Tháng Hai 2013 9:35:00 SA

Có những mùa xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong cuộc đời 79 mùa xuân của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, có 30 mùa xuân “tha hương”, cộng thêm hai mùa xuân vừa tha hương vừa nằm trong ngục Tưởng Giới Thạch. Trong 30 mùa xuân cách xa Tổ quốc ấy cũng có hai lần đón xuân tại nhà tù Víctoria ở Hồng Kông và 5 cái tết ở trên đất Liên Xô, chỉ có đọc sách mà không được hoạt động nhiều (từ năm 1934 đến năm 1938).

Nếu tính từ tuổi 17 đã biết tự lập thì trừ đi những năm thơ ấu, những năm “ly hương” và tù ngục, Bác Hồ thân yêu thực sự chỉ “ăn” được 30 cái tết trong nước. Chưa được một nửa cuộc đời - 17 mùa xuân lênh đênh biển cả, 04 xuân trong xà lim, 05 xuân ít được hoạt động... Những mùa xuân đắng cay ấy cũng không dồn đủ ngọt ngào cho những xuân còn lại của Người. Bác Hồ đã một lần nói với đồng chí già Hoàng Đạo Thúy rằng: ''Người ta cũng là người, ai cũng có vui, có buồn... Với anh em, đồng chí, đồng bào, tôi cố giữ cho mình được vui...''

Bác không nói tới vế sau, nhưng ai cũng hiểu. Với niềm tin tưởng và tinh thần lạc quan cách mạng, Người đã có những mùa xuân tươi đẹp nhất. Phải chăng đó là mùa xuân năm 1923 trên đất Pháp, Người viết truyền đơn cổ động mua báo Le Paria (Người cùng khổ). Mùa xuân ấy, lần đầu tiên, sau những năm kiểm nghiệm cuộc sống, Nguyễn Ái Quốc viết: “Cho đến nay chủ nghĩa tư bản chỉ là những vách tường dày ngăn những người lao động trên thế giới hiểu nhau, thương yêu nhau”. Mùa xuân năm 1924, Người đã đến Mátxcơva, quê hương của một mùa xuân mới. Mùa xuân năm 1930 là một mùa xuân tươi đẹp, sung sướng của Bác Hồ, vì “từ nay đã có Đảng lãnh đạo, cách mạng sẽ thành công”. Mùa xuân năm 1941, sau 30 năm cách xa Tổ quốc, sau khi mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ ở biên giới Việt – Trung, theo nội dung sách sau này được in dưới tên gọi Con đường giải phóng, con đường mới được chặng đầu trong khí trời trong lành của một buổi sớm xuân, trong hương thơm của hoa rừng biên cương, Người trở về Tổ quốc.

Những mùa xuân phấn khởi như vậy rất ít với Người, vì rằng Người đã “nghĩ mình trong bước gian truân, tai ương rèn luyện tinh thần thêm cao”, như Nguyễn Trãi ngày xưa cũng đã tự nói “vì trời giao ta làm việc lớn nên thử thách ta”.

Những mùa xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những mùa xuân của nghĩa tình, chan chứa lòng yêu thương đồng cảm với nhân dân, với nhân loại. Xuân năm 1959, trên đất Liên Xô, Bác với các cháu thiếu nhi: “Tết bây giờ khác trước rồi. Mùa xuân của chúng ta không phải là ba tháng mà là dài hơn, không chỉ cho gia đình, họ hàng của ta mà cả gia đình quốc tế vô sản''. Người mong muốn mùa xuân cho mọi người, xuân ở trong mọi ngày. Trong ngày xuân, gặp được đồng bào, đồng chí, bạn bè, người lại thấy “Xuân này, xuân lại thêm xuân, nước non xa, anh em gần, vui thật là vui !”.

Mùa xuân năm 1960 ghi nhận một sáng kiến vĩ đại, một quan điểm bảo vệ môi trường sinh thái cho dân tộc ta và cho cả Trái đất của Bác: Đúng dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Người phát động Tết trồng cây với tinh thần: "Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân". Ngày 18/01/1960, nói chuyện với đồng bào và cán bộ ở Kiến An, Bác Hồ nói: “Tết trồng cây- Bộ đội, thanh niên và đồng bào đều hăng hái tham gia. Như thế là tốt. Cán bộ cần phải có kế hoạch chu đáo, hướng dẫn chặt chẽ. Trồng cây nào chắc cây ấy. Trong 5,7 năm chúng ta sẽ có một nguồn thu hoạch rất to". Bác thăm công viên Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất) và trồng cây đa tại công viên để mở đầu phong trào “Tết trồng cây” do Bác phát động. Từ đó “Tết trồng cây” đã trở thành truyền thống tốt đẹp của nhân dân Hà Nội và cả nước trong những ngày đón xuân.

Khi Tết đến, xuân về, dù không có tiền bạc, bánh quà để tặng những người nghèo khổ, Bác vẫn đến với họ, sẻ chia một tấm lòng, một sắc xuân của trái tim Người. Đồng chí Vũ Kỳ - thư ký của Bác Hồ kể lại rằng, Người luôn rất quan tâm đến đời sống nhân dân, nhất là người nghèo. Khi gần đến giao thừa năm Canh Tý (1960), Bác thăm gia đình chị Tín, một công nhân nghèo, đúng lúc chị phải đi gánh nước thuê đổi gạo để sáng mai - mùng một Tết có cơm ăn cho bốn đứa con của mình. Quá bất ngờ được gặp Bác, chị Tín xúc động để rơi cả đôi thùng gánh nước xuống đất, run run cầm lấy bàn tay của Bác: “Cháu không ngờ lại được Bác đến thăm...”, chỉ nói được vậy, chị đã oà lên khóc nức nở. Vị Chủ tịch nước nhẹ nhàng an ủi chị: “Bác không đến thăm những gia đình như cô thì thăm ai...”.

 Bác đã vào nhà thăm hỏi khá lâu năm mẹ con chị Tín. Gọi là nhà nhưng đâu có phải là nhà mà là một cái chái như một túp lều. Chồng chị Tín là công nhân khuân vác ở bến Phà Đen đã mất cách đó bốn năm, còn chị thì cho đến lúc này vẫn chưa có việc làm ổn định. Cảnh nghèo của gia đình đã phũ phàng hiện ra trước mắt Bác. Trên chiếc bàn gỗ mục chỉ có một nải chuối xanh và một gói kẹo. Đúng là "Ba mươi Tết mà không có Tết".

Đêm ấy, trên đường về, ngồi trên xe, Bác Hồ trầm ngâm suy nghĩ. Vẻ đăm chiêu thoáng hiện trên gương mặt của Người. Cách đây 15 năm, Tết độc lập đầu tiên, Bác đã đau lòng chứng kiến cảnh một gia đình "Tết mà không có Tết" ở ngõ hẻm Sinh Từ. Đó là khi đất nước mới thoát khỏi vòng nô lệ. Còn bây giờ, kháng chiến đã thắng lợi, hoà bình đã sáu năm, mà lại còn cái cảnh này sao? Không phải ở đâu xa mà ở ngay Thủ đô Hà Nội... Vậy còn bao nhiêu gia đình như thế này ở khắp mọi miền đất nước? Nếu cứ ngồi nghe báo cáo thì đâu cũng là no ấm, tươi vui...

Về đến nhà, các đồng chí Bộ Chính trị đang chờ Bác để chúc mừng năm mới. Mọi người băn khoăn khi thấy Bác không vui. Bác kể lại hoàn cảnh gia đình chị Tín cho mọi người nghe. Cuối câu chuyện, Bác nói: "Ta có chính quyền trong tay, nhưng chính quyền đó chưa thực sự là do dân, vì dân. Một số lãnh đạo các địa phương còn quan liêu và nặng về hình thức. Họ không chịu đi sâu, đi sát quần chúng, nên phục vụ quần chúng chưa tốt. Nếu chúng ta chỉ nghe báo cáo của họ thì sẽ không bao giờ nắm được chính xác tình hình để có chủ trương, nghị quyết đúng đắn. Đảng quan liêu, chính quyền quan liêu, thực sự là một nguy cơ đối với đất nước chúng ta".

Gia cảnh nghèo nàn của một gia đình sống giữa Thủ đô Hà Nội khi đất nước đã giành được độc lập sáu năm khiến Bác trăn trở. Bác tâm sự: “Một ngày dân chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, các cháu chưa được học hành, mọi người còn khổ thì Bác ăn không ngon, ngủ không yên”. Ngày ấy Bác Hồ đã đích thân nhờ cảnh vệ đi tìm một gia đình nghèo thực sự để chúc Tết, vì thế, sau nhiều ngày, người thân cận bên Bác mới có thể tìm đến đúng nhà cô Tín. Và như Bác nói là “đúng người thật, việc thật”. Bác còn nói một chữ “nếu”: “Nếu mà mình báo trước với thành phố, hỏi nhà nào nghèo nhất thì chắc chắn không phải nhà cô Tín rồi…”. Điều ấy khiến ta giật mình vì đến nay những chuyện viếng thăm đầy tính hình thức, thiếu tính thực tâm đâu đã mất đi? Đến nay, sau hơn nửa thế kỷ, liệu đất nước chúng ta đã hết những cảnh nghèo khổ, cơ cực như chị Tín? Tết năm ấy Bác Hồ đã rất buồn. Trước những người hàng phố quanh nhà cô Tín ở, Bác đã hỏi: “Tại sao cả một khu phố như vậy mà không thấy ai quan tâm đến một gia đình như cô Tín? Chúng ta đã quá quan liêu để không biết những câu chuyện như vậy ở ngay thủ đô nước mình”. Lúc ấy, Người đã nói về tinh thần “lá lành đùm lá rách” mà chúng ta vẫn luôn cho rằng đó là truyền thống quý báu của mình. Trước hết là trách nhiệm của khu phố, và như Bác nói “điều lớn nhất vẫn là trách nhiệm của Chính phủ”.

Nếu bây giờ Bác Hồ hoặc bất kỳ ai hay tin về những vụ bạo hành trong các khu dân cư âm ỉ hàng chục năm – biểu hiện của sự thờ ơ, vô cảm – chắc chắn là Bác sẽ buồn biết bao nhiêu? Mong rằng, mỗi lần nhớ đến Bác với những câu chuyện như thế này, bệnh quan liêu sẽ được thuyên giảm. Nên chăng, cuối năm, chúng ta nên lắng lòng lại để nhìn lại mình và nhớ tới những người sống quanh mình, để trái tim cởi mở hơn, ấm áp hơn.

Một tấm lòng vì nước, vì dân, khi người dân no ấm, hạnh phúc thì Bác vui, khi người dân nghèo khổ, cơm chưa đủ no, áo không đủ ấm thì Bác buồn. Đó cũng là tấm lòng của một con người vĩ đại “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (Lo nỗi lo trước thiên hạ, vui niềm vui sau thiên hạ). Đây cũng chính là một bài học lớn về đạo đức mà mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cá nhân chúng ta cần học tập và làm theo một cách thiết thực.

Nếu như “Chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại” còn quá cao trên đỉnh núi, mà ta chỉ chiêm ngưỡng được trong những ngày trời đẹp, hoặc còn quá xa như một viễn cảnh, thì trong những ngày này, thế giới này, quả đất này, có thể đã có một mùa xuân“ không gì ngăn cản được những người lao động trên thế giới hiểu nhau và thương yêu nhau''. Đó là lời tuyên bố của Nguyễn Ái Quốc trong mùa xuân năm 1923. Đó là mong mỏi của Bác Hồ suốt cả cuộc đời mình mong muốn ''Mùa xuân dài hơn'', mùa xuân với áo ấm cơm no, với tự do, hạnh phúc cho nhân dân, với cái tâm, cái thiện cho mỗi con người.

 

TỔ TUYÊN TRUYỀN TRỰC THUỘC ĐẢNG ỦY CƠ QUAN CHÍNH QUYỀN QUẬN 8

(Theo Tạp chí Xây dựng Đảng online, các cuốn sách: Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nhớ lời Bác dạy)

 


Số lượt người xem: 2480    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm