Bác Hồ cho rằng tự phê bình và phê bình là một vũ khí, một nguyên tắc có tính quy luật của công tác xây dựng Đảng. Bác chỉ rõ :
“Dao có mài mới sắc,
Vàng có thui mới trong
Nước có lọc mới sạch
Người có tự phê bình, mới tiến bộ, Đảng cũng thế”.
Tuy nhiên để thực hiện điều này không đơn giản. Bác nói : “Tự phê bình là thật thà nhận công khai trước mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa. Điều đó nói thì dễ nhưng làm thì khó. Khó vì người ta hay có lòng tự ái. Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình, thì sợ mất thể diện, mất uy tín mất địa vị”. Bác Hồ cho đó là “dại dột, khác nào có bệnh mà giấu bệnh. Giấu bệnh thì càng ngày bệnh càng nặng, đến khi quá nặng không chữa được nữa, thì chết”.
Bác chỉ rõ: “Phê bình là quyền lợi và nhiệm vụ của mọi người, là thực hành dân chủ. Cấp dưới có quyền phê bình cấp trên. Nhân dân có quyền phê bình cán bộ, phê bình chính quyền, Đảng và các đoàn thể. Mọi người có quyền phê bình nhau để cùng tiến bộ… Người cách mạng và các đoàn thể cách mạng cần phê bình và tự phê bình thiết tha như người ta cần không khí… Đảng viên và cán bộ cần gương mẫu thật thà, phê bình và tự phê bình để tự giáo dục mình và giáo dục nhân dân”.
Bác Hồ nhấn mạnh: “Muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo mình, thì người Đảng viên, từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở phải thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu”. Theo Bác, sự trong sạch vững mạnh của Đảng là từ những việc làm cụ thể, tưởng như nhỏ bé ấy.
Phải dân chủ, công khai, minh bạch
Bác Hồ luôn chỉ rõ tự phê bình và phê bình là để giúp nhau nhận rõ sai lầm, thiếu sót để sửa chữa, tiến bộ. Đối với Đảng ta cũng vậy, Đảng dám công khai thừa nhận những yếu kém, sai sót thì Đảng mới thực sự vững mạnh. Để được như vậy, Đảng phải thẳng thắn, công khai chỉ rõ những sai lầm, thiếu sót của cán bộ đảng viên để dân tin Đảng, để Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh. Đảng chỉ có công khai, minh bạch, dám nhận khuyết điểm để sửa chữa thì Đảng mới thật sự vững mạnh, mới thật sự trong như pha lê, mạnh như thác lũ.
Chính vì vậy mà Bác Hồ chỉ rõ thái độ đúng đắn của Đảng coi cuộc vận động chống tham ô, lãng phí, quan liêu là “Cuộc cách mạng nội bộ, một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạnh … với kẻ địch là tệ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu”. Điều đó càng có ý nghĩa thiết thực với việc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay.
Trong cuộc đấu tranh này, Bác Hồ nói không sợ công khai người có tội mà sợ địch lợi dụng phản tuyên truyền, sợ mất uy tín của Đảng, sợ mất thể diện cán bộ, Bác chỉ rõ, với họ dân chúng đều biết cả, không giấu giếm nổi. Người dẫn câu tục ngữ “Rừng có vạch, vách có tai”.
Việc giấu giếm chỉ vì lợi ích cá nhân, lại có hại cho Đảng, không vì lợi ích của Đảng, của nhân dân. Bác yêu cầu phải dân chủ, phải công khai, minh bạch. Phải dựa vào lực lượng của quần chúng, phải thật sự mở rộng dân chủ. Bác Hồ đòi hỏi phát động tư tưởng của quần chúng làm cho quần chúng khinh ghét tệ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu; làm cho hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi.
Bác Hồ yêu cầu “Chúng ta, tất cả những cán bộ phụ trách của Đảng và Chính phủ, phải thật thà tự phê bình nhận khuyết điểm và gương mẫu sửa chữa”. Theo Bác, chỉ có như vậy thì nhân dân mới tin, mới làm theo. Bác ví “tham ô là lấy trộm của công….Nếu nhà ai bị mất cắp, mất trộm, thì hô hoán lên và cả xóm, cả làng đuổi bắt kẻ trộm. Khi của công bị mất cắp, mất trộm thì mọi người đều có trách nhiệm vạch mặt kẻ gian và đưa nó ra trước pháp luật vì mọi người đều có nghĩa vụ giữ gìn của công”.
Theo Bác, để huy động nhân dân cùng bắt trộm, bắt cắp thì phải biết nghe dân, tin dân. Bác nói nhiều vụ báo chí đăng lời phê bình vụ việc thì nhiều khi như “nước đổ đầu vịt”, cán bộ, cơ quan và đoàn thể được phê bình cứ “im hơi, lặng tiếng”. Không những thế, Bác chỉ rõ những thái độ sai trái của một số cán bộ dọa nạt nhân dân vì họ đã gửi thư lên cấp trên…Làm như vậy là "bịt hết tai mắt cấp trên, bịt mồm miệng quần chúng”.
Bác yêu cầu “Tuyệt đố không được áp bức phê bình”; “Phải mở rộng dân chủ; phải mở rộng phê bình và tự phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên trên…chúng ta còn phải hoan nghênh những lời phê bình thật thà của nhân dân”; “Phải kiên quyết chống lại thói “cả vú lấp miệng em”, ngăn cản quần chúng phê bình. Một Đảng viên ở địa vị càng cao thì phải giữ đúng kỷ luật của Đảng càng phải làm gương dân chủ”.
Hệ thống lại những tư tưởng của Bác Hồ về tự phê bình và phê bình, Bác thẳng thắn phê bình những người có quan điểm không đúng đắn về vấn đề này: “Có những cán bộ tưởng rằng: Nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình thì sẽ có hại, vì:
- Kẻ địch lợi dụng để phản tuyên truyền.
- Giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền
- Làm mất thể diện của cán bộ đã phạm khuyết điểm ấy.
- Chỉ phê bình qua loa ở nội bộ là đủ rồi…
Một khi đã phạm khuyết điểm, thì dù mình muốn bưng bít thì người ta cũng biết. Một đoàn thể hoặc chính quyền mà che giấu khuyết điểm của cán bộ mình, là một đoàn thể hoặc chính quyền yếu ớt, thoái bộ”.
Trên đây là những điều chúng ta cần học và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn ninh hiện nay.
(Ban Tuyên Giáo Quận ủy Q8)