SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
1
3
1
3
6
9
Tin tức sự kiện 18 Tháng Mười Hai 2012 2:35:00 CH

4 điểm mới trong Bộ luật Lao động 2012 (sửa đổi)

 Bộ luật lao động năm 2012 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012 thay thế Bộ luật lao động cũ (đã qua 3 lần sửa đổi) và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 05 năm 2013, bao gồm 17 Chương và 242 Điều. 

            Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục Quận 8 xin giới thiệu 4 nội dung mới đáng chú ý của Bộ luật lao động (sửa đổi) mà người lao động cần biết.

          1/ Về thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ: Từ 01.5.2013, lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 06 tháng, thay vì 04 tháng như hiện nay. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.

          2/ Về độ tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm lao động cụ thể: Bộ luật cho phép Chính phủ quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, nhóm lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác, làm cơ sở để trong tương lai điều chỉnh tổng thể tuổi nghỉ hưu. 

          3/ Về chính sách tiền lương: Có hai điểm đáng chú ý:

          - So với trước, bộ luật làm rõ hơn khái niệm tiền lương và xác định tiền lương là giá cả sức lao động theo nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Mức lương sẽ được tính trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động với chủ sử dụng lao động, song vẫn có sự quản lý của Nhà nước thể hiện qua việc Nhà nước sẽ tổ chức Hội đồng Tiền lương quốc gia để công bố tiền lương tối thiểu. Căn cứ vào đó, chủ sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận ký kết hợp đồng lao động. 

           - Hội đồng Tiền lương quốc gia là cơ quan tư vấn cho Chính phủ, bao gồm các thành viên là đại diện của Bộ LĐTBXH, Tổng LĐLĐVN và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương. Chính phủ được giao quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của hội đồng này.

             4/ Về mức lương tối thiểu: Có ba nội dung đáng chú ý:

            - Bộ luật quy định tiền lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động  và gia đình họ. Mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành.

          - Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

          - Mức lương tối thiểu ngành được xác định thông qua thương lượng tập thể ngành, được ghi trong Thỏa ước lao động tập thể ngành nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố.

 

 

(Ảnh minh họa – Công nhân ngành may)

Nghị định 103/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan tổ chức có thuê mướn lao động

-----------

            Chính phủ vừa ban hành Nghị định 103/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan tổ chức có thuê mướn lao động sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 1.650.000đ đến 2.350.000đ/tháng.

            Đối tượng áp dụng bao gồm doanh nghiệp thành lập, tổ chức và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mức lương tối thiểu mới sẽ được chia theo 4 vùng, cụ thể: Vùng I là 2.350.0000đ; vùng II là 2.100.000đ; vùng III 1.800.000đ và vùng IV là 1.650.000đ/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương cũ hiện nay từ 250.000-350.000đ/tháng. Mức lương tối thiếu vùng sẽ được áp dụng từ 1.1.2013 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh là 2.350.0000đ/tháng, trừ các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn huyện Cần Giờ áp dụng mức 2.100.000đ/tháng.

            Nghị định cũng nêu rõ, mức lương tối thiểu vùng quy định như trên là cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận tiền lương bảo đảm mức tiền lương tính theo tháng trả cho người lao động chưa qua đào tạo làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ số ngày làm việc tiêu chuẩn trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

            Mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

            Đối với doanh nghiệp đã xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương thì căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng để điều chỉnh các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, các mức lương trong hợp đồng lao động cho phù hợp với các thỏa thuận và quy định của pháp luật lao động.

           Đối với doanh nghiệp chưa xây dựng thang lương, bảng lương thì căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng để tính các mức lương khi xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, tính các mức lương ghi trong hợp đồng lao động và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

           Nghị định cũng khuyến khích các doanh nghiệp trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng quy định.

            Nghị định 103 có hiệu lực thi hành từ ngày 20/1/2013. Mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định này được áp dụng từ ngày 1/1/2013. /.

HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT QUẬN 8

 


Số lượt người xem: 3595    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm