Nhằm quản lý và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu lưu trú của công nhân, người lao động và hoạt động của các khu nhà cho công nhân, người lao động thuê để ở trên địa bàn Quận 8 đúng quy định của pháp luật, phù hợp với mục tiêu, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Quận 8; góp phần đảm bảo sức khỏe công nhân, người lao động; góp phần ổn định sản xuất cho doanh nghiệp, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, Ủy ban nhân dân Quận 8 đã có công văn số 2610/UBND-QLĐT ngày 18/11/2011 về việc hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý nhà cho công nhân, người lao động thuê để ở trên địa bàn Quận 8 theo Quyết định số 75/2006/QĐ-UBND ngày 17/5/2006 của Ủy ban nhân dân thành phố, trong đó có quy định về điều kiện nhà cho công nhân, người lao động để ở như sau:
- Về kiến trúc xây dựng nhà:
+ Diện tích sử dụng mỗi phòng ít nhất 9m2 (nếu không có nhà vệ sinh trong phòng) và ít nhất 12m2 (nếu có nhà vệ sinh trong phòng), chiều rộng phải đảm bảo không nhỏ hơn 2,4m, chiều cao từ sàn đến trần nhà chỗ thấp nhất là 2,8m, có vách ngăn mỗi phòng riêng biệt bằng gạch xây. Phải đảm bảo diện tích bình quân đầu người là 3m2/người ;
+ Nhà vệ sinh chung phải có khu vệ sinh cho nam riêng, nữ riêng và đảm bảo yêu cầu tối thiểu đối với khu vệ sinh nam gồm 01 cầu vệ sinh và 01 nhà tắm tối đa phục vụ cho 12 người và khu vệ sinh nữ gồm 01 cầu vệ sinh và 01 nhà tắm tối đa phục vụ cho 10 người;
+ Phải có chỗ nấu ăn, chỗ giặt và chỗ phơi quần áo cho công nhân – người lao động ngoài phạm vi phòng ở;
+ Phòng ở phải đảm bảo thông gió và chiếu sáng tự nhiên.
- Về kết cấu và vật liệu xây dựng nhà:
+ Móng nhà phải đảm bảo ổn định, chịu được tải trọng căn nhà;
+ Tường bao che và tường ngăn các phòng phải được xây bằng gạch, bắt buộc phải được trát vữa mác 75, quét vôi 03 nước hoặc sơn nước; không được làm bằng vách đất, tre nứa vật liệu dễ mục, dễ cháy;
+ Nền nhà phải cao hơn mặt đường, đảm bảo không bị ngập khi mưa lớn và tối thiểu phải được tráng bằng xi măng;
+ Cửa sổ, cửa đi phải đảm bảo khép kín và an toàn trong sử dụng, có chốt khóa an toàn, đóng mở dễ dàng;
+ Mái nhà phải đảm bảo an toàn, không bị thấm giột, phải có trần chống nóng đối với mái lợp bằng tôn;
+ Không sử dụng vật liệu tranh, tre, nứa, lá, vật liệu dễ mục, dễ cháy làm vách ngăn, cửa đi, cửa sổ hay mái nhà.
- Về phòng cháy chữa cháy:
+ Hành lang, lối đi chung phải đảm bảo thoát hiểm khi có hỏa hoạn;
+ Trường hợp nhà xây dựng thành một khối có hàng lang giữa, 2 dãy phòng hai bên, kích thước hành lang tối thiểu là 1,4m, chiều dài tối đa giữa hai đầu hồi không quá 25m;
+ Trường hợp xây dựng 2 dãy nhà riêng biệt có lối đi chung ở giữa, kích thước lối đi chung tối thiểu là 3,5m;
+ Phải có bể chứa phục vụ cứu hỏa, bình chữa cháy và các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy theo quy định hiện hành về phòng cháy chữa cháy;
+ Đối với khu nhà cho thuê có trên 20 người sử dụng phải có ý kiến chập thuận sau khi kiểm tra các điều kiện phòng cháy chữa cháy của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Về tiện nghi sử dụng:
+ Trang thiết bị trong phòng tối thiểu phải có 01 ổ cắm điện và bóng đèn chiếu sáng;
+ Đường dây dẫn điện phải đảm bảo an toàn theo quy định của ngành điện, phải có cầu dao tổng cho toàn nhà và mỗi phòng ở phải có 01 cầu dao tự động;
+ Phải có nước sạch phục vụ sinh hoạt. Trường hợp dùng nước giếng khoan phải có bể lọc nước và được cơ quan có chức năng kiểm nghiệm cho phép sử dụng; bể chứa nước sạch phải cách bể tự hoại tối thiểu là 5m;
+ Nước thải nhà vệ sinh phải được xử lý qua bể tự hoại xây dựng đúng quy cách cho từng dãy nhà và phải có hệ thống thoát nước kín nối với hệ thống thoát nước trong khu vực để không gây ngập úng, không được dùng mương hở để thoát nước. Đối với các khu vực chưa có hệ thống thoát nước chung thì tạm thời xây dựng bể chứa nước thải để thẩm thấu tự nhiên, không ảnh hưởng đến môi trường;
+ Rác thải phải được đơn vị có chức năng thu gom hàng ngày và có chỗ tập kết hợp vệ sinh, không làm ô nhiễm môi trường xung quanh.
(Thùy Trang – VPUBNDQ8)