SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
2
5
0
7
8
1
Góc thư giãn 21 Tháng Mười Hai 2012 11:05:00 SA

Anh thương binh làm từ thiện

Ngày 7/12/2012 tại hội trường Trung tâm bồi dưỡng chính trị Quận 8, Hội Cựu chiến binh Quận 8 tổ chức lễ kỷ niệm 23 năm ngày thành lập Hội cựu chiến binh Việt Nam và tổng kết hoạt động hội năm 2012. Nhân dịp này nhiều tổ chức và cá nhân đã được nhận Giấy khen của Ủy ban nhân dân Quận 8 và Quận hội.

Sau giây lát xôn xao, cả hội trường bỗng dưng yên lặng để nghe đồng chí Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Quận 8 đọc Quyết định khen thưởng đột xuất cho đồng chí Trần Anh Kiệt- cựu chiến binh, thương binh hạng 2/4 vì đã vượt khó, thoát nghèo và tích cực tham gia công tác xã hội nhân đạo tại địa phương bằng nguồn thu nhập chính đáng từ mô hình “Nhóm nấu ăn Sáu Kiệt”. Cả hội trường lắng nghe và ngưỡng mộ khi nghe đồng chí Chủ tịch Quận hội kể tóm tắt về thành tích của anh thương binh Sáu Kiệt. Hồi chiến tranh biên giới Tây nam, anh nhập ngũ và được tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Năm 1983, trên đường hành quân truy quét tàn quân địch tại Xiêm Riệp, một trái mìn hiểm độc của Pôn Pốt đã cắt cụt 1 cẳng chân anh. Anh được chuyển về Quân y viện 175 xử lý mỏm cụt. Anh được xếp loại thương binh 2/4 và xuất ngũ về địa phương năm 1983. Những năm đó tình hình kinh tế đất nước đang trong thời kỳ khó khăn, ai cũng vất vả vật lộn với miếng cơm manh áo. Và đó cũng là những năm tháng đầy gian nan của anh. Anh tâm sự, có những lúc tưởng chừng như không vượt qua nổi.

 

 

 

(Ảnh: Anh Sáu Kiệt trao bảng đăng ký ủng hộ 40 triệu đồng quỹ xã hội nhân đạo)

 

Nhưng rồi anh được cấp ủy đảng và chính quyền địa phương động viên và hỗ trợ vốn để anh tìm cách thoát nghèo. Vào khoảng năm 1990-1991 anh là một trong những người được vay vốn đợt đầu tiên của chương trình xóa đói giảm nghèo, anh được vay vốn 500 ngàn đồng để bán đồ lê-gim với bà ngoại nhưng rồi thất bại, bị cụt cả vốn lẫn lời. Năm 1993 anh được Chương trình cho vay vốn đợt 2 với số tiền 5 triệu đồng, anh bán hủ tiếu xào và đồ nhậu lai rai trong 1 con hẻm ở đường Bùi Minh Trực, nhưng cũng không thành công.

 

 

 

(Ảnh: Anh Sáu Kiệt (hàng trên, người thứ 2 từ trái qua) chụp hình lưu niệm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2012)

 

Năm 1995 anh lại được quỹ xóa đói giảm nghèo cho vay vốn lần thứ 3 với số tiền 7 triệu đồng. Lần này anh đã đầu tư mua sắm dụng cụ nấu ăn và anh nhận đặt tiệc liên hoan, sinh nhật, đám giỗ. Anh thành lập “Nhóm nấu ăn Sáu Kiệt” lúc đầu chỉ vài ba người trong gia đình, ai đặt bàn tiệc thì phục vụ tận nhà, dần dà nhờ thực khách hài lòng với những món ăn ngon, anh “lấy ngắn nuôi dài” và hiện nay anh đã gầy dựng được thương hiệu “Nhóm nấu ăn Sáu Kiệt” với đội ngũ hơn 30 nhân viên phục vụ, nhờ vậy anh đã mang lại công ăn việc làm cho họ với thu nhập tương đối ổn định, khoảng từ 4 đến 5 triệu đồng một tháng. Anh duy trì mô hình “Nhóm nấu ăn Sáu Kiệt” lưu động, ai có nhu cầu đặt từ 2 bàn trở lên thì nhóm của anh đến phục vụ ngay tại chỗ. Anh tâm sự: Nhóm nấu ăn Sáu Kiệt  bắt đầu đông khách từ năm 2000 và đông khách nhất từ năm 2007 trở lại đây, lần đầu tiên anh nhận đặt 175 bàn, con số kỷ lục vào tháng 6/2012.

 

 

 

(Ảnh: Anh Sáu Kiệt trân trọng tấm hình được chụp chung với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2012)

 

Khi có tiền anh vẫn không đầu tư mở nhà hàng mà anh lại có tâm nguyện dành dụm tiền để làm từ thiện, khi thì giúp đỡ đồng đội qua cơn ngặt nghèo, khi thì giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh trên địa bàn phường hoặc những địa chỉ do Hội Chữ thập đỏ Quận 8 giới thiệu. Chúng tôi  không biết chính xác là anh bắt đầu làm từ thiện từ bao giờ, chỉ biết rằng anh hay tài trợ bàn tiệc cho một số hội nghị, khi thì 5 bàn, khi thì vài chục bàn. Anh tài trợ để chăm lo những bữa cơm người già, đôi khi anh tài trợ cỡ vài chục triệu là chuyện bình thường. Ấn tượng khó phai nhất là nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10/2012 vừa rồi anh đã tài trợ 18 triệu đồng để chăm lo “bữa cơm người già” cho hơn một trăm cụ già neo đơn do Hội Chữ thập đỏ Quận 8 tổ chức tại Nhà văn hóa Thiếu nhi Quận 8 với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Quận ủy- UBND-UBMTTQ Quận 8 và các ban ngành đoàn thể của Quận. Chỉ riêng năm 2012 anh Sáu Kiệt đã tham gia các chương trình xã hội nhân đạo của phường và Quận với tổng số tiền là 126 triệu đồng.  Anh Sáu Kiệt rất vui được là thành viên Ban bảo trợ Hội Chữ thập đỏ Quận 8 nhiệm kỳ VII (2012- 2015). Tại lễ ra mắt Ban bảo trợ hôm 8/12/2012 vừa rồi anh Sáu Kiệt đã lên sân khấu trao bảng đăng ký ủng hộ cho Quỹ xã hội nhân đạo với số tiền 40 triệu đồng.

 

 

 

(Ảnh: Hoa nhân ái năm 2012)

 

Chúng tôi hỏi vì sao anh có tấm lòng nhân ái như vậy. Anh hẹn gặp tôi tại nhà anh trong một con hẻm nhỏ trên đường Phạm Thế Hiển, Phường 5 Quận 8. Đây là nhà tình nghĩa anh được xây tặng năm 1993, liền kề với căn nhà tình nghĩa của anh thương binh một mắt Trần Hoàng Tấn. Khi tôi đến anh vừa cười vừa chỉ nhà anh Tấn và nói nửa đùa nửa thật: “Đây, thằng một mắt giúp thằng một giò, nhờ anh này mà tôi tìm được cách làm ăn thành công như ngày hôm nay”. Tôi hỏi: “Anh Tấn giúp anh những gì?”. Anh Kiệt nói rằng anh Tấn đã chỉ cho cách làm ăn, đã giúp mặt bằng của nhà mẹ để anh khởi nghiệp nấu ăn. Anh nói rằng: anh đã được nâng đỡ bằng những bàn tay nhân ái để thoát nghèo, giờ anh có cơ hội để trả ơn cuộc đời, anh muốn làm được một việc gì đó để giúp đỡ cho những ai còn kém may mắn hơn mình. Vâng, đó cũng là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, là tình đồng chí, nghĩa đồng bào đùm bọc, sẻ chia, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. 

 

 

 

 

(Ảnh: Anh Sáu Kiệt được tri ân vì sự nghiệp nhân đạo cao cả năm 2012)

 

Được gặp anh trong căn nhà tình nghĩa, tôi càng cảm phục và ngưỡng mộ anh, một con người rất bình dị nhưng tràn đầy nghị lực và lòng nhân ái. Trên tường nhà có treo quà lưu niệm tuyên dương Hoa nhân ái với một chữ Tâm bằng vàng của Hội Chữ thập đỏ Quận 8 và bảng tri ân vì sự nghiệp nhân đạo cao cả, nhiều Bằng khen, Giấy khen trong đó có Bằng khen của UBMTTQ TP. Hồ Chí  Minh  trong phong trào “3 tiết kiệm, 3 tương trợ”  và Bằng khen của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tặng năm 2012. Ngưỡng mộ biết bao khi anh là một trong những người được chụp hình lưu niệm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2012 (tổ chức ngày 7/7/2012 tại thành phố Đà Nẵng). Gặp anh tôi càng hiểu rằng: người thành công không phải là người không bao giờ thất bại, mà người thành công chính là người biết đứng dậy và bước tiếp sau những lần vấp ngã. Vâng, sau 3 lần vay vốn xóa đói giảm nghèo, anh thương binh Sáu Kiệt đã thành công và có tiền để làm từ thiện. Anh là một tấm gương sáng về người thương binh “tàn mà không phế”.

Anh Sáu Kiệt có 2 con trai: đứa 18, đứa 19 tuổi, thân hình vạm vỡ, ngoan hiền và là cánh tay đắc lực cho cha trong “Nhóm nấu ăn Sáu Kiệt”.  Chia tay anh tôi rưng rưng nước mắt khi nghe anh nói một chút xíu về đời tư sâu kín và bất hạnh của mình: “ Tụi em giận nhau vì một chuyện lãng xẹc anh à, bây giờ em không còn giận nữa, ly thân đã mười năm rồi nhưng em sẽ không ly dị đâu. Em muốn rằng nếu sau này em có chết thì 2 thằng con trai em sẽ rước má chúng về để chăm sóc trong căn nhà này…”.

 

 (BS.Thuần – Hội CTĐ Q8)


Số lượt người xem: 9071    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Object reference not set to an instance of an object.
Tìm kiếm