SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
1
2
8
8
2
6
Tin tức sự kiện 25 Tháng Bảy 2011 11:35:00 SA

Tìm hiểu nội dung cơ bản của Luật Tố tụng hành chính 2010

Luật Tố tụng hành chính được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII ngày 24/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Luật Tố tụng hành chính gồm 18 chương, 265 điều. Một số nội dung cơ bản đó là:

1. Về các khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

Điều 28 Luật Tố tụng hành chính quy định những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo hướng loại trừ; cụ thể là Tòa án có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện sau đây:

a. Khiếu kiện quyết định hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.

b. Khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

c. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống.

d. Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

2. Về quyền khởi kiện vụ án hành chính

Luật Tố tụng hành chính quy định cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính, hành vi vi phạm hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, nhưng hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết, nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi đó…

Nếu như trước đây Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đặt ra điều kiện phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu rồi mới có quyền khởi kiện ra Tòa án thì nay theo quy định của Luật tố tụng hành chính, cá nhân, cơ quan, tổ chức nếu không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án.  Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức lựa chọn việc khiếu nại cơ quan hành chính thì khi hết thời hạn giải quyết theo quy định mà khiếu nại không được giải quyết hoặc được giải quyết nhưng họ không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại lần đầu (hoặc lần hai) thì họ vẫn có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.

3. Về thời hiệu khởi kiện

Luật Tố tụng hành chính quy định thời hiệu khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc là 1 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc.

Theo quy định tại Điều 30 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì theo thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính là 30 ngày hoặc 45 ngày tùy theo từng trường hợp.

4. Chứng minh và chứng cứ trong tố tụng hành chính

a. Về quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh của đương sự

Theo quy định tại Điều 8 và Điều 72 Luật Tố tụng hành chính thì đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án hành chính, đương sự có quyền và có nghĩa vụ giao nộp chứng cứ cho Tòa án; nếu đương sự không nộp hoặc nộp không đầy đủ thì phải chịu hậu quả của việc không nộp hoặc nộp không đầy đủ đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

b. Về trách nhiệm của Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ

Luật Tố tụng hành chính quy định Tòa án tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp do Luật này quy định. Cụ thể là: trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ và có yêu cầu hoặc xét thấy cần thiết, Tòa án có thể tự mình hoặc ủy thác tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ bao gồm: lấy lời khai của đương sự; lấy lời khai của người làm chứng; đối chất; xem xét, thẩm định tại chỗ; trưng cầu giám định; quyết định định giá tài sản, thẩm định giá tài sản; ủy thác thu thập chứng cứ, yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ.

Trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà không thể tự mình thu thập được thì có thể yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hành chính đúng đắn. Đương sự yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ phải làm đơn ghi rõ vấn đề cần chứng minh, chứng cứ cần thu thập và lý do vì sao tự mình không thu thập được.

Tòa án có thể trực tiếp hoặc bằng văn bản yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ cung cấp cho mình chứng cứ.

c. Về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát

Luật Tố tụng hành chính quy định cụ thể cá nhân, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát tài liệu, chứng cứ mà mình đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát; trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát biết và nêu rõ lý do của việc không cung cấp được tài liệu, chứng cứ. Thời hạn cung cấp chứng cứ cho Tòa án, Viện kiểm sát là 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát.

5. Về việc yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Điểm mới về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Luật Tố tụng hành chính là quy định người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không phải thực hiện biện pháp bảo đảm. Sở dĩ Luật quy định như vậy vì trong quan hệ hành chính một bên đương sự có phần yếu hơn. Do đó, nếu áp dụng biện pháp bảo đảm thì sẽ ít nhiều làm hạn chế quyền của người dân được yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ…

6. Về sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tại phiên tòa

Điều 131 Luật Tố tụng hành chính quy định sự có mặt của đương sự, người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cùa đương sự tại phiên tòa. Đây là những quy định cần thiết nhằm bảo đảm cho sự có mặt tại Tòa án, tại phiên tòa của những người nói trên theo giấy triệu tập của Tòa án, thể hiện nghĩa vụ tôn trọng Tòa án của họ. Tòa án hoãn phiên tòa nếu họ đã được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà có người vắng mặt.

Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì xử lý như sau: 

- Đối với người khởi kiện, người đại diện theo pháp luật mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người khởi kiện có quyền khởi kiện lại, nếu thời gian khởi kiện vẫn còn;

 - Đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ…

7. Về thẩm quyền của Hội đồng xét xử sơ thẩm

Đây cũng là quy định mới của Luật Tố tụng hành chính so với Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, theo đó khi giải quyết vụ án hành chính, Hội đồng xét xử sơ thẩm có quyền quyết định:

- Bác yêu cầu khởi kiện, nếu yêu cầu khởi kiện đó không có căn cứ pháp luật

- Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật; buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật;

- Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên bố một số hoặc toàn bộ các hành vi hành chính là trái pháp luật; buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật;

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật; buộc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật;

- Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trái pháp luật; buộc cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định giải quyết khiếu nại và quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh giải quyết lại vụ việc theo quy định của Luật cạnh tranh.

 

(Nguyễn Văn Dũng – Phòng Tư pháp Quận 8)

 

 


Số lượt người xem: 3330    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm