Tình hình dịch bệnh từ đầu năm đến nay diễn biến phức tạp nhất là dịch bệnh tay-chân-miệng, sốt xuất huyết. Cả nước có 25.918 trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng (có 74 người tử vong). Tại thành phố Hồ Chí Minh, tính đến hết tháng 7/2011 số trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng vẫn không ngừng gia tăng, đã có 6.809 trường hợp mắc bệnh, có 22 trường hợp tử vong; sốt xuất huyết có 4.639 trường hợp mắc bệnh có 2 trường hợp tử vong.
Riêng tại quận 8, tính từ đầu năm đến nay số trường hợp mắc bệnh tay- chân-miệng đang tăng cao, có 578 trường hợp mắc bệnh (có 3 trường hợp tử vong); sốt xuất huyết là 587 trường hợp. Trong tháng 7/2011 có 206 trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng, dịch bệnh đang lan nhanh tại hầu hết các phường nhất là phường 15, 7, 9, 3, 4, 5, 6; sốt xuất huyết là 91 trường hợp mắc bệnh, dịch bệnh đang tăng nhanh tại các phường 4, 5, 7, 8, 9, 10, 16.
Trong tuần qua, từ ngày 27/7/2011 đến ngày 03/8/2011 số trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng là 35 ca (phường 1: 4 ca; phường 2: 3 ca; phường 3: 4 ca; phường 4: 4 ca; phường 5: 1 ca; phường 6: 4 ca; phường 7: 3 ca; phường 8: 2 ca; phường 9: 2 ca; phường 10: 0 ca; phường 11: 0 ca; phường 12: 0 ca; phường 13: 1 ca; phường 14: 0 ca; phường 15: 6 ca; phường 16: 1 ca). Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết là 20 ca (phường 1: 1 ca; phường 2: 0 ca; phường 3: 0 ca; phường 4: 5 ca; phường 5: 2 ca; phường 6: 2 ca; phường 7: 2 ca; phường 8: 1 ca; phường 9: 1 ca; phường 10: 1 ca; phường 11: 1 ca; phường 12: 0 ca; phường 13: 0 ca; phường 14: 0 ca; phường 15: 2 ca; phường 16: 2 ca)
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, rất cần sự đồng thuận của người dân, để cùng với chính quyền địa phương thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh tay-chân-miệng, sốt xuất huyết có hiệu quả nhất.
1/ Một số biểu hiện của bệnh tay-chân-miệng: trẻ sốt, loét miệng, nổi ban có bóng nước ở tay, bàn chân, khi có các dấu hiệu sau: sốt cao; quấy khóc liên tục; khó ngủ hoặc ngủ li bì; giật mình, hốt hoảng, chới với; run giật tay chân, co giật; nôn ói, bỏ bú; yếu liệt tay chân; da nổi bông… các bà mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến khám ở: Bệnh viện Nhi Đồng I, Bệnh viện Nhi Đồng II và Bệnh viện Nhiệt đới.
Cách phòng ngừa bệnh tay-chân-miệng:
- Thường xuyên rửa sạch bàn tay trẻ, rửa sạch bàn tay người giữ trẻ và vật dụng, đồ chơi của trẻ (hàng tuần ngâm đồ chơi của trẻ trong nước diệt trùng như Cloramin B hoặc nước Javel, nước lau sàn nhà có chữ “diệt trùng” có bán ở các siêu thị. Sau khi ngâm 30 phút rửa lại bằng nước sạch)
- Lau sạch khu vực sinh hoạt của trẻ bằng dung dịch khử khuẩn.
Hướng dẫn vệ sinh khử trùng tại hộ gia đình:
a/ Thực hiện thường xuyên khi không có bệnh nhân:
- Sử dụng bột Chloramin B 25% (do nhân viên y tế hoặc tổ trưởng dân phố cấp phát):
+ Vệ sinh hàng ngày: pha ½ muỗng cà phê bột Chloramin B trong 1 lít nước, để lau chùi nền nhà, các bề mặt hàng ngày…
+ Khử trùng mỗi tuần 1 lần: pha 1 muỗng cà phê bột Chloramin B trong 1 lít nước (gấp đôi lượng Chloramin B trong vệ sinh hàng ngày), để ngâm rửa đồ chơi, lau chùi các bề mặt, 20 – 30 phút sau lau, rửa lại bằng nước sạch.
- Có thể sử dụng nước Javel 5% thay thế Chloramin B:
+ Vệ sinh hàng ngày: theo hướng dẫn pha khử trùng trên nhãn chai, để lau chùi nền nhà, các bề mặt hàng ngày…
+ Khử trùng mỗi tuần một lần: pha gấp đôi lượng Javel trong vệ sinh hàng ngày trong cùng một lượng nước, để ngâm rửa đồ chơi, lau chùi các bề mặt, 20 – 30 phút sau lau, rửa lại bằng nước sạch.
- Khi làm vệ sinh bằng dung dịch khử trùng phải sử dụng 2 xô (1 xô chứa dung dịch khử trùng, 1 xô chứa nước sạch); trong khi lau bằng dung dịch khử trùng nếu thấy khăn khô hoặc bị dơ, phải xả sạch khăn lau bằng nước, sau đó nhúng vào dung dịch khử khuẩn để lau tiếp.
b/ Thực hiện khi trong khu phố, tổ dân phố có bệnh nhân tay-chân-miệng:
- Sử dụng bột Chloramin B 25% (do nhân viên y tế hoặc tổ trưởng dân phố cấp phát): vệ sinh hàng ngày: pha 5 muỗng cà phê bột Chloramin B trong 1 lít nước, để ngâm rửa đồ chơi, lau chùi các bề mặt tiếp xúc với bệnh nhân, 20 – 30 phút sau lau, rửa lại bằng nước sạch.
- Có thể sử dụng nước Javel 5% thay thế Chloramin B: vệ sinh hàng ngày, pha gấp 10 lần lượng Javel theo hướng dẫn pha khử trùng trên nhãn chai với cùng một lượng nước, để ngâm rửa đồ chơi, lau chùi các bề mặt tiếp xúc với bệnh nhân, 20 – 30 phút sau lau, rửa lại bằng nước sạch.
- Khi làm vệ sinh bằng dung dịch khử trùng phải sử dụng 2 xô (1 xô chứa dung dịch khử trùng, 1 xô chứa nước sạch); trong khi lau bằng dung dịch khử trùng nếu thấy khăn khô hoặc bị dơ, phải xả sạch khăn lau bằng nước, sau đó nhúng vào dung dịch khử khuẩn để lau tiếp.
- Thực hiện khử trùng hàng ngày liên tiếp trong 10 ngày kể từ khi phát hiện trường hợp mắc bệnh, sau đó duy trì vệ sinh hàng ngày và khử trùng hàng tuần như khi không có bệnh nhân.
2/ Phòng, chống bệnh sốt xuất huyết:
- Những dấu hiệu phát hiện bệnh: khi trẻ sốt từ 2 đến 7 ngày, nếu có một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay: lừ đừ, bứt rứt; lạnh tay chân, thường là vào ngày thứ 4, 5 của bệnh, nhất là khi trẻ hết sốt; ói nhiều; đau bụng; chảy máu bất thường: máu mũi, ói máu, tiêu phân đen…
- Cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết:
+ Diệt lăng quăng, diệt muỗi, đậy kín các vật dụng chứa nước, tiêu hủy các phế thải đọng nước (chú ý các lọ, hủ, bình bông để nước lâu ngày sẽ có lăng quăng, khơi thông những nơi ao tù, phát quang bụi rậm xung quanh nhà…)
+ Khi phát bệnh sốt xuất huyết (sốt cao, nổi chấm đỏ trên cơ thể) phải đưa người bệnh đến khám ngay tại các cơ sở y tế.
Với tinh thần chung tay vì sức khỏe cộng đồng, rất mong sự đồng thuận của nhân dân quận 8 tích cực thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, để con em chúng ta được khỏe mạnh, là con ngoan trò giỏi, là niềm vui, hạnh phúc của gia đình và xã hội, vì:
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”.
(Nguyễn Văn Cường – Ban Tuyên Giáo QUQ8)