SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
1
4
3
6
1
3
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh 12 Tháng Bảy 2015 5:30:00 SA

Kỳ 80: Ăn quả phải nhớ người trồng cây

"Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta". Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng đã nhắc nhở chúng ta, những người đang sống trong cảnh đất nước hoà bình phải ghi nhớ công ơn to lớn của các đồng chí thương binh, liệt sĩ, những người đã vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân mà hy sinh thân mình hoặc để lại một phần máu thịt nơi chiến trường.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dù bận trăm công ngàn việc nhưng vẫn luôn nhớ tới Thương binh, Liệt sĩ và giành sự quan tâm đặc biệt đến gia đình họ. Trong thư gửi đồng bào Nam Bộ ngày 10/3/1946, Người nói: “Tôi kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng…”.

Tháng 9/1951, Bác gửi thư cho anh em thương binh Trại dệt chiếu Tuyên Quang. Như tình cảm của người cha dành cho các con, ân cần, tỉ mỉ, Bác hỏi: “Học dệt chiếu cần bao nhiêu ngày, tháng? Trung bình dệt một chiếu thường cần mấy giờ và bao nhiêu vốn? Bán một chiếu được bao nhiêu lời? Với nghề dệt chiếu, có thể đủ ăn, đủ mặc không?”.

            Một lần đến thăm anh chị em thương binh nặng phải nằm bất động trong trại điều dưỡng. Hôm đó, trời rất nóng, Bác vừa hỏi chuyện vừa cầm chiếc quạt giấy quạt cho anh em. Sau đó, Bác đề nghị lắp đặt tại trại điều dưỡng thương binh chiếc điều hoà nhiệt độ do các đồng chí ở Bộ Ngoại giao gửi tặng Bác. Khi đó, Bác đang ở ngôi nhà của người thợ điện trong Phủ Toàn quyền. Ngôi nhà có trần thấp, buổi trưa và buổi chiều rất nóng.

Trước lúc đi xa, Bác đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta Bản Di chúc lịch sử, trong đó có phần viết về chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và những người đã kinh qua chiến đấu.

Có thể nói, những món quà của Bác giản dị nhưng vô cùng quý giá. Đó là tình cảm, là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn làm ấm lòng những anh chị em thương bệnh binh. Đáp lại tình cảm ấy, bằng tinh thần và nghị lực của người lính bộ đội Cụ Hồ, nhiều thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ đã có nhiều cố gắng vươn lên trong cuộc sống và tự lực cánh sinh trong lao động sản xuất. Họ không những đã tạo ra công ăn việc làm cho bản thân và gia đình mà còn tích cực giúp đỡ đồng đội và con em của họ, tạo dựng nên một cuộc sống có ích hơn, tươi đẹp hơn. Họ đã học tập và làm theo lời Bác: Thương binh tàn nhưng không phế.

 Thực hiện lời dạy và làm theo “Di chúc” của Người, Đảng bộ, chính quyền thành phố nói chung và Quận 8 nói riêng đã thực hiện nhiều chính sách chăm lo, hỗ trợ đối với thương binh và gia đình liệt sĩ; tôn tạo vườn hoa và đài tưởng niệm liệt sĩ phường 3, phường 7, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân. Thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương hàng năm, phụng dưỡng suốt đời 05 mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ hàng trăm suất học bổng cho con em thương binh học giỏi…

Đáp lại sự quan tâm của các cấp ủy và chính quyền, đã có những tấm gương thương binh tiêu biểu có những đóng góp tích cực xây dựng địa phương như: Đồng chí Trang Hồng Châu, Chủ tịch Hội Đông y Quận 8, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Phường 6 thường xuyên tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho người nghèo; Đồng chí Trần Trọng Ân đã giúp đỡ nhiều thương binh có công ăn việc làm ổn định tại xưởng giày của mình và hỗ trợ học bổng cho con em của họ đến trường…

            Học tập và làm theo Di chúc của Người, xã hội ta sẽ ngày càng tốt đẹp hơn từ những việc làm đầy tình nghĩa đó. Phong trào đền ơn đáp nghĩa, “Ăn quả phải nhớ người trồng cây” đã và đang được nhân dân ta tiếp tục  phát huy và ngày càng nhân rộng và  lan tỏa.

BAN TUYÊN GIÁO QUẬN ỦY QUẬN 8


Số lượt người xem: 1774    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm