SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
2
6
2
2
2
6
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh 14 Tháng Mười 2014 8:30:00 SA

Học tập và làm theo phong cách nêu gương của Hồ Chí Minh

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh không bàn nhiều về đạo đức dưới dạng lý thuyết, mà chủ yếu nói về thực hành đạo đức bằng cách làm gương và nêu gương. Bài học về nêu gương của Người có ý nghĩa thực tiễn lớn lao và vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta hôm nay.

Theo Hồ Chí Minh, nêu gương thì trước hết phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói phải đi đôi với làm.

Trước hết, cần nêu gương trên ba mối quan hệ đối với mình, đối với người, đối với việc. Đối với mình phải không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo, mà luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hàng ngày; Đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, khoan dung, độ lượng, không dối trá, lừa lọc; Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng” (để việc công lên trên, lên trước việc tư).

 Thứ hai, muốn nêu gương được thì nói phải đi đôi với làm và trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một tấm gương đạo đức mẫu mực cho mọi người học tập và noi theo. Ở Người đã đạt tới sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức và nêu gương đạo đức, đạt tới sự nhất quán giữa công việc và đời tư, giữa đạo đức vĩ nhân và đạo đức đời thường. Hồ Chí Minh cho rằng “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, và từng dạy “Nói miệng, ai cũng nói được” ta cần phải thực hành, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân; làm gương cả về ba mặt: tinh thần, vật chất và văn hóa, không có gì là khó, muốn làm được ta phải quyết tâm, trí tâm và đồng tâm.

 Thứ ba, để giáo dục bằng nêu gương đạt kết quả cao, Người chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.

Xây dựng đạo đức cách mạng, chống những biểu hiện phi đạo đức trong ứng xử đạo đức, lấy “cái thiện” làm trung tâm, là một quá trình phấn đấu bền bỉ không có điểm kết thúc trong đời sống xã hội và trong mỗi con người. Ở đâu và lúc nào không quan tâm đến thực hành đạo đức, thì ở đó, lúc đó, cái ác sẽ lấn át cái thiện. Hiểu rõ tầm quan trọng của đạo đức trong sự nghiệp xây dựng đất nước, Đảng ta chủ trương tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; đưa việc thực hiện đi vào chiều sâu, trở thành nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, lâu dài, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, chăm lo tốt chính sách an sinh xã hội và nâng cao mức sống của người dân. Mọi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp đều thực hành làm gương và nêu gương, làm cho cái thiện được gieo mầm, nảy nở ngày càng nhiều sẽ lấn át cái ác, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu dân sẽ  bỏ đẩy lùi để làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

                                                                           

 Phạm Văn Tùng – Đảng ủy Phường 15

 

 


Số lượt người xem: 2276    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm