SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
1
4
2
7
1
9
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh 03 Tháng Bảy 2023 10:45:00 SA

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO BÁC HỒ VỀ CÁCH LỰA CHỌN, SỬ DỤNG, QUẢN LÝ CÁN BỘ

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, đến việc lựa chọn người có đức, có tài, đến việc sử dụng và quản lý cán bộ.

Cùng với Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp một cách sáng tạo lý luận Mác - Lê-nin với kinh nghiệm của thế giới và thực tiễn Việt Nam để đào tạo, rèn luyện, lựa chọn, sử dụng, quản lý cán bộ một cách đúng đắn. Trong lựa chọn cán bộ, người quan tâm cả đức và tài. Bác nói “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Người còn nhấn mạnh “Phải trau dồi cả đức và tài, không có đức thì vô dụng, không có tài thì làm gì cũng khó”.

 

 

 

Vì thế, ngay khi Cách mạng Tháng Tám mới thành công, Bác Hồ đã rất quan tâm đến trọng dụng nhân tài, sử dụng và quản lý cán bộ. Theo Bác “Phải khéo dùng cán bộ - không ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ.

Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người. Thí dụ: Thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tùy tài mà dùng người, thì hai người đều thành công”.

Chính nhờ những quan điểm đúng đắn, sáng suốt đó nên khi đất nước mới giành được độc lập còn vô vàn khó khăn, cả thù trong và giặc ngoài, Bác Hồ và Đảng ta đã rất thành công trong đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân qua công tác cán bộ. Bác Hồ đã mời một số nhân sĩ, trí thức, quan lại của chế độ phong kiến nhưng yêu nước, có kiến thức, kinh nghiệm ra giúp Chính phủ. Trong số đó có cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên là Thượng thư Bộ Hình ra làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội; cụ Huỳnh Thúc Kháng, nguyên là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và sau là Phó Chủ tịch nước; cụ Phan Kế Toại, nguyên là Khâm sai Đại thần ra làm Bộ trưởng Nội vụ.

 

 

 

Năm 1946, trước khi sang Pháp, Bác Hồ đã tin tưởng trao toàn quyền điều hành đất nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng và chỉ dặn một câu “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Đó là lúc tình hình đất nước rất khó khăn, phức tạp mà Bác vẫn giao quyền cho một nhân sĩ, trí thức không theo đảng phái chính trị nào. Bằng cách ứng xử đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ được tất cả những tinh hoa của dân tộc đến với Cuộc kháng chiến cứu nước và kiến quốc. Nhiều trí thức đang sinh sống ở nước ngoài có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt hơn nhưng đã tự nguyện về giúp nước như kỹ sư Trần Đại Nghĩa, giáo sư Toán học Lê Văn Thiêm, nhà nông học Lương Định Của, tiến sĩ y khoa Đặng Văn Ngữ, bác sĩ Trần Hữu Tước, Nguyễn Khắc Viện… Đồng thời, có nhiều trí thức tiêu biểu như giáo sư Tạ Quang Bửu, giáo sư Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, luật sư Phan Anh, giáo sư Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon Tum, bác sĩ Vũ Đình Tụng… đều được trọng dụng để phát huy tài năng phục vụ đất nước. Đặc biệt, Bác Hồ nhìn nhận, đánh giá, lựa chọn cán bộ rất chuẩn xác, hiệu quả như việc phân công đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách quân đội khi đồng chí chưa từng học một trường quân sự nào, đang là một thầy giáo dạy sử ở Trường tư thục Thăng Long và sau đó phong thẳng lên Đại tướng. Nhiều đồng chí được Bác lựa chọn, giao việc như đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh… đều trở thành những người lãnh đạo xuất sắc của đất nước.

 

 

 

Người từng căn dặn “Cất nhắc cán bộ, không nên làm như “giã gạo”. Nghĩa là trước khi cất nhắc không xem xét kỹ. Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ. Khi họ sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ làm khá, lại cất nhắc lên. Một cán bộ bị nhấc lên thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời. Đối với cán bộ, chẳng những phải xem xét rõ ràng trước khi cất nhắc. Mà sau khi đã cất nhắc phải giúp đỡ họ, khuyên gắng họ, vun trồng lòng tự tin, tự trọng của họ”. Bác còn lưu ý rõ: “Trước khi trao công tác, cần phải bàn kỹ với cán bộ. Nếu họ gánh không nổi, chớ miễn cưỡng trao việc đó cho họ. Khi đã trao cho họ phải hoàn toàn tin họ. Không nên sớm ra lệnh này, trưa đổi lệnh khác. Nếu không tin cán bộ, sợ họ không làm được, rồi việc gì mình cũng nhúng vào. Kết quả thành chứng bao biện, công việc vẫn không xong. Cán bộ thì vơ vẩn cả ngày, buồn rầu, chán nản”.

Đặc biệt, Bác Hồ quan tâm giáo dục, rèn luyện người phụ trách, quyết định về công tác cán bộ: “Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn mà kéo vào chức nọ, chức kia. Chỉ sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình”. Bác phê phán bệnh kéo bè kéo cánh trong Đảng: “Kéo bè kéo cánh lại là một bệnh rất nguy hiểm nữa… Bệnh này rất tai hại cho Đảng. Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình”.

Những lời dạy của Bác Hồ về lựa chọn, sử dụng và quản lý cán bộ thật sâu sắc, tâm huyết với mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới càng cần thiết hơn bao giờ hết, nhất là trong công tác cán bộ.

Vừa qua Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương về công tác cán bộ rất quan trọng để thực hiện theo tư tưởng của Bác và nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nên đạt được nhiều kết quả tốt. Đội ngũ cán bộ của Đảng ngày một trưởng thành đã và đang tiếp tục lãnh đạo đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

 

 

 

Tuy nhiên ở một số địa phương, ban, ngành, cơ quan chưa thật sự làm tốt công tác lựa chọn, sử dụng và quản lý cán bộ nên kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị chưa cao. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm nên giải quyết, xử lý công việc chậm trễ, kéo dài, gây nhiều khó khăn cho cơ sở, người dân, doanh nghiệp. Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 về “Phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử” với các điều khoản rất chặt chẽ, khoa học, dân chủ như quy trình bổ nhiệm nguồn nhân sự tại chỗ. Quy trình có 5 bước nhưng ở một số nơi mà người đứng đầu có biểu hiện cá nhân, độc đoán và tinh thần đấu tranh phê bình, tự phê bình nội bộ yếu thì thực chất việc đề bạt, bổ nhiệm chỉ là hình thức, kết quả cuối cùng đều theo ý kiến của người đứng đầu.

Hiện nay, có ý kiến cho rằng, đã là cấp ủy viên thì bố trí làm việc gì cũng tốt nhưng có một số trường hợp thời gian lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành lúng túng kéo dài do phụ trách ngành, lĩnh vực mà chưa được đào tạo bài bản lại thiếu kinh nghiệm thực tiễn công tác ngành, nghề đó. Điều đáng quan tâm là một số cán bộ cấp trưởng lựa chọn, giới thiệu các cấp phó yếu để dễ chỉ đạo, điều hành và khó thay thế được mình, dẫn đến hệ quả là khi cấp trưởng được điều động công tác khác hoặc nghỉ hưu thì thường cấp phó lên đảm nhiệm. Nếu người cấp phó được đề bạt lên cấp trưởng lại học hỏi kinh nghiệm từ người tiền nhiệm mà giới thiệu, lựa chọn cấp phó yếu hơn mình thì ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công việc, làm giảm uy tín của cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Vừa qua có một số trường hợp cán bộ mới được đề bạt, bổ nhiệm nhưng đã sớm “tự diễn biến” dẫn đến tham ô, tham nhũng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây dư luận không tốt trong nhân dân đã phải nhận kỷ luật nghiêm khắc, cần được rút kinh nghiệm để chấn chỉnh kịp thời…

Để học tập và làm theo Bác Hồ về lựa chọn, sử dụng và quản lý cán bộ trong tình hình mới, đề nghị các cấp ủy Đảng tiếp tục lãnh đạo thực hiện tốt hơn một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để phong trào ngày càng thấm sâu, thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong đời sống xã hội.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng và mẫu mực về tư tưởng và phong cách gần dân, trọng dân, suốt đời vì dân, hết sức chăm lo cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… Trên cơ sở đó giáo dục, rèn luyện, kiểm tra cán bộ, đảng viên, nhất là các cơ quan tham mưu về công tác cán bộ không vi phạm các căn bệnh mà Bác Hồ đã chỉ ra trước đây như lựa chọn, sử dụng cán bộ không có đức, có tài, khi cất nhắc cán bộ không xem xét kỹ, trước khi giao nhiệm vụ không bàn bạc với cán bộ, khi đã giao nhiệm vụ cho họ không tin tưởng họ, vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài hơn mình, vì bà con, bầu bạn mà kéo vào chức nọ, chức kia, bệnh kéo bè, kéo cánh…

Thứ hai, thường xuyên quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, nhất quán các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ”, Quy định số 132-QĐ/TW ngày 08/3/2018 của Bộ Chính trị “về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị”, Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị “về công tác quy hoạch cán bộ”, Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị “về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”, Thông báo kết luận số 20-TB/TW ngày 08/9/2022 của Bộ Chính trị về "Chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật”. Trên cơ sở đó, nhận thức sâu sắc quan điểm “cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý cán bộ trong hệ thống chính trị. Tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, thường xuyên đổi mới công tác cán bộ phù hợp với tình hình thực tiễn. Quán triệt nguyên tắc về quan hệ giữa đường lối chính trị và đường lối cán bộ, quan điểm giai cấp và chính sách đại đoàn kết rộng rãi trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các cấp ủy, tổ chức đảng mà trước hết là người đứng đầu và cơ quan tham mưu của Đảng, trong đó cơ quan tổ chức, cán bộ là nòng cốt như nghị quyết đặt ra.

Thứ ba, các cấp ủy Đảng tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo để thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ.

 Công tác cán bộ trong mọi thời kỳ cách mạng đều phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cấp ủy, các cơ quan chức năng và vai trò của người dân. Cần tiếp tục, nghiên cứu xây dựng hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Trước hết, giao cho các cơ quan chức năng rà soát các cơ chế, chính sách về cán bộ, nếu văn bản nào còn sơ hở thì bổ sung kịp thời nhằm giúp cán bộ hạn chế thấp nhất các sai phạm (nếu có) và khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung. Thực hiện công khai, minh bạch tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự theo quy định. Xác minh, xử lý kịp thời hiệu quả thông tin phản ánh từ các tổ chức, cá nhân và phương tiện thông tin đại chúng. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý kịp thời những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lợi dụng quyền lực để thực hiện hành vi sai trái trong công tác cán bộ, thực sự không có “vùng cấm” như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thực hiện nhất quán nguyên tắc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ: “Lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống làm gốc; kết quả, hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu trong đánh giá xếp loại hàng năm” như Quy định số 132-QĐ/TW của Bộ Chính trị, kết hợp với kết quả lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ một cách khách quan.

Trong tình hình hiện nay, các cấp ủy Đảng nên có một địa chỉ cụ thể để mỗi cán bộ, đảng viên và người dân trực tiếp phản ảnh, cung cấp thông tin liên quan đến cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý cho đồng chí bí thư cấp ủy. Đồng chí bí thư cấp ủy là người chịu trách nhiệm chính về công tác cán bộ nên cần có thông tin trực tiếp để kiểm tra và xử lý kịp thời những ý kiến đúng đắn, xây dựng (Có thể phân công một đồng chí thư ký thường xuyên theo dõi để báo cáo trực tiếp cho đồng chí Bí thư cấp ủy). Đồng chí Thiếu tướng Đinh Văn Nơi - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh công khai số điện thoại để mọi người dân cung cấp thông tin trực tiếp về công tác an ninh trật tự là một kinh nghiệm tốt.

Thứ tư, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.

Ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Quy định số 218-QĐ/TW về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Vừa qua hai quy định trên đã được các cấp ủy tổ chức thực hiện và có nhiều kết quả, nhưng để việc giám sát, tham gia tốt hơn đề nghị nên sớm xem xét để xây dựng, ban hành luật về giám sát và phản biện thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân sẽ có đóng góp cao hơn. Các cơ quan chức năng cũng cần sớm cụ thể hóa thành các văn bản pháp luật để cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” sớm đi vào cuộc sống. Các cấp ủy, chính quyền ở địa phương tiếp tục tổ chức các kỳ tiếp dân định kỳ, qua đó giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của nhân dân, kể cả về công tác cán bộ.

 

 

 

Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 03/10/2017 hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Ban Chấp hành Trung ương cũng đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Các văn bản trên cần được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện đầy đủ để mỗi người dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ tốt hơn trong thời gian tới. Sớm mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp./.

 

Nguồn Cột cờ Thủ Ngữ


Số lượt người xem: 172    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm