SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
0
5
9
1
1
5
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh 09 Tháng Năm 2023 9:55:00 CH

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI SỰ KIỆN CHIẾN THẮNG PHÁT XÍT TRÊN THẾ GIỚI

Ngày 09/5 năm nay được coi là Ngày kỷ niệm 78 năm Ngày chiến thắng phát xít của thế giới. Các nước Đồng Minh và các lực lượng tiến bộ thế giới với vai trò và công lao to lớn của Hồng quân và nhân dân Liên Xô, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô đã đập tan phát xít Đức, Ý, Nhật, chấm dứt đại thế chiến thứ II, lập lại hòa bình trên toàn cầu. Đây là chiến thắng mang tầm vóc của nhân loại, đến nay còn nguyên ý nghĩa thiết thực đối với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Cuộc đại chiến tàn khốc nhất khiến hơn 60 triệu người chết, khoảng 90 triệu người bị tàn phế, thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 4.000 tỷ USD. Thắng lợi chung này đã tạo điều kiện để các dân tộc bị áp bức nói chung, nhân dân các nước thuộc địa nói riêng, vũ trang giải phóng dân tộc, giành tự do, độc lập cho dân tộc của mình; cũng như là bước ngoặt đối với cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những dự báo khoa học, thiên tài về điều này để lãnh đạo cách mạng Việt Nam chuẩn bị hành động từ sớm, từ xa:

- Tháng 5/1941, tại Hội nghị Trung ương ở Pác Bó, Bác đã dự liệu thời cơ tổng khởi nghĩa là lúc Liên Xô thắng Đức; Mỹ-Anh-Trung Quốc đánh bại Nhật Bản. Dự báo này đưa ra lúc Đức còn chưa tấn công liên Xô, Nhật còn chưa tấn công vùng đất do Mỹ, Anh kiểm soát. Nhờ phán đoán tài tình như vậy nên Bác đã yêu cầu Liên Tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng đình chỉ chủ trương khởi nghĩa đầu năm 1944, đồng thời phát động toàn Đảng, toàn dân tích cực chuẩn bị để đón thời cơ.

- Ngày 01/01/1942, trên báo Việt Nam độc lập số 114, bài thơ “Chúc năm mới” của Người tràn đầy niềm lạc quan vào triển vọng thắng lợi của cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới trong khi cuộc chiến tranh vệ quốc của Liên Xô đang ở giai đoạn khó khăn, còn bọn phát-xít thì đang “làm mưa làm gió” trên các chiến trường. Trả lời câu hỏi: Năm nay tình hình thế giới và trong nước sẽ thế nào? Trong bài “Năm mới, công việc mới” cùng in trong số báo trên, Bác khẳng định: “Ta có thể quyết đoán rằng, Nga nhất định thắng, Đức nhất định bại; Anh-Mỹ sẽ được, Nhật Bản sẽ thua. Đó là một dịp rất tốt cho dân ta khởi nghĩa đánh đuổi Pháp, Nhật, làm cho Tổ quốc ta độc lập tự do”. Trên thực tế chúng ta đã tiến hành Tổng khởi nghĩa vào đúng thời cơ mà Bác đã dự đoán, giành thắng lợi trong thời gian ngắn.

- Tháng 02/1942, cuối cuốn “Lịch sử nước ta”, trong mục “Những năm tháng quan trọng”, Bác viết: “1945 – Việt Nam độc lập”. Khi đưa đi in, một số đồng chí băn khoăn hỏi lại thì được Bác khẳng định: “Được rồi, cứ thế in”. Đúng là một dự báo thiên tài. Trong khi các nguyên thủ của phe Đồng minh họp tại Tehran (năm 1943), dự tính rằng, phải đến năm 1946 mới có thể hoàn toàn đánh bại lực lượng phát-xít, thì lịch sử lại diễn ra đúng như tiên đoán của Người. Chớp thời cơ đó, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta nổi dậy tổng khởi nghĩa giành độc lập, tự do.

Tháng 5/1945, Đảng ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương tiến hành Tổng khởi nghĩa, gửi thư hiệu triệu kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm. Tiến lên!”. Đáp lời kêu gọi, Cách mạng Tháng 8/1945 bùng nổ, hàng triệu đồng bào trong cả nước đồng loạt nhất tề đứng lên đánh đuổi phát xít Nhật, giành chính quyền về tay của mình, chấm dứt sự thống trị gần trăm năm của thực dân và ngàn năm của phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên tự do, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; góp một phần không nhỏ cùng nhân dân thế giới trong cuộc đấu tranh chống phát-xít vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Ngày 09/5/1965 - Kỷ niệm 20 năm Ngày Chiến thắng chủ nghĩa phát xít, Bác viết bài “Hai ngày kỷ niệm vẻ vang” với bút danh “Chiến sĩ” đăng trên báo Nhân dân, liên hệ với Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đập tan ách thống trị của thực dân Pháp và âm mưu can thiệp của đế quốc Mỹ, buộc ký Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, công nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Đông Dương, trong đó có Việt Nam. Bác đi đến kết luận mang tính thời sự: “Trước mắt đế quốc Mỹ chỉ có hai con đường: Một là tự động chấm dứt ngay chiến tranh và rút khỏi miền Nam một cách “lịch sự”. Hai là ngoan cố bị động chờ quân và dân miền Nam tống cổ chúng về nước mẹ Hoa Kỳ”. Chiến thắng của nhân dân Liên Xô chống phát-xít Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai và chiến thắng của nhân dân Việt Nam chống đế quốc, thực dân xâm lược sẽ mãi mãi được ghi nhận trong lòng nhân dân thế giới cũng như nhân dân hai nước.

Trong cuộc đấu tranh chống phát xít đã có những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Mátxcơva trong năm 1941. Nhiều chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh anh dũng, để lại tuổi trẻ của mình trên mảnh đất Xô Viết anh hùng mà mãi mãi thế hệ sau không bao giờ quên lãng được.

Kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát-xít trong tháng 5 càng có ý nghĩa khi gắn với Ngày Quốc tế lực lượng Gìn giữ Hòa bình 29/5 – ca ngợi, tôn vinh, tưởng nhớ đóng góp của những binh lính gìn giữ hòa bình đã ra đi khi phục vụ dưới lá cờ Liên Hiệp Quốc (LHQ) từ năm 1948.

Trong hơn 8 năm qua, Việt Nam đã tăng cường cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ: gần 600 sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp; duy trì sự hiện diện của Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Phái Bộ Gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan từ năm 2018. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị quyết số 130/2020/QH14 về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021.

Sự tham gia của Việt Nam trong các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ được Đảng lãnh đạo, Nhà nước thực hiện xuyên suốt, được Nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ và tham gia; mang tới cho bạn bè, nhân dân thế giới hình ảnh rất đẹp, tăng thêm sự tin cậy về một Việt Nam – thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt, giúp duy trì hòa bình, giải quyết khủng hoảng. Từ đó, giúp tăng cường đoàn kết và tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, làm gia tăng sức mạnh tổng hợp của đất nước; được LHQ cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao: hoàn thành xuất sắc hoạt động gìn giữ hòa bình; đóng góp vào sự thành công của Việt Nam khi trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 – 2021 với tỷ lệ phiếu bầu gần như tuyệt đối(192/193).

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh “nhân dân ta chiến đấu hy sinh chẳng những vì tự do, độc lập riêng của mình, mà còn vì tự do, độc lập chung của các dân tộc và hòa bình trên thế giới”, ngoại giao là công việc của toàn dân, thuyết phục lòng người để nhân lên sức mạnh của chính nghĩa. Việt Nam đã mang đến một cách tiếp cận rất mới: lực lượng gìn giữ hòa bình không chỉ đơn thuần hoàn thành những nhiệm vụ được thỏa thuận, cam kết với LHQ và với nước sở tại, mà gần gũi, gắn bó với người dân địa phương, giúp đỡ cộng đồng dân cư ở địa bàn; góp phần làm đẹp hơn hình ảnh “những người lính mũ nồi xanh” của LHQ. Qua đó, khẳng định hơn nữa các chiến sỹ mũ nồi xanh của Việt Nam thực sự là các “sứ giả của hòa bình và tình hữu nghị”.

Trên thế giới hiện nay, mặc dù chủ nghĩa phát xít đã bị tiêu diệt cách đây gần 80 năm nhưng vẫn còn các thế lực vẫn âm mưu nuôi dưỡng ý đồ và thực hiện những hành động quân sự, phát triển và tàng trữ những vũ khí giết người hàng loạt, gây bất ổn ở nhiều khu vực, xung đột vũ trang,… Vì vậy, bài học rút ra là thế giới cần có những hành động nhằm từng bước ngăn chặn, kịp thời đi đến kiên quyết loại bỏ chúng để không xảy ra những hậu quả quá lớn như những gì mà chủ nghĩa phát xít đã gây ra.

Còn ở Việt nam ta hiện nay, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cấp ủy và tổ chức đảng các cấp, dù là ở địa phương có nhiều khó khăn, cũng cần xác định đúng phương hướng, có kế hoạch khoa học, không ngừng bổ sung và phát triển; quán triệt trong đảng viên và nhân dân. Tổ chức đảng dù nhỏ cũng quan tâm công tác dự báo, nắm bắt thời cơ, trong đó lưu ý thời cơ của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số. Đảng phải tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn bó với nhân dân; chăm lo công tác tổ chức, giáo dục rèn luyện cán bộ, đảng viên; xây dựng lực lượng và tổ chức, sử dụng lực lượng đúng lúc; phát huy triệt để vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Hội quần chúng, vận động và phát huy sức mạnh nhân dân.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải phấn đấu làm việc, học tập hiệu quả, năng suất, góp phần phát triển địa phương, đất nước trong thời kỳ hòa bình, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện đi đôi với chống suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ…, tự soi tự sửa mỗi ngày.

Từng tập thể, cá nhân nỗ lực củng cố và tăng cường nội lực, tận dụng ngoại lực; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị mà Nghị quyết Đại hội các cấp của Đảng đã đề ra./.

M.Châu

Tài liệu tham khảo:

1. “Chủ tịch Hồ Chí Minh và những dự báo khoa học thiên tài”, Vũ Huy Văn, Báo Nhân dân, ngày14/5/2005

2. “Bài học và ý nghĩa to lớn chiến thắng của nhân dân Liên Xô trong chiến tranh Vệ quốc chống phát-xít”, Đại tá I.U. Pô-ta-pốp, Trưởng Tùy viên Quốc phòng bên cạnh Đại sứ quán LB Nga tại CHXHCN Việt Nam, ngày 06/12/2011

3. “Chiến thắng phát xít – giá trị lịch sử của cách mạng thế giới cũng như đối với cách mạng Việt Nam”, Trần Trọng Thưởng, Trường chính trị tỉnh Bình Thuận (dcs.vn), ngày 09/5/2014

4. Ngày 9-5-1954: Bác Hồ căn dặn Lý luận gắn chặt với thực hành (qdnd.vn), ngày 09/5/2022

5. “Tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế: Những giá trị bền vững soi sáng sự nghiệp cách mạng Việt Nam”, PGS,TS. Nguyễn Văn Lan, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực III, Tạp chí Cộng sản, ngày 15/10/2021

6. “Bài học về thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự vận dụng trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay”, TS. Nguyễn Quỳnh Trâm, Ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 28/4/2022

7. Việt Nam có nhiều đóng góp tích cực trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (dangcongsan.vn), ngày 25/8/2022

8. Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam với những đóng góp về đối ngoại nhân dân  | baotintuc.vn, ngày 31/12/2022

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 309    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm