SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
1
4
0
8
2
5
Tin tức sự kiện 07 Tháng Năm 2014 10:30:00 SA

Đề cương tuyên truyền pháp luật về khoáng sản – Bài 1

Một số thành tựu nổi bật của ngành Địa chất Việt Nam

-oOo-

Ngành Địa chất Việt Nam là một trong những ngành khoa học phát triển từ rất sớm và có nhiều đóng góp cho sự phát triển đất nước. Vào những thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, khi miền Bắc chỉ có nguồn điện từ các nhà máy nhiệt điện chạy than do người Pháp để lại hoặc các nước xã hội chủ nghĩa anh em giúp đỡ thì Bác Hồ đã dành nhiều quan tâm đến sự phát triển ngành than - ngành công nghiệp khai khoáng quan trọng của Việt Nam. Thực hiện lời dạy của Bác, lớp lớp thế hệ địa chất đã không ngừng học tập, nghiên cứu để cho ra đời nhiều công trình khoa học địa chất đồ sộ và có giá trị. Thành tựu không thể không kể đến của ngành Địa chất là những công trình thành lập Bản đồ địa chất và  khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1:1.000.000, Bản đồ địa chất Việt Nam tỷ lệ 1:500.000 là công trình điều tra cơ bản mang tính khoa học cao, có ý nghĩa thực tiễn trong việc định hướng nghiên cứu địa chất khu vực, tìm kiếm thăm dò khoáng sản, đặt nền móng cho việc thành lập các bản đồ địa chất, khoáng sản ở các tỷ lệ lớn hơn (từ 1:50.000 đến 1:10.000). Trong nhiều năm qua, ngành Địa chất Việt Nam đã hoàn thành công tác điều tra địa chất khoáng sản ở tỷ lệ 1:50.000  trên diện tích 187.500 km2 chiếm 56,8% diện tích phần đất liền và điều tra địa chất, khoáng sản biển tỷ lệ 1: 500.000 ở vùng ven bờ đến độ sâu -30 mét nước trên diện tích 97.430 km2.

Đến nay, ngành Địa chất Việt Nam đã phát hiện, ghi nhận hơn 5000 mỏ, điểm quặng của hơn 60 loại khoáng sản khác nhau. Trong đó, hơn 1500 mỏ, điểm quặng với đầy đủ các thông tin về vị trí, quy mô và trữ lượng đã được xác định. Trong số các mỏ, điểm quặng này, có hơn 900 mỏ, điểm quặng đã được đưa vào khai thác. Từ năm 2003 trở lại đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo hoàn thành nhiều dự án điều tra khoáng sản, làm rõ tiềm năng của nhiều vùng có triển vọng khoáng sản góp phần gia tăng đáng kể tài nguyên của các loại khoáng sản:  Vàng, thiếc, chì - kẽm, đồng, antimon, urani, kaolin, felspat, barit, graphit, magnezit, đá vôi sạch, đá ốp lát các loại, đá phiến lợp, nguyên liệu làm xi măng và đá quý. Thành tựu xuất sắc của ngành Địa chất là đã điều tra, phát hiện khá nhiều mỏ mới có quy mô từ trung bình đến lớn, có giá trị kinh tế như mỏ đồng Tả Phời (Lào Cai), mỏ đồng Nậm Tia (huyện Sìn Hồ, Lai Châu), mỏ chì - kẽm Bản Bó và mỏ barit Nà Ke, Chè Pẻn (huyện Bảo Lâm, Cao Bằng), đặc biệt là các phát hiện mới các sa khoáng titan trong tầng cát đỏ ven biển có tiềm năng rất lớn phân bố ở khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận và Bắc Bà Rịa - Vũng Tàu; các mỏ titan ở khu vực Núi Chúa (huyện Đại Từ, Thái Nguyên).

Kết quả của công tác điều tra cơ bản về địa chất, khoáng sản cho thấy, Việt Nam có tiềm năng khoáng sản đa dạng, phong phú về chủng loại. Tuy nhiên, chỉ có một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn, đủ điều kiện để tổ chức khai thác, chế biến quy mô công nghiệp với thời gian lâu dài như: bauxit (khoảng 95 triệu tấn quặng bauxit trầm tích, 10 tỷ tấn bauxit laterit), titan-zircon  (gần 600 triệu tấn quặng sa khoáng), đất hiếm (khoảng 17 triệu tấn), than (khoảng 10 tỷ tấn than antraxit và 211,32 tỷ tấn than nâu), apatit (khoảng 2,5 tỷ tấn); một số khoáng sản khác như đá hoa trắng, cát thuỷ tinh, đá vôi làm nguyên liệu xi măng, nước khoáng - nước nóng đã được phát hiện cũng có tài nguyên, trữ lượng khá lớn, còn lại là các loại khoáng sản có trữ lượng nhỏ và vừa phân bố rải rác khắp các khu vực trong cả nước như: sắt, đồng, thiếc, vonfram, chì, kẽm, mangan ... Tài nguyên khoáng sản không phải là vô tận, nếu không được sử dụng và khai thác hợp lý thì sẽ đẫn đến cạn kiệt tài nguyên.

Vì vậy, chúng ta cần có các chính sách để quản lý chặt chẽ tài nguyên khoáng sản đã được phát hiện, đảm bảo khai thác hiệu quả, sử dụng tiết kiệm, phát triển bền vững; bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Trong thời gian qua, các chính sách lớn về tài nguyên khoáng sản đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt với quan điểm chỉ đạo: Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, thuộc tài sản quan trọng của quốc gia phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế - xã hội trước mắt, lâu dài và đảm bảo an ninh, quốc phòng; hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản gắn với chế biến, sử dụng phù hợp với tiềm năng của từng loại khoáng sản và nhu cầu của các ngành kinh tế; không khuyến khích khai thác khoáng sản, tăng cường chế biến sâu khoáng sản; Lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến sử dụng khoáng sản hợp lý gắn với việc dự trữ quốc gia. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cũng đã có quy hoạch ngắn, trung và dài hạn để phát triển ngành công nghiệp khai khoáng một cách bền vững.

 

(Phòng Tài nguyên và Môi trường Quận 8)


Số lượt người xem: 2418    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm