SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
0
6
1
5
3
0
Tin tức sự kiện 09 Tháng Năm 2014 5:15:00 CH

Bác Hồ - Một tấm gương bình dị mà cao cả

Tôi sinh ra và lớn lên  khi Bác đã đi xa, tôi chỉ biết về Người qua những trang sách, bài hát, vần thơ và những lời kể của những người đi trước. Mỗi khi nghĩ đến đức hy sinh cao cả của Người, trái tim tôi như thắt lại, không sao kìm được sự xúc động. Đó chính là tình cảm chân thành của tôi dành cho Bác - một vị lãnh tụ vĩ đại – một vĩ nhân cách mạng vĩ đại - một người cộng sản vĩ đại nhưng đồng thời cũng là tấm gương đạo đức sáng ngời, suốt đời hy sinh vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân của một người bình thường mà ai cũng có thể học theo:

“Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân,

Cả cuộc đời Bác hi sinh cho dân tộc Việt Nam”

Những mu chuyện kể về Bác như những bài học về cách làm người, về chữ tài, chữ đức trong cuộc sống mọi thời đại. Mỗi khi nghe kể, tôi thấy yêu, thấy kính và thương Bác vô cùng - vị Chủ tịch nước vĩ đại mà giản dị, gần gũi. Tôi nhớ một câu chuyện nhỏ về con người của Bác ở một khía cạnh rất bình thường: Vào một buổi chiều Việt Bắc, trời đông im ắng và cô quạnh, bà Trường Chinh có dẫn một cô con gái lên thăm Bác. Lúc tiễn hai mẹ con ra đầu dốc, Người cứ đứng nhìn theo mãi. Khi quay về, các đồng chí thấy mắt Bác long lanh ướt. Bác bảo với mọi người:

- Chúng ta, ai cũng đều mong ước một gia đình ấm cúng. Người cách mạng là người giàu tình cảm, lại càng quý trọng cuộc sống gia đình, chẳng qua đây không phải là lúc để thực hiện điều đó, đành phải chịu đựng mà thôi. Ta chưa lo được gia đình nhỏ thì hãy lo cho gia đình lớn đã vậy...

Tôi hiểu Bác muốn nói "Gia đình lớn" là nhân dân, là dân tộc Việt Nam. Người đã bỏ qua những niềm hạnh phúc riêng của mình để dành trọn cuộc đời cho những niềm hạnh phúc lớn lao hơn. Cuộc đời của Người mồ côi mẹ từ năm lên chín, mười năm sau giã biệt người cha già, ra đi tìm đường cứu nước, anh mất rồi chị mất, Bác đều không có điều kiện chăm lo. Dù rất quý trọng tình cảm gia đình, dù biết rằng sự lựa chọn nào cũng mất mát nhưng Bác đã lựa chọn một cuộc sống không chỉ cho riêng bản thân mà cho mọi người, mọi tầng lớp, mọi giai cấp. Có thể, giây phút nào đó bất chợt trong đời Người, Bác của chúng ta đã đối mặt với sự cô đơn của một người xa xứ, xa gia đình nhưng điều tuyệt vời nhất là Bác đã để lại những tình cảm lớn hơn sưởi ấm lòng mình, là động lực giúp con người Hồ Chí Minh vượt lên tất cả. Con người ấy, vốn chẳng phải vĩ nhân mà chỉ đơn giản  là một con người có tầm vóc cao quý và một trái tim vô biên với dân tộc, với thế giới.

 Mỗi lần gặp khó khăn trong cuộc sống, tôi thường nhớ đến bài bài thơ "Nghe tiếng giã gạo" của Bác để tiếp tục cố gắng:


                                   Gạo đem vào giã bao đau đớn
                                   Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
                                   Sống ở trên đời, người cũng vậy
                                   Gian nan rèn luyện mới thành công
                                                           
(Nghe tiếng giã gão – Trích “Nhật ký trong tù”)

Mỗi khi nghe kể về đức Vua trong những câu chuyện cổ, ta thường nhớ đến những cung điện nguy nga tráng lệ, bên cạnh hàng trăm tùy tùng hiến dâng vô vàn món ngon, vật lạ. Nhưng Bác lại hoàn toàn khác. Với đôi dép "cà tàng" mà bôn ba cả thế giới, khiến bè bạn năm châu nể phục vì sự giản dị, đơn sơ. Người không câu nệ chuyện lễ nghi “Bác có phải là Vua đâu?”. Bác luôn hòa mình, chia ngọt sẻ bùi cùng mọi người chung quanh từ bát cơm đến manh áo. Người không đồng ý việc mình được đối đãi đặc biệt như một vị lãnh tụ mà mong được bình đẳng như mọi người. Cuối năm 1961, khi về thăm xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, Bác đứng nói chuyện với đồng bào giữa cái nắng gay gắt, đồng chí chủ tịch huyện tìm mượn chiếc ô cho Bác, thì Người quay lại hỏi “Thế chú có đủ ô để cho tất cả đồng bào không?”. Cái tôi cá nhân trong con người một vĩ nhân luôn đứng sau cái chung của quần chúng. Bác bình đẳng, quan tâm đến mọi giai cấp. Từ cụ già đến em bé, từ dân tộc đến miền xuôi, mỗi tầng lớp như nằm riêng một ngăn nơi trái tim mà Người yêu thương hơn cả bản thân mình. Hình ảnh Bác ngồi quạt cho những thương bệnh binh hay Người ra đồng làm ruộng với nông dân hiện lên trong tôi đầy xúc động. Những mẩu chuyện về Bác là một chuỗi bài học về đạo làm người mà tôi không tìm thấy được trong sách vở nhà trường.

Nhân kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2014), tôi viết những lời cảm nhận chân thành nhất về Người Cha kính yêu của nhân dân Việt Nam - Người một đời bôn ba vì độc lập, tự do của dân tộc - Người một đời giản dị, cần mẫn, hi sinh cho Tổ quốc, cho muôn thế hệ sau. Những tình cảm đối với Bác càng thôi thúc tôi mong muốn quay trở lại Lăng Bác để một lần nữa được nhìn ngắm ngôi nhà sàn đơn sơ bên cạnh hồ sen mà Bác vun vén năm nào, một lần nữa được viếng, được tận mắt nhìn Người để thêm tự hào là công dân Việt Nam, là con cháu bác Hồ. Tôi mong chờ ngày ấy lắm!

 

Ngọc Minh

 

 


Số lượt người xem: 2141    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm