SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
1
2
6
4
9
2
Tin tức sự kiện 14 Tháng Tám 2012 8:50:00 SA

Đề cương tuyên truyền phòng chống bệnh Tay-chân-miệng

Bệnh Tay chân-miệng là loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền nhanh ở tất cả mọi lứa tuổi, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi và có thể dẫn đến  tử vong.  Hiện nay bệnh Tay chân-miệng chưa có vắc xin phòng ngừa, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.  Việc tích cực, chủ động phòng ngừa của gia đình và cộng đồng là quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của trẻ và người bệnh. 

Để nhận biết bệnh Tay chân-miệng, phụ huynh cần chủ động theo dõi và phát hiện những dấu hiêu đặc trưng như sốt, đau họng, đau miệng, loét miệng với vết loét đỏ, nốt phỏng nước ở miệng, lợi, lưỡi; phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Bệnh Tay chân-miệng đang là mối quan tâm của mỗi gia đình và toàn xã hội.

Bệnh Tay-chân-miệng rất nguy hiểm vì tỷ biến chứng viêm não, viêm cơ tim và tử vong rất cao. Bệnh khởi phát sau 3 đến 7 ngày bị nhiễm mầm bệnh. Nguồn lây là người bệnh, người lành mang vi rút trong các dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng hoặc phân của bệnh nhân hoặc tiếp xúc với chất tiết và bài tiết của bệnh nhân trên dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, nền nhà....

Cách phòng ngừa bệnh Tay chân-miệng:

Bệnh tay-chân-miệng chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu,  nhưng có thể phòng ngừa được nếu chủ động thực hiện các biện pháp sau:

1. Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà bông cho trẻ. Không để trẻ mút tay và đưa đồ chơi dơ lên miệng. Người chăm sóc trẻ và các thành viên trong gia đình phải rửa tay trước và sau khi chăm sóc, ẵm bồng trẻ.

            2. Vệ sinh nhà cửa hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần bằng Cloramine B hoặc nước Javel (nước tẩy quần áo) theo hướng dẫn trên nhãn chai.

3. Thường xuyên vệ sinh đồ chơi của trẻ bằng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường như chloramin B, nước Javel.
4. Cần cho trẻ ăn chín, uống chín. Không cho trẻ dùng chung chén muỗng, thìa bát.

5. Khi thấy trẻ sốt và có dấu hiệu nổi bóng nước ở miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông, đầu gối thì phải nghi ngờ bệnh Tay-chân-miệng và phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị. Khi  phát hiện các dấu hiệu trở nặng: Sốt cao, giật mình, co giật, đi đứng loạng choạng, thở mệt thì cần đưa trẻ đến ngay Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 hoặc Bệnh viện Nhiệt đới để được cấp cứu kịp thời.

6. Không đưa trẻ mắc bệnh đến lớp và đến chỗ vui chơi đông người trong vòng 10 ngày kể từ  khi phát bệnh đến khi khỏi bệnh. Không cho bé tiếp xúc với trẻ khác. Tránh làm vỡ các nốt phỏng của trẻ, phải xử lý phân của trẻ bằng chloramin B hoặc vôi bột. Luộc sôi hoặc ngâm quần áo, tã lót của trẻ bằng nước có pha  chloramin B trước khi giặt sạch (cách pha: 5 muỗng café bột Chloramin B trong 1 lít nước).

-          Vệ sinh hàng ngày: Pha liều 1 muỗng cà phê bột chloramin B trong 2 lít nước để lau chùi nền nhà, các bề mặt của bàn, ghế, tủ, giường.

-          Khử khuẩn hàng tuần: Pha 1 muỗng cà phê bột chloramin B trong 1 lít nước (gấp đôi lượng chloraminB trong  vệ sinh hàng ngày),

-          Có thể sử dụng nước Javel thay thế chloramin B, cách pha theo hướng dẫn ghi trên nhãn chai.

 

Tóm lại, để phòng bệnh Tay chân-miệng, hãy thường xuyên rửa sạch bàn tay của trẻ và của người chăm sóc trẻ; thực hiện vệ sinh hàng ngày khử khuẩn hàng tuần sàn nhà, đồ chơi, vật dụng dùng cho trẻ và thực hiện ăn chín, uống chín. Hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi trẻ sốt, mệt, có dấu hiệu nổi bóng nước ở miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông , đầu gối.

Hãy chung tay phòng chống bệnh Tay-chân-miệng.

                                               

(BS.Thuần – Hội Chữ thập đỏ Q8)

 


Số lượt người xem: 3248    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm