Ngày 17 tháng 12 năm 2015, Ủy ban nhân dân Quận 8 ban hành Kế hoạch số 293/KH-UBND về thu Quỹ Phòng, chống thiên tai Thành phố năm 2015 trên địa bàn Quận 8. Theo đó, Ủy ban nhân dân Quận 8 quy định cụ thể đối tượng đóng góp, mức đóng góp và đối tượng được miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp Quỹ Phòng, chống thiên tai Thành phố năm 2015 trên địa bàn Quận 8 như sau:
1. Đối tượng và mức đóng góp:
a) Các tổ chức kinh tế hạch toán độc lập:
Cơ quan quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai thành phố (Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố) thu tiền đóng góp Quỹ Phòng, chống thiên tai thành phố của công ty cổ phần, doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn do Cục Thuế quản lý (bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ủy ban nhân dân Quận 8 giao cho các đơn vị tổ chức thu tiền đóng góp Quỹ Phòng, chống thiên tai Thành phố của các tổ chức, hộ kinh doanh, hợp tác xã và loại hình doanh nghiệp không thuộc đối tượng thu của Cơ quan quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai Thành phố theo danh sách 3.908 doanh nghiệp đã được phân bổ năm 2015.
Mức đóng góp bắt buộc một năm là hai phần vạn (2/10.000) trên tổng số vốn sản xuất - kinh doanh nhưng tối thiểu 500.000 đồng (Năm trăm nghìn đồng), tối đa 100.000.000 đồng (Một trăm triệu đồng) và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.
b) Công dân Việt Nam:
- Công dân trong độ tuổi lao động: nam từ đủ 18 tuổi đến hết 60 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 55 tuổi.
- Mức đóng góp 01 người/năm như sau:
+ Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức thuộc Quận 8 quản lý đóng góp 01 ngày lương/người/năm theo mức lương cơ bản (mức lương cơ bản năm 2015 là 1.150.000 đồng/tháng), sau khi trừ các khoản thuế, bảo hiểm phải nộp. Việc đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tại cơ quan, tổ chức đang làm việc.
+ Người lao động trong các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đóng góp 01 ngày lương/người theo mức lương tối thiểu vùng (mức lương tối thiểu vùng năm 2015 là 3.100.000 đồng/tháng). Việc đóng góp của người lao động thực hiện tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang làm việc.
+ Người lao động khác (trừ các đối tượng nêu trên) đóng 15.000 đồng/người/năm. Việc đóng góp của người lao động khác thực hiện tại Ủy ban nhân dân phường nơi cư trú.
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện. Việc đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân thực hiện tại Ủy ban nhân dân phường nơi cư trú.
2. Đối tượng miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp
a) Đối tượng miễn đóng góp:
- Thương binh, bệnh binh và những người được hưởng chính sách như thương binh;
- Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng của liệt sỹ;
- Quân nhân làm nghĩa vụ trong lực lượng vũ trang, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân đang hưởng phụ cấp sinh hoạt phí;
- Sinh viên, học sinh đang theo học tập trung dài hạn tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học, Dạy nghề;
- Người khuyết tật hoặc bị suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; người mắc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên;
- Người đang trong giai đoạn thất nghiệp hoặc không có việc làm từ 06 tháng trong 01 năm trở lên;
- Thành viên hộ gia đình thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo (theo mức chuẩn quy định của Thành phố theo từng thời kỳ); thành viên thuộc hộ gia đình ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa; thành viên thuộc hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ, tai nạn;
- Công dân hộ nông nghiệp;
- Hợp tác xã không có nguồn thu;
- Tổ chức kinh tế hạch toán độc lập trong năm bị thiệt hại do thiên tai gây ra về tài sản, nhà xưởng, thiết bị; phải tu sửa, mua sắm với giá trị lớn hơn hai phần vạn tổng giá trị tài sản của tổ chức hoặc phải ngừng sản xuất kinh doanh từ năm ngày trở lên.
b) Đối tượng được giảm, tạm hoãn đóng góp:
Tổ chức kinh tế hạch toán độc lập được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì được xem xét giảm, tạm hoãn đóng góp.
Thúy Oanh – VPUBND Q8