Ngày 25/11 làm ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực chống lại phụ nữ được coi là ngày lễ kỷ niệm mang tính quốc tế để tưởng nhớ 16 nạn nhân của bạo lực đã chết trong vụ ám sát vào năm 1960 tại Cộng hòa Đôminíc. Đây cũng là dịp để các cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ tại khắp năm châu, không phân biệt ngôn ngữ, màu da, dân tộc phát động những chiến dịch thắp sáng ngọn lửa đấu tranh xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.
Thực trạng bạo lực gia đình diễn ra ở nhiều nơi, với mọi đối tượng và gây hậu quả nghiêm trọng tạo ra nỗi bức xúc trong xã hội. Trên toàn quốc cứ 2- 3 ngày có 1 người bị giết có liên quan đến bạo lực gia đình. Báo cáo của một số cơ sở y tế cho thấy một tỷ lệ khá lớn bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực gia đình. Tình trạng bạo lực gia đình khá phổ biến giữa vợ và chồng, tuy nhiên tình trạng con cháu ngược đãi ông bà, cha mẹ hoặc cha mẹ đối xử tàn tệ với con cái cũng khá nhiều. Bạo lực gia đình ở Việt Nam, nhất là cư dân đô thị và ở đô thị lớn đã có những chuyển biến nhất định, biết rằng hành vi bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn bộ phận nhân dân nhận thức bạo lực gia đình là chuyện riêng của mỗi gia đình, vẫn còn sự biện minh cho các hành vi bạo lực bởi nạn nhân là người có lỗi, vẫn còn sự tự ti, cam chịu, an phận của nhiều phụ nữ (hầu hết nạn nhân là phụ nữ) là chịu đựng rồi sẽ qua, là gìn giữ hạnh phúc của gia đình, thậm chí có người cũng chưa biết rằng mình bị bạo lực gia đình.
Bà Lê Thị Thanh Nhã, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Gia đình Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM tuyên truyền về Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11
Tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực chống lại phụ nữ như tiếng chuông cảnh báo về sự lan tỏa các hành vi bạo lực vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, làm xói mòn đạo đức, mất tính dân chủ xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến thế hệ tương lai và sự bền vững của gia đình.
Từ thực tế trên, để kỷ niệm Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11 với chủ đề “Vì mái ấm gia đình không có bạo lực” Phòng Văn hóa và Thông tin và các đơn vị quận, phường đã tổ chức nhiều hoạt tuyên truyền như nói chuyện chuyên đề “thay đổi nhận thức, hành vi trong gia đình”, “Từng bước xóa bỏ định kiến giới, đặc biệt xóa bỏ hình thức bạo lực trên cơ sở giới", tập huấn Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật bình đẳng giới và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về bạo lực gia đình...; đồng thời tuyên truyền nội dung, ý nghĩa ngày 25/11 thông qua hệ thống loa phát thanh, bản tin, trang web quận. Các hoạt động tuyên truyền góp phần làm giảm các vụ bạo lực gia đình trên địa bàn quận (năm 2015 giảm 03 vụ so với cùng kỳ).
Có thể nói, bạo lực gia đình, bạo lực chống lại phụ nữ là những tồn tại xã hội cản trở quá trình phát triển xã hội trong xây dựng, tô đắp các giá trị nhân văn loài người. Chúng ta đấu tranh chống bạo lực gia đình, xóa bỏ bạo lực chống lại phụ nữ là mưu cầu tiến bộ của xã hội loài người, mong muốn cuộc sống của mỗi người ngày một hạnh phúc hơn trong sự tôn trọng, thương yêu, bình đẳng. Đó là sự nương tựa vào nhau giữa hai giới để mỗi giới đều phát triển tối đa những phẩm chất, năng lực của mình đóng góp cho gia đình và xã hội. Vì vậy; phòng, chống bạo lực gia đình là hoạt động của cộng đồng nhằm tác động thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng, khẳng định các giá trị văn hóa loài người, giảm thiểu, dẫn đến xóa bỏ những mặt hạn chế của xã hội, gạt đi những sạn cát đeo bám vào con tàu hành trình tiến tới tương lai của nhân loại.
Hương Thảo–Phòng VHTT Q8