SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
7
7
0
2
0
7
Kiến thức quản lý tài chính 18 Tháng Mười 2010 9:45:00 SA

Một số quy định về quản lý tài sản nhà nước (Cập nhật đến ngày 30 tháng 9 năm 2010)

1. Phân cấp quản lý tài sản nhà nước

Thẩm quyền quyết định sửa chữa, mua sắm, thuê, cho thuê, sử dụng vào kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết, thu hồi, điều chuyển, bán, chuyển đổi hình thức sở hữu, thanh lý, tháo dỡ tài sản nhà nước: Thực hiện theo Quyết định số 10/2010/QĐ- UBND ngày 04/02/2010 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động; Công văn số 6793/UBND-TC ngày 28/5/2010 của Ủy ban nhân dân quận 8.

2. Thủ tục mua sắm tài sản

a) Phạm vi áp dụng: Trang thiết bị, phương tiện làm việc; vật tư, công cụ, dụng cụ bảo đảm hoạt động thường xuyên; máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn, phục vụ an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy; may sắm trang phục ngành; sản phẩm công nghệ thông tin gồm máy móc, thiết bị, phụ kiện, phần mềm và các sản phẩm khác, bao gồm cả lắp đặt, chạy thử, bảo hành (nếu có); phương tiện vận chuyển: ô tô, xe máy, tàu, thuyền, xuồng; sản phẩm in, tài liệu, biểu mẫu, ấn phẩm, văn hoá phẩm, sách, tài liệu, phim ảnh và các sản phẩm khác để tuyên truyền, quảng bá và phục vụ cho công tác chuyên môn nghiệp vụ; các dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc trang thiết bị và phương tiện làm việc, các dịch vụ thuê đường truyền

dẫn, thuê tư vấn, dịch vụ bảo hiểm và thuê các dịch vụ khác; bản quyền sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ (nếu có); các loại tài sản khác.

Không áp dụng đối với: Sửa chữa, cải tạo, mở rộng trụ sở làm việc, nhà xưởng, phòng thí nghiệm; mua sắm các loại vật tư, trang thiết bị gắn với dự án đầu tư xây dựng cơ bản; mua sắm trang thiết bị, vật tư, phương tiện đặc thù chuyên dùng cho quốc phòng, an ninh.

b) Đối với việc mua sắm tài sản thuộc thẩm quyền quyết định của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, đơn vị (gọi chung là đơn vị) theo Điều 5 và Điều 12 Quyết định số 10/2010/QĐ-UBND ngày 04/02/2010 của Ủy ban nhân dân thành phố:

Việc mua sắm tài sản phải căn cứ vào dự toán hàng năm được giao, kế hoạch mua sắm, dự án viện trợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

* Thủ tục mua sắm gói thầu tài sản có giá trị dưới 100 triệu đồng (Một trăm triệu đồng)

Thông tư số 131/2007/TT-BTC ngày 05 tháng 11 năm 2007 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2007/TT-BTC ngày 15/06/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện đấu thầu mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước bằng vốn nhà nước.

Với điều kiện nội dung mua sắm là các hàng hoá thông dụng, sẵn có trên thị trường để phục vụ cho các hoạt động có tính chất thường xuyên diễn ra hàng ngày (gồm mua sắm nhỏ lẻ tài sản mới, tài sản để thay thế tài sản hỏng; mua sắm phụ tùng thay thế, công cụ, dụng cụ phục vụ hoạt động thường xuyên; mua sắm phục vụ yêu cầu cấp thiết, đột xuất):

- Trường hợp gói thầu có giá gói thầu từ 20 triệu đồng (Hai mươi triệu đồng) đến dưới 100 triệu đồng (Một trăm triệu đồng): Đơn vị lấy báo giá của ít nhất ba nhà thầu khác nhau (báo giá trực tiếp, bằng fax hoặc qua đường bưu điện) làm cơ sở để lựa chọn nhà thầu tốt nhất. Kết quả chọn thầu phải bảo đảm chọn được nhà cung cấp hàng hoá tối ưu nhất về chất lượng, giá cả và một số yêu cầu khác (nếu có) như thời hạn cung cấp hàng hoá, các yêu cầu về bảo hành, đào tạo, chuyển giao, không phân biệt nhà thầu trên cùng địa bàn hoặc khác địa bàn.

- Trường hợp gói thầu có giá gói thầu dưới 20 triệu đồng (Hai mươi triệu đồng):

Thủ trưởng đơn vị quyết định việc mua sắm cho phù hợp, hiệu quả và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình; đồng thời phải đảm bảo chế độ hoá đơn, chứng từ đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật; nếu có điều kiện để thực hiện thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị mua sắm tài sản quyết định thực hiện theo hướng dẫn đối với gói thầu có giá gói thầu từ 20 triệu đồng (Hai mươi triệu đồng) đến dưới 100 triệu đồng (Một trăm triệu đồng).

Việc mua sắm tài sản phải được công khai trong đơn vị, thành lập hội đồng xét duyệt, có biên bản họp xét chọn thầu.

* Thủ tục mua sắm gói thầu tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng (Một trăm triệu đồng) trở lên và các trường hợp khác

- Theo khoản 2 mục I Phần II Thông tư số 63/2007/TT-BTC ngày 15/6/2007 của Bộ Tài chính: Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản phê duyệt kế hoạch đấu thầu thuộc thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản của cấp mình theo quy định.

Do đó, đối với việc mua sắm tài sản thuộc thẩm quyền quyết định mua sắm theo Điều 5 và Điều 12 Quyết định số 10/2010/QĐ-UBND ngày 04/02/2010 của Ủy ban nhân dân thành phố, thủ trưởng đơn vị phê duyệt kế hoạch đấu thầu (bằng quyết định).

Thủ tục bảo đảm các bước: lập và trình duyệt kế hoạch đấu thầu (mục II Phần II Thông tư số 63/2007/TT-BTC), thẩm định và báo cáo thẩm định kế hoạch đấu thầu (mục V Phần II Thông tư số 63/2007/TT-BTC), thủ trưởng đơn vị phê duyệt kế hoạch đấu thầu.

- Các trường hợp mua sắm tài sản không thuộc thẩm quyền quyết định, thủ trưởng đơn vị lập kế hoạch đấu thầu gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch quận 8 thẩm định trình Ủy ban nhân dân quận 8 phê duyệt.

Khi thực hiện mua sắm, thủ trưởng đơn vị được quyền lựa chọn một trong các hình thức mua sắm theo quy định: Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, chào hàng cạnh tranh. Thủ tục thực hiện theo các văn bản: Luật Đấu thầu; Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng; Thông tư số 63/2007/TT-BTC ngày 15/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện đấu thầu mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước bằng vốn nhà nước.

3. Kiểm kê tài sản

a) Kiểm kê tài sản là việc cân, đong, đo, đếm số lượng; xác nhận và đánh giá chất lượng, giá trị của tài sản, nguồn vốn hiện có tại thời điểm kiểm kê để kiểm tra, đối chiếu với số liệu trong sổ kế toán.

b) Phải kiểm kê tài sản trong các trường hợp sau:

- Cuối kỳ kế toán năm, trước khi lập báo cáo tài chính.

- Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, chấm dứt hoạt động.

- Xảy ra hỏa hoạn, lũ lụt và các thiệt hại bất thường khác.

- Đánh giá lại tài sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

c) Sau khi kiểm kê tài sản, đơn vị kế toán phải lập báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê. Trường hợp có chênh lệch giữa số liệu thực tế kiểm kê với số liệu ghi trên sổ kế toán, đơn vị kế toán phải xác định nguyên nhân và phải phản ánh số chênh lệch và kết quả xử lý vào sổ kế toán trước khi lập báo cáo tài chính.

4. Chế độ quản lý tài sản cố định

Quyết định số 32/2008/QĐ-BTC ngày 29/5/2008 của Bộ Tài chính về việc ban hành Chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản cố định trong các cơ quan nhà nuớc, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước.

a) Tiêu chuẩn nhận biết tài sản cố định

Tài sản cố định hữu hình là tài sản mang hình thái vật chất, có kết cấu độc lập, hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định, thoả mãn đồng thời cả 2 tiêu chuẩn:

- Có thời gian sử dụng từ 1 năm trở lên.

- Có nguyên giá từ 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) trở lên.

Ngoài ra, những tài sản sau đây có nguyên giá từ 5 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng và có thời gian sử dụng trên một năm, vẫn coi là tài sản cố định hữu hình:

- Máy móc, thiết bị văn phòng: Máy vi tính, máy in, máy photocopy, máy chiếu, máy huỷ tài liệu, máy đun nước, thiết bị lọc nước, máy hút ẩm, máy hút bụi, máy điều hoà không khí, tủ lạnh, tủ đá, máy giặt, thiết bị nghe nhìn, thiết bị lưu trữ thông tin dữ liệu, thiết bị phòng cháy chữa cháy, bộ bàn ghế, tủ, két sắt,...

- Máy móc thiết bị dùng cho công tác chuyên môn: Máy công cụ, máy móc thiết bị đo lường phân tích, máy móc thiết bị thí nghiệm,...

- Phương tiện vận tải đường bộ (xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, phương tiện vận tải đường bộ khác); phương tiện vận tải đường thuỷ (ca nô, xuồng máy các loại; tàu thuỷ các loại; ghe thuyền các loại, phương tiện vận tải đường thuỷ khác); Phương tiện vận tải đường không (máy bay các loại),...

- Phương tiện truyền dẫn: Hệ thống dây điện thoại, tổng đài điện thoại, phương tiện truyền dẫn điện,...

- Thiết bị, dụng cụ quản lý: Bàn, ghế, tủ, giá kệ đựng tài liệu,...

- Tài sản cố định khác.

b) Trích khấu hao đối với tài sản cố định

Mọi tài sản cố định của các cơ quan, đơn vị sử dụng vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, góp vốn liên doanh, liên kết mà không hình thành pháp nhân mới hoặc cho thuê (nếu có) đều phải trích khấu hao tài sản. Việc trích khấu hao đối với những tài sản này được thực hiện như sau:

- Đối với tài sản cố định sử dụng toàn bộ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; được đưa vào góp vốn, liên kết không hình thành pháp nhân mới hoặc cho thuê (nếu có), cơ quan, đơn vị phải thực hiện trích khấu hao theo chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định tại các doanh nghiệp.

- Đối với những tài sản cố định vừa sử dụng phục vụ theo chức năng nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, vừa được sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; cơ quan, đơn vị phải tính toán phân bổ khấu hao căn cứ vào thời gian, số lần sử dụng hoặc khối lượng công việc hoàn thành cho phù hợp.

Khấu hao tài sản cố định của cơ quan, đơn vị được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc chi phí trong hoạt động liên doanh, liên kết. Số tiền trích khấu hao tài sản cố định của cơ quan, đơn vị được sử dụng theo quy định của pháp luật. Từ năm 2010, trích khấu hao tài sản cố định theo quy định Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 của Bộ Tài chính (Phụ lục số 2 được đính chính theo Quyết định số 2841/QĐ-BTC ngày 16/11/2009).

5. Báo cáo kê khai tài sản nhà nước

Thực hiện theo Thông tư số 245/2009/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Bộ Tài chính quy định thực hiện một số nội dung của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

a) Đơn vị sử dụng tài sản nhà nước báo cáo kê khai với Phòng Tài chính - Kế hoạch những loại tài sản sau đây:

- Trụ sở làm việc, quyền sử dụng đất để xây dựng trụ sở làm việc, tài sản khác gắn liền với đất.

- Xe ô tô các loại.

- Tài sản khác có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản.

Đối với những tài sản đã lập Tờ khai đăng ký (theo quy định tại Thông tư số 35/2007/TT-BTC ngày 10/4/2007 của Bộ Tài chính) thì tiếp tục sử dụng Tờ khai đã lập, không phải lập lại theo quy định này. Đơn vị phải báo cáo kê khai bổ sung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có sự thay đổi. Đối với tài sản đưa vào sử dụng do hoàn thành đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa lớn thì thời gian thay đổi tính từ ngày ký biên bản nghiệm thu đưa vào sử dụng;

b) Đối với những tài sản cố định không thuộc phạm vi kê khai, đơn vị lập Thẻ tài sản cố định theo Mẫu số 01-TSCĐ/TSNN ban hành kèm theo Thông tư số 245/2009/TT-BTC để theo dõi, hạch toán theo chế độ kế toán hiện hành. Trường hợp đã lập Thẻ tài sản cố định theo quy định tại Thông tư số 35/2007/TT-BTC thì tiếp tục sử dụng Thẻ tài sản cố định đã lập, không phải lập lại theo quy định này.

6. Mua hàng sản xuất trong nước

- Chỉ thị số 494/CT-TTg ngày 20/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước.

- Công văn số 572/BTC-HCSN ngày 13/01/2010 của Bộ Tài chính về việc thực hiện mua hàng sản xuất trong nước.

a) Hàng hóa được sản xuất trong nước là những loại hàng hóa, dịch vụ do các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế sản xuất, gia công hoặc lắp ráp toàn bộ hàng hóa hoặc thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng trên lãnh thổ Việt Nam.

b) Các đơn vị mua sắm tài sản, vật tư, trang thiết bị, dịch vụ (gọi tắt là hàng hóa) phục vụ hoạt động thường xuyên, sửa chữa, duy tu, nâng cấp tài sản, trụ sở, đầu tư xây dựng ưu tiên sử dụng hàng hoá được sản xuất trong nước (trừ trường hợp các loại hàng hoá mà hiện tại trong nước chưa sản xuất được; hoặc đã sản xuất được nhưng không bảo đảm đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng của dự án đầu tư, nhu cầu sử dụng; hoặc đáp ứng được yêu cầu nhưng có giá cả không đảm bảo yếu tố cạnh tranh).

c) Khi sử dụng nguồn kinh phí được bố trí từ ngân sách nhà nước đi lại bằng đường hàng không (nội địa và quốc tế), ưu tiên sử dụng dịch vụ của các hãng hàng không Việt Nam.

d) Việc ưu tiên mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước không áp dụng đối với những trường hợp sau:

- Mua sắm hàng hóa theo quy định riêng của Thủ tướng Chính phủ.

- Mua sắm hàng hóa được quy định cụ thể tại các hiệp định hoặc văn bản thỏa thuận quốc tế đối với dự án vay nợ, viện trợ nước ngoài.

- Mua sắm hàng hóa phục vụ an ninh, quốc phòng theo danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an cấp phép nhập khẩu.

đ) Đối với các dự án đầu tư:

- Chủ đầu tư khi khảo sát, phân tích và lựa chọn phương án kỹ thuật, công nghệ ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa được sản xuất trong nước ngay từ khâu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo đầu tư và được xác định trong tổng dự toán và dự toán chi tiết của dự án.

- Cơ quan thẩm định dự án đầu tư có trách nhiệm thẩm định việc ưu tiên lựa chọn sử dụng hàng hóa được sản xuất trong nước.

e) Đối với việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động của đơn vị:

- Thủ trưởng đơn vị khi phê duyệt danh mục dự toán mua sắm hàng hóa: ưu tiên lựa chọn mua sắm hàng hóa được sản xuất trong nước bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu công việc. Tránh đưa vào danh mục mua sắm các loại hàng hóa nhập khẩu mà trong nước đã sản xuất được.

- Trường hợp chủng loại hàng hóa cần mua sắm là loại hàng hóa trong nước đã sản xuất được nhưng do yêu cầu công việc đòi hỏi kỹ thuật cao chỉ có hàng nhập khẩu mới đáp ứng được thì bộ phận tham mưu phải phân tích, báo cáo rõ căn cứ lựa chọn để thủ trưởng đơn vị xem xét, quyết định. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm về quyết định của mình khi mua sắm hàng hóa nhập khẩu.

- Khi mua sắm hàng hóa phải bảo đảm chứng từ chi phản ánh đầy đủ các nội dung: tên hàng hóa, nhãn hiệu hàng hóa, hàng hóa sản xuất trong nước hay hàng hóa nhập khẩu.

g) Thủ trưởng đơn vị ban hành các quy định cụ thể để thực hiện trong đơn vị ưu tiên mua sắm hàng hóa được sản xuất trong nước; hạn chế việc mua sắm hàng hóa nhập khẩu mà trong nước đã sản xuất được.

h) Trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước:

- Khi phân chia các gói thầu thuộc dự án, đề án, chương trình, dự toán đối với mua sắm thường xuyên (sau đây gọi tắt là các dự án) sử dụng vốn nhà nước, ngoài việc phải căn cứ tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, bảo đảm tính đồng bộ của dự án, cần bảo đảm gói thầu có quy mô hợp lý, phù hợp với điều kiện năng lực của nhà thầu trong nước, bảo đảm các điều kiện cạnh tranh tối đa cho các doanh nghiệp trong nước nhận được hợp đồng, tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước.

- Đối với đấu thầu mua sắm hàng hóa, chỉ tổ chức đấu thầu quốc tế khi hàng hóa, vật tư, thiết bị trong nước không đáp ứng được yêu cầu của gói thầu hoặc trong nước chưa đủ khả năng sản xuất hoặc theo yêu cầu của nhà tài trợ đối với những gói thầu thuộc các dự án sử dụng vốn ODA.

- Đối với các gói thầu xây lắp, chỉ tổ chức đấu thầu quốc tế khi nhà thầu trong nước không có khả năng đáp ứng yêu cầu hoặc đã tổ chức đấu thầu trong nước nhưng không có nhà thầu nào đáp ứng yêu cầu hoặc theo yêu cầu của nhà tài trợ đối với những gói thầu thuộc các dự án sử dụng vốn ODA. Trong trường hợp này cần có cơ chế khuyến khích các nhà thầu trong nước liên danh với các nhà thầu quốc tế để học hỏi thêm kinh nghiệm và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

- Khi tổ chức lựa chọn nhà thầu, trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải đưa ra yêu cầu về việc chào thầu bằng đồng Việt Nam đối với các chi phí trong nước; chỉ cho phép các nhà thầu chào thầu bằng ngoại tệ đối với các nội dung chi phí (hàng hóa, dịch vụ) có nguồn gốc từ nước ngoài khi trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu mà nhà thầu phải nhập khẩu từ nước ngoài.

- Nghiêm cấm các chủ đầu tư, bên mời thầu khi lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu cho phép sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu thực hiện gói thầu.

7. Nguyên tắc bán, thanh lý tài sản nhà nước

7.1. Bán tài sản nhà nước

a) Bán tài sản nhà nước là việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản nhà nước cho tổ chức, cá nhân để nhận khoản tiền tương ứng.

b) Tài sản nhà nước được bán trong các trường hợp sau đây:

- Không còn nhu cầu sử dụng hoặc giảm nhu cầu sử dụng do thay đổi về tổ chức hoặc thay đổi chức năng, nhiệm vụ và các nguyên nhân khác mà không xử lý theo phương thức thu hồi hoặc điều chuyển tài sản.

- Việc sử dụng tài sản nhà nước không có hiệu quả, bao gồm: Hiệu suất sử dụng tài sản thấp (trừ tài sản chuyên dùng); không có nhu cầu sử dụng thường xuyên.

- Thực hiện sắp xếp lại việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Phải thay thế tài sản do yêu cầu đổi mới kỹ thuật, công nghệ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Tài sản nhà nước bị thu hồi; tài sản bị tịch thu hoặc xác lập quyền sở hữu của Nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

c) Việc bán tài sản nhà nước được thực hiện công khai, theo cơ chế thị trường.

d) Phương thức bán tài sản nhà nước

Việc bán tài sản nhà nước được thực hiện bằng phương thức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; trừ các trường hợp được bán chỉ định.

7.2. Thanh lý tài sản nhà nước

a) Tài sản nhà nước được thanh lý trong các trường hợp sau đây:

- Đã sử dụng vượt quá thời gian sử dụng theo quy định của chế độ mà không thể tiếp tục sử dụng.

- Bị hư hỏng không thể sử dụng được hoặc việc sửa chữa không có hiệu quả.

- Trụ sở làm việc hoặc tài sản khác gắn liền với đất phải phá dỡ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

b) Việc thanh lý theo hình thức bán tài sản nhà nước được thực hiện công khai, theo cơ chế thị trường.

c) Phương thức thanh lý tài sản nhà nước

Tài sản nhà nước được thanh lý theo các phương thức sau: Bán; phá dỡ, huỷ bỏ tài sản nhà nước. Việc thanh lý tài sản nhà nước theo phương thức bán được thực hiện đấu giá theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp được bán chỉ định.

7.3. Xác định giá khởi điểm và tổ chức bán đấu giá tài sản

a) Đối với các tài sản thuộc thẩm quyền bán, đơn vị thuê tổ chức thẩm định giá hoặc thành lập Hội đồng xác định giá để xác đinh giá khởi điểm của tài sản. Hội đồng xác định giá gồm:

- Lãnh đạo đơn vị - Chủ tịch Hội đồng.

- Đại diện cơ quan quản lý cấp trên.

- Đại diện bộ phận được giao trực tiếp sử dụng tài sản.

- Đại diện bộ phận tài chính - kế toán của đơn vị.

- Đại diện cơ quan chuyên môn kỹ thuật (nếu cần).

- Các thành viên khác có liên quan.

b) Bán đấu giá tài sản

Nếu không thuê được tổ chức bán đấu giá thì cơ quan, tổ chức, đơn vị thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản nhà nước để tự tổ chức bán đấu giá tài sản. Thành phần hội đông theo thành phần như Hội đồng xác định giá.

- Tài sản nhà nước đã hết giá trị còn lại theo sổ kế toán. Riêng tài sản là nhà và tài sản khác gắn liền với đất, phương tiện vận tải, tài sản khác có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 triệu đồng (năm trăm triệu đồng) trở lên/01 đơn vị tài sản phải đánh giá lại, nếu giá trị còn lại theo đánh giá lại dưới 50 triệu đồng (năm mươi triệu đồng)/01 đơn vị tài sản thì được bán chỉ định.

- Trường hợp đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá tài sản mà chỉ có một tổ chức, cá nhân đăng ký mua tài sản nhà nước và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm.

7.4. Các trường hợp được bán chỉ định tài sản nhà nước (khoản 2 Điều 20, khoản 2 Điều 27 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP)

a) Tổ chức hoặc cá nhân đăng ký mua tài sản trên đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để sử dụng cho mục đích xã hội hoá thuộc lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, môi trường phù hợp với quy hoạch được duyệt. Nếu có từ hai tổ chức, cá nhân đăng ký mua tài sản trên đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho mục đích xã hội hoá thuộc các lĩnh vực nêu trên thì thực hiện đấu giá giữa các đối tượng tham gia đăng ký.

b) Trường hợp đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá tài sản mà chỉ có một tổ chức hoặc cá nhân đăng ký mua tài sản nhà nước và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm.

c) Các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ hoặc của Thủ tướng Chính phủ.

d) Trường hợp thanh lý tài sản nhà nước theo phương thức bán, được bán chỉ định khi tài sản nhà nước đã hết giá trị còn lại theo sổ kế toán. Riêng tài sản là nhà và tài sản khác gắn liền với đất, phương tiện vận tải, tài sản khác có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 triệu đồng (năm trăm triệu đồng) trở lên/01 đơn vị tài sản phải đánh giá lại, nếu giá trị còn lại theo đánh giá lại dưới 50 triệu đồng (năm mươi triệu đồng)/01 đơn vị tài sản thì được bán chỉ định.

* Căn cứ pháp lý:

- Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

- Thông tư số 245/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009 của Bộ Tài chính quy định thực hiện một số nội dung của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.


Số lượt người xem: 61932    
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm