SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
2
7
6
4
9
6
8
Kiến thức quản lý tài chính 08 Tháng Bảy 2014 4:00:00 CH

Một số chế độ chi tiêu ngân sách (Cập nhật đến ngày 30 tháng 6 năm 2014)

               Chi tiền làm thêm giờ

                a) Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

               - Số giờ làm việc tiêu chuẩn trong một ngày là 8 giờ, số ngày làm việc tiêu chuẩn trong một tháng là 22 ngày; để làm căn cứ trả tiền làm thêm giờ.

- Thời giờ làm việc vào ban đêm được xác định từ 21 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau đối với các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở vào phía Nam.

- Tiền lương làm thêm giờ vào ban ngày = Tiền lương giờ x 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số giờ thực tế làm thêm.

Trong đó: Mức 150% đối với giờ làm thêm ngày thường, 200% đối với giờ làm thêm ngày nghỉ hàng tuần, 300% đối với giờ làm thêm ngày lễ hoặc ngày được nghỉ bù nếu ngày lễ trùng vào ngày nghỉ hàng tuần, ngày nghỉ có hưởng lương (trong mức 300% này bao gồm cả tiền lương trả cho thời gian nghỉ được hưởng nguyên lương theo quy định tại Điều 73, 74, 75 và 78 của Bộ luật Lao động).

- Trường hợp bố trí nghỉ bù những giờ làm thêm: Tiền lương làm thêm giờ vào ban ngày = Tiền lương giờ x 50% hoặc 100% hoặc 200% x Số giờ thực tế làm thêm.

Trong đó: Mức 50% đối với giờ làm thêm ngày thường, 100% đối với giờ làm thêm ngày nghỉ hàng tuần, 200% đối với giờ làm thêm ngày lễ hoặc ngày được nghỉ bù nếu ngày lễ trùng vào ngày nghỉ hàng tuần, ngày nghỉ có hưởng lương.

b) Đối với chế độ làm việc sáng thứ bảy hàng tuần theo quy định: Không nghỉ bù, tính mức tiền làm thêm giờ là 200%; có nghỉ bù, tính mức tiền làm thêm giờ là 100%; chi từ kinh phí tự chủ.

Trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo

               Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 08 tháng 3 năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

- Số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương dạy thêm giờ không quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật. Được hưởng tiền lương dạy thêm giờ khi đã được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, các nhiệm vụ công tác khác theo chế độ làm việc của nhà giáo.

- Cơ sở giáo dục căn cứ điều kiện cụ thể của từng đơn vị để thực hiện thanh toán hoặc tạm ứng tiền lương dạy thêm giờ theo tháng hoặc theo học kỳ cho phù hợp.

- Chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đơn vị hoặc bộ môn không thiếu nhà giáo thì chỉ được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ khi có nhà giáo nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hoặc đi học tập, bồi dưỡng, tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra và tham gia những công việc khác (sau đây gọi chung là đi làm nhiệm vụ khác) do cấp có thẩm quyền phân công, điều động phải bố trí nhà giáo khác dạy thay.

- Các cơ sở giáo dục được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên: Kinh phí thực hiện do ngân sách nhà nước bảo đảm và giao trong dự toán ngân sách hàng năm. Các cơ sở giáo dục tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động thường xuyên: Kinh phí thực hiện được đảm bảo từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị và từ nguồn ngân sách nhà nước cấp. Các cơ sở giáo dục tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên: Kinh phí thực hiện được đảm bảo từ các nguồn thu tự đảm bảo kinh phí hoạt động của đơn vị.

 

Trích Quỹ thi đua khen thưởng

               - Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng.

- Thông tư số 71/2011/TT-BTC ngày 24 tháng 5 năm 2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ thi đua, khen thưởng theo Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng.

- Công văn số 4809/UBND-TM ngày 27 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện Thông tư số 71/2011/TT-BTC ngày 24 tháng 5 năm 2011 của Bộ Tài chính;

- Công văn số 3955/LS-TC-TĐKT ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Sở Tài chính và Ban Thi đua Khen thưởng thành phố về kinh phí khen thưởng theo Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 25/4/2010 của Chính phủ.

a) Nguồn và mức trích Quỹ thi đua khen thưởng từ ngân sách

               - Ủy ban nhân dân phường: Trích từ kinh phí không tự chủ và kinh phí tự chủ. Ngoài số trích Quỹ thi đua, khen thưởng được giao theo dự toán, Ủy ban nhân dân phường quyết định trích thêm nhưng tổng số từ nguồn ngân sách nhà nước không quá 1% chi ngân sách thường xuyên. Kinh phí chi khen thưởng cho cán bộ, công chức phường sử dụng từ nguồn trích từ kinh phí tự chủ.

               - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Quận Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ: Dự kiến số trích Quỹ thi đua, khen thưởng gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định, thống nhất mức trích hàng năm, bố trí trong quyết định giao dự toán hàng năm.

- Các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp: Bố trí trong quyết định giao dự toán hàng năm. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên: Quỹ thi đua, khen thưởng được trích lập theo chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên: Quỹ thi đua, khen thưởng được trích lập từ nguồn dự toán chi ngân sách nhà nước được giao hàng năm; từ phần chênh lệch thu lớn hơn chi.

b) Quỹ thi đua, khen thưởng được sử dụng:

- Chi cho in ấn giấy chứng nhận, giấy khen, khung giấy khen.

- Chi tiền thưởng hoặc tặng phẩm lưu niệm cho các cá nhân, tập thể.

- Trích 20% trong tổng Quỹ thi đua, khen thưởng của từng cấp để chi cho công tác tổ chức, chỉ đạo các phong trào thi đua.

- Đối với kinh phí để in ấn giấy chứng nhận, giấy khen, bằng khen, làm các kỷ niệm chương, huân chương, huy chương, huy hiệu, cờ thi đua, khung bằng khen, giấy khen, hộp đựng huân, huy chương, kỷ niệm chương, huy hiệu thuộc các hình thức khen thưởng do Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước quyết định khen thưởng được chi từ dự toán ngân sách của Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương).

c) Đơn vị mở tài khoản tiền gửi về Quỹ thi đua khen thưởng tại Kho bạc Nhà nước để quản lý và phải mở sổ theo dõi tình hình thu, chi. Rút dự toán để chuyển vào Quỹ thi đua khen thưởng (tiểu mục 7764). Hàng năm, báo cáo sử dụng Quỹ thi đua, khen thưởng và được tổng hợp trong báo cáo quyết toán năm.

d) Mức chi khen thưởng theo Nghị định số 42/2010/NĐ-CP.

đ) Ngoài Quỹ thi đua, khen thưởng được trích theo quy định Thông tư số 71/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính, các chế độ khen thưởng khác thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

 

Chi công tác phí, hội nghị

Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 7 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

a) Mức khoán công tác phí theo tháng:

Đối với cán bộ thường xuyên phải đi công tác lưu động trên 10 ngày/tháng (như: Văn thư; kế toán giao dịch; cán bộ kiểm lâm đi kiểm tra rừng; cán bộ các cơ quan tố tụng đi điều tra, kiểm sát, xác minh, tống đạt...); thì tuỳ theo đối tượng, đặc điểm công tác và khả năng kinh phí, thủ trưởng đơn vị quy định mức khoán tiền công tác phí theo tháng cho cán bộ đi công tác lưu động để hỗ trợ cán bộ tiền gửi xe, xăng xe, nhưng tối đa không quá 300.000 đồng/người/tháng và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ.

b) Chi hội nghị:

- Không tổ chức liên hoan, chiêu đãi, hạn chế thuê biểu diễn văn nghệ, không chi các hoạt động kết hợp tham quan, nghỉ mát, không chi quà tặng, quà lưu niệm. Kinh phí tổ chức hội nghị được bố trí sắp xếp trong phạm vi dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Chi nước uống: Tối đa không quá mức 30.000 đồng/ngày (2 buổi)/đại biểu.

 

Chế độ công tác phí ngắn hạn ở nước ngoài

Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Bộ Tài chính.

 

Chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức

Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

- Không sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức để chi cho bộ máy quản lý công tác đào tạo, chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.

- Chi thù lao giảng viên (một buổi giảng được tính 5 tiết):

+ Giảng viên, báo cáo viên là Uỷ viên Trung ương Đảng; Bộ trưởng, Bí thư tỉnh uỷ và các chức danh tương đương: Mức tối đa không quá 1.000.000 đồng/buổi.

+ Giảng viên, báo cáo viên là Thứ trưởng, Chủ tịch HĐND và UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phó Bí thư tỉnh uỷ và các chức danh tương đương; giáo sư; chuyên gia cao cấp; tiến sỹ khoa học: Mức tối đa không quá 800.000 đồng/buổi.

+ Giảng viên, báo cáo viên là cấp Phó chủ tịch HĐND và UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Vụ trưởng và Phó vụ trưởng thuộc Bộ, Viện trưởng và phó viện trưởng thuộc Bộ, Cục trưởng, Phó cục trưởng và các chức danh tương đương; phó giáo sư; tiến sỹ; giảng viên chính: Mức tối đa không quá 600.000 đồng/buổi.

+ Giảng viên, báo cáo viên còn lại là cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các cơ quan, đơn vị ở trung ương và cấp tỉnh (ngoài 3 đối tượng nêu trên): Mức tối đa không quá 500.000 đồng/buổi.

+ Giảng viên, báo cáo viên là cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các đơn vị từ cấp huyện và tương đương trở xuống: Mức tối đa không quá: 300.000 đồng/buổi.

- Nội dung chi do cơ quan, đơn vị cử cán bộ đi học chi từ nguồn kinh phí thường xuyên và nguồn kinh phí khác: Chi phí đi lại từ cơ quan đến nơi học tập (một lượt đi và về; nghỉ lễ, tết), thanh toán tiền thuê chỗ nghỉ trong những ngày đi học tập trung tại cơ sở đào tạo (trong trường hợp cơ sở đào tạo xác nhận không bố trí được chỗ nghỉ). Các khoản chi này không vượt quá mức chi quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 7 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

 

Chi tiếp khách

Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước.

- Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp (sau đây gọi tắt là cơ quan, đơn vị) phải thực hành tiết kiệm trong việc tiếp khách; việc tổ chức tiếp khách phải đơn giản, không phô trương hình thức, thành phần tham dự chỉ là những người trực tiếp liên quan. Không sử dụng ngân sách để mua quà tặng đối với các đoàn khách đến làm việc.

               - Mọi khoản chi tiêu tiếp khách phải đúng chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định; công khai, minh bạch và được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra việc chi tiêu sai quy định.

- Chế độ chi tiêu tiếp khách được thực hiện kiểm soát và quyết toán theo đoàn khách trên cơ sở chứng từ chi tiêu hợp pháp.

a) Đối với khách đến làm việc tại cơ quan, đơn vị: Chi nước uống tối đa không quá 20.000 đồng/người/ngày.

b) Chi mời cơm: Các cơ quan, đơn vị không tổ chức chi chiêu đãi đối với khách trong nước đến làm việc tại cơ quan, đơn vị mình; trường hợp xét thấy cần thiết thì chỉ tổ chức mời cơm khách theo mức chi tiếp khách tối đa không quá 200.000 đồng/1 suất.

Trong khi chưa có quy định cụ thể đối tượng khách được mời cơm đối với từng loại hình cơ quan của Ủy ban nhân dân thành phố; thủ trưởng cơ quan, đơn vị được quy định cụ thể đối tượng khách được mời cơm, mức chi mời cơm trong phạm vi khung mức chi quy định nêu trên. Các cơ quan, đơn vị chỉ được sử dụng từ nguồn kinh phí được giao thực hiện chế độ tự chủ và các nguồn thu hợp pháp khác để chi mời cơm kháchphải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả phù hợp với đặc điểm hoạt động của cơ quan, đơn vị. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi phí hoạt động, đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động đã được giao quyền tự chủ tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ: Thủ trưởng đơn vị xem xét quyết định đối tượng khách được mời cơm, mức chi mời cơm phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả phù hợp với đặc điểm hoạt động của đơn vị.

 

Kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân

                 Thông tư liên tịch số 40/2006/TTLT-BTC-BTTUBTWMTTQVN-TLĐLĐVN ngày 12 tháng 5 năm 2006 của Bộ Tài chính, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn về kinh phí bảo đảm hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.

- Phường: định mức chi 800.000 đồng/tháng, bao gồm kinh phí đảm bảo hoạt động của ban và trợ cấp cho người trực tiếp tham gia công tác thanh tra nhân dân tại phường, thực hiện từ ngày 01/6/2012 (Công văn số 6707/UBND-TM ngày 13/12/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố).

                - Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp: chi từ dự toán được giao, đối với cơ quan, đơn vị thực hiện tự chủ thì chi từ kinh phí tự chủ.

 

Chi tiền tàu, xe nghỉ phép và bồi dưỡng cho những ngày chưa nghỉ phép hàng năm

- Thông tư số 141/2011/TT-BTC ngày 20 tháng 10 năm 2011 của Bộ Tài chính quy định về chế độ thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng làm việc trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

- Thông tư số 57/2014/TT-BTC ngày 06 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 141/2011/TT-BTC quy định về chế độ thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm  đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng làm việc trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

a) Thanh toán tiền phương tiện đi lại, phụ cấp đi đường khi nghỉ phép hàng năm

- Cán bộ, công chức là người miền xuôi  công tác ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có hệ số phụ cấp khu vực từ mức 0,5 trở lên (theo quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ, Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Ủy ban Dân tộc) và người ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có hệ số phụ cấp khu vực từ mức 0,5 trở lên làm việc ở miền xuôi có đủ điều kiện được nghỉ phép hàng năm theo Bộ luật Lao động quy định, được thủ trưởng cơ quan, đơn vị đồng ý cấp giấy cho đi nghỉ phép năm về thăm gia đình, cha mẹ, vợ hoặc chồng, con hoặc thăm quê quán.

- Cán bộ, công chức công tác tại vùng còn lại, thăm vợ hoặc chồng; con; cha, mẹ (cả bên chồng hoặc bên vợ) bị ốm đau, bị chết (phải có đơn và được chính quyền địa phương nơi thân nhân cư trú hoặc cơ sở y tế xác nhận có người thân bị ốm đau đi điều trị ở cơ sở y tế, điều trị dài hạn tại nhà, hoặc bị chết).

Tiền phụ cấp đi đường được thanh toán tương đương với mức phụ cấp lưu trú theo chế độ công tác phí. Tiền phương tiện đi lại bao gồm: Tiền phương tiện vận tải (trừ phương tiện máy bay) chiều đi và về từ nhà đến ga tàu, bến xe; vé tàu, xe vận chuyển đến nơi nghỉ phép và theo chiều ngược lại. Mức thanh toán theo giá ghi trên vé, hoá đơn mua vé; giá vé không bao gồm các chi phí dịch vụ khác (Tham quan du lịch, các dịch vụ đặc biệt theo yêu cầu). Trường hợp cán bộ công chức đi nghỉ phép sử dụng phương tiện là máy bay khi có vé hợp pháp sẽ được thanh toán tối đa theo giá cước vận tải khách công cộng bằng phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy phù hợp với tuyến đường đi nghỉ phép. Đối với những đoạn đường không có phương tiện vận tải của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật mà người đi nghỉ phép phải thuê phương tiện vận tải khác thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét quyết định cho thanh toán tiền thuê phương tiện mà người đi nghỉ phép đã thuê trên cơ sở hợp đồng thuê phương tiện hoặc giấy biên nhận thanh toán với chủ phương tiện theo số ki-lô-mét thực đi và đơn giá khoán được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị.

Nếu người đi nghỉ phép năm tự túc bằng phương tiện cá nhân của mình thì được thanh toán khoán tiền tự túc phương tiện theo số ki-lô-mét thực đi, tương ứng với mức giá vận tải phổ biến của loại phương tiện công cộng tại địa phương nhưng không vượt quá mức khoán tiền tự túc phương tiện khi đi công tác và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị.

Trường hợp người đi nghỉ phép năm kết hợp giữa đi công tác và nghỉ phép thăm người thân thì chỉ thanh toán tiền phụ cấp đi đường và không được thanh toán tiền tàu xe đi phép do đã được thanh toán trong công tác phí.

Tiền phương tiện đi nghỉ phép hàng năm chỉ được thanh toán mỗi năm một lần. Cán bộ, công chức có thể thỏa thuận với thủ trưởng cơ quan, đơn vị để nghỉ gộp tối đa ba năm một lần và chỉ được thanh toán một lần tiền nghỉ phép năm.

b) Chi trả tiền bồi dưỡng cho những ngày chưa nghỉ phép hàng năm

Cán bộ, công chức đang công tác tại các cơ quan, đơn vị đủ điều kiện được hưởng chế độ nghỉ phép hàng năm thì cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm bố trí sắp xếp công việc, thời gian cho cán bộ, công chức nghỉ phép theo chế độ quy định.

Trường hợp do nhu cầu công việc không thể bố trí cho cán bộ, công chức nghỉ phép hoặc bố trí không đủ số ngày nghỉ phép theo quy định, thì cơ quan, đơn vị quyết định việc chi trả tiền bồi dưỡng cho cán bộ, công chức những ngày chưa nghỉ phép hàng năm (phải có đơn xin nghỉ phép nhưng được Thủ trưởng, cơ quan, đơn vị xác nhận do yêu cầu công việc nên không bố trí được thời gian cho cán bộ, công chức nghỉ phép năm hoặc không bố trí đủ số ngày nghỉ phép năm).

Cán bộ, công chức nếu đã được cơ quan, đơn vị bố trí sắp xếp thời gian cho đi nghỉ phép theo quy định nhưng không có nhu cầu nghỉ phép thì không được chi trả tiền bồi dưỡng đối với những ngày chưa nghỉ phép hàng năm.

Căn cứ điều kiện công việc thực tế, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm quy định cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ về các trường hợp được chi trả tiền bồi dưỡng đối với những ngày chưa nghỉ phép hàng năm; mức chi được quy định tại quy chế chi tiêu nội bộ nhưng tối đa không quá mức tiền lương làm thêm giờ vào ngày thứ bảy, chủ nhật theo quy định.

c) Chi từ kinh phí giao tự chủ, chi thường xuyên, nguồn thu hợp pháp được để lại.

 

Kinh phí hoạt động bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ

- Thông tư số 191/2009/TT-BTC ngày 01/10/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ.

- Nguồn kinh phí thực hiện theo Công văn số 1590/STC-HCSN ngày 24/02/2010 của Sở Tài chính về hướng dẫn kinh phí hoạt động bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ trong các đơn vị sử dụng ngân sách:

+ Đối với các cơ quan, đơn vị đã giao tự chủ: Chi từ nguồn kinh phí giao tự chủ.

+ Đối với kinh phí hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ quận, phường: Chi từ nguồn kinh phí không giao tự chủ.

- Mức chi bồi dưỡng kiêm nhiệm của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ theo Công văn số 1210/UBND-VX ngày 24 tháng 3 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố:

+ Đối với các đơn vị sự nghiệp và các cơ quan nhà nước được giao tự chủ tài chính: Thủ trưởng đơn vị quyết định thông qua quy chế chi tiêu nội bộ, chi từ kinh phí được giao tự chủ.

+ Đối với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ quận, phường: 100.000 đồng/người/tháng, chi từ kinh phí không giao tự chủ.

 

Kinh phí chi cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình

- Thông tư liên tịch số 143/2011/TTLT/BTC-BVHTTDL ngày 21/10/2011 của Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chế độ quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước chi cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình; kinh phí  ngân sách Nhà nước hỗ trợ các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ngoài công lập.

- Công văn số 2126/SVHTTDL-VHGĐ ngày 08/5/2012 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thực hiện Thông tư liên tịch số 143/2011/TTLT/BTC-BVHTTDL về quy định chế độ quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

- Chi hỗ trợ tiền chè, nước họp góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình tại cộng đồng dân cư và chi hòa giải trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình; chi hỗ trợ hoạt động của các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, chi tổ chức ngày Gia đình Việt Nam, biểu dương các cá nhân,  khu dân cư có thành tích thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình; chi thu thập thông tin vụ việc bạo lực gia đình: Mức hỗ trợ do Ủy ban nhân dân phường quyết định từ ngân sách phường, không quá 2.000.000 đồng/năm/khu phố.

 

Kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, chế độ đóng góp và miễn, giảm, hỗ trợ đối với đối tượng trong cơ sở chữa bệnh và tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng

                Thông tư liên tịch số 27/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 24 tháng 02 năm 2012 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, chế độ đóng góp và miễn, giảm, hỗ trợ đối với đối tượng trong cơ sở chữa bệnh và tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng.

Nguồn kinh phí thực hiện:

- Kinh phí lập hồ sơ đề nghị chuyển đối tượng đang chấp hành biện pháp tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (sau đây gọi tắt là Trung tâm) vào Cơ sở giáo dục, Trường giáo dưỡng; truy tìm đối tượng bỏ trốn khỏi Trung tâm; hỗ trợ và miễn, giảm chi phí cho các đối tượng quy định tại Mục 2 Thông tư số 27/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH được bố trí trong dự toán chi đảm bảo xã hội của Trung tâm.

- Kinh phí lập hồ sơ đề nghị đưa đối tượng vào Trung tâm, kinh phí thực hiện chế độ hỗ trợ đối với người nghiện ma tuý cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng; chi cho công tác tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng: Chi từ sự nghiệp xã hội của ngân sách phường.

- Kinh phí xét duyệt hồ sơ, thực hiện chế độ chi cho công tác áp dụng biện pháp đưa đối tượng vào Trung tâm, đưa đối tượng trong Trung tâm vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng quy định tại Điều 4 Thông tư số 27/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH: Chi từ dự toán của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Kinh phí đảm bảo chi hoạt động thường xuyên, chi đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất của Trung tâm và chi đầu tư cơ sở vật chất cho cơ sở điều trị cắt cơn phục vụ cho công tác cai nghiện ma tuý tại cộng đồng được thực hiện theo phân cấp ngân sách của Luật Ngân sách nhà nước.

 

Chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

Quyết định số 24/2013/QĐ-UBND ngày 23 tháng 7 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố.

 

Mức quà tặng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi

Công văn số 5130/UBND-VX ngày 12 tháng 10 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về mức quà tặng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi theo Nghị định số 06/2011/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 21/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính.

- Mức quà tặng người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85, 95 tuổi và trên 100 tuổi: 500.000 đồng (Năm trăm ngàn đồng). Ủy ban nhân dân phường chi từ dự toán ngân sách được giao (hạch toán chi kinh phí sự nghiệp xã hội - kinh phí không giao tự chủ), đối với người cao tuổi tại cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập thuộc quận quản lý: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Quận 8 chi từ dự toán sự nghiệp xã hội được giao.

- Kinh phí chúc thọ, mừng thọ và quà tặng người cao tuổi 90 tuổi, 100 tuổi; người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95, 100 và trên 100 tuổi tại cơ sở bảo trợ xã hội công lập, cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập do thành phố quản lý: Do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đảm bảo.

 

Thu, nộp lệ phí cấp bản sao, lệ phí chứng thực

Công văn số 2894/STC-QHPX ngày 05 tháng 4 năm 2012 của Sở Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Công văn số 687/UBND-PCNC ngày 20/02/2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp bản sao, lệ phí chứng thực.

- Nộp 100% số thu lệ phí cấp bản sao, lệ phí chứng thực vào ngân sách.

- Hoạt động cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký thuộc chức năng của đơn vị và đã được ngân sách bảo đảm kinh phí hoạt động. Riêng trường hợp cấp bản sao từ sổ gốc do phải sử dụng các phôi in sẵn (ngoài định mức khoán), do đó được sử dụng nguồn thu lệ phí (đã nộp ngân sách) để mua phôi theo dự toán được duyệt, đối với phường do Ủy ban nhân dân phường lập dự toán để thực hiện, hạch toán chi kinh phí không giao tự chủ.

 

Chế độ chi hoạt động công tác đảng của tổ chức đảng cơ sở

- Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 30 tháng 5 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

- Hướng dẫn số 21-HD/VPTW ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Văn phòng Trung ương Đảng.

 

Thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí bảo đảm hoạt động của lực lượng xử phạt vi phạm hành chính

Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính.

a) Kinh phí bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm.

b) Nội dung chi và mức chi bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính

- Chi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

- Chi công tác phí, chi hội nghị sơ kết, tổng kết, tập huấn công tác xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 6/7/2010 của Bộ Tài chính.

- Chi mua sắm trang thiết bị, sửa chữa công cụ, phương tiện phục vụ trực tiếp cho hoạt động của các lực lượng xử phạt theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định và thực hiện đấu thầu mua sắm theo quy định tại Thông tư số 68/2012/TT-BTC ngày 26/4/2012 của Bộ Tài chính.

- Chi xăng dầu cho phương tiện để kiểm tra, bắt giữ, dẫn giải, bảo vệ đối tượng và tang vật vi phạm; chi thông tin liên lạc, văn phòng phẩm, in ấn tài liệu phục vụ cho hoạt động của các lực lượng xử phạt: Thực hiện theo chứng từ chi thực tế, theo hợp đồng của đơn vị cung ứng. Các nội dung chi nêu trên phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán trước khi thực hiện.

- Chi khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ.

- Chi bồi dưỡng làm đêm, làm thêm giờ theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Chi phí mua tin (nếu có): mức chi mua tin của mỗi vụ việc không quá 10% mức xử phạt và tối đa không quá 5.000.000 đồng. Riêng đối với xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, mức mua tin của mỗi vụ việc không quá 10% mức xử phạt và mức tối đa không quá 50.000.000 đồng. Việc thanh toán chi mua tin phải có đầy đủ chứng từ theo quy định; trường hợp yêu cầu phải giữ bí mật tên người cung cấp tin, việc thanh toán chi phí mua tin căn cứ vào phiếu chi với đầy đủ chữ ký của người trực tiếp chi tiền cho người cung cấp tin, của thủ quỹ, kế toán và thủ trưởng đơn vị trực tiếp điều tra, xử lý vi phạm hành chính. Thủ trưởng đơn vị trực tiếp điều tra, xử lý vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về sự chính xác, trung thực trong việc thanh toán chi mua tin, đảm bảo chi đúng người, đúng việc và hiệu quả.

- Chi phụ cấp cho lực lượng trực tiếp xử phạt theo mức ban ngày 50.000 đồng/người, ban đêm 80.000 đồng/người và không vượt quá 10% số thu phạt trong năm (Công văn số 13530/STC-KBNN-CT ngày 24/12/2013 của Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước và Cục Thuế thành phố).

 

Kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở

Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

 

Chi thực hiện các hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính

- Thông tư số 167/2012/TT-BTC ngày 10 tháng 10 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện các hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính.

- Quyết định số 26/2013/QĐ-UBND ngày 23 tháng 7 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố quy định một số nội dung và mức chi thực hiện các hoạt động
kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
: Thuê chuyên gia lấy ý kiến theo văn bản: 300.000 - 600.000 đồng/văn bản (tùy theo tính chất, mức độ của văn bản, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận quyết định mức chi cụ thể); hỗ trợ cán bộ, công chức là đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính tại các quận, phường (Danh sách cán bộ, công chức làm đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính phải được Ủy ban nhân dân quận, phường phê duyệt): 20.000 đồng/người/ngày.

 

Đối với phường

- Chế độ, chính sách đối với cán bộ không chuyên trách:

+ Phụ cấp hàng tháng từ ngày 01/7/2013 (Quyết định số 30/2013/QĐ-UBND ngày 17/8/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố): Người có trình độ cao đẳng: hệ số 2,10 so với mức lương tối thiểu chung; người có trình độ đại học: hệ số 2,34 so với mức lương tối thiểu chung; người có trình độ trên đại học: hệ số 2,67 so với mức lương tối thiểu chung; người có trình độ trung cấp hoặc chưa qua đào tạo: hệ số 1,86 so với mức lương tối thiểu chung.

+ Đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế bắt buộc đối với người làm việc theo chế độ hợp đồng. Trợ cấp khuyến khích đối với người có trình độ đại học trở lên. Nếu kiêm nhiệm chức danh khác mà giảm được 01 người trong số lượng được giao thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 20% mức phụ cấp hàng tháng. Thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp.

- Chế độ đối với cán bộ nghỉ hưu tham gia công tác, giữ các chức danh cán bộ và cán bộ không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn:

+ Cán bộ nghỉ hưu tham gia công tác, giữ chức danh Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân và các chức danh cán bộ không chuyên trách phường, xã, thị trấn, được hưởng 92,5% của hệ số 1,86.

Riêng đối với Chủ tịch Hội Cựu chiến binh ở phường, xã, thị trấn là người đang hưởng chế độ hưu trí tham gia công tác, ngoài lương hưu hiện hưởng, hàng tháng được hưởng 100% hệ số bậc 1 lương chức vụ (Bảng lương 2 bậc) của chức danh đang đảm nhiệm và không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Sau thời gian đủ 5 năm (60 tháng) giữ bậc 1, nếu hoàn thành nhiệm vụ được giao và không bị kỷ luật trong suốt thời gian này thì được hưởng 100% hệ số bậc 2 lương chức vụ của chức danh đảm nhiệm.

+ Đối với cán bộ nghỉ hưu tham gia công tác, giữ các chức danh cán bộ phường, xã, thị trấn (trừ các chức danh nêu trên), hưởng 92,5% hệ số bậc 1 lương chức vụ (Bảng lương 2 bậc) theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP.

+ Cán bộ nghỉ hưu tham gia công tác, giữ chức danh Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Trưởng các đoàn thể phường, xã, thị trấn được hưởng khoản trợ cấp trách nhiệm 50.000 đồng/người/tháng.

+ Nguồn kinh phí thực hiện trong định mức kinh phí theo chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế và kinh phí quản lý hành chính của phường, xã, thị trấn.

- Chế độ thù lao đối với người nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội Khuyến học, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường (chi từ kinh phí không tự chủ): Chủ tịch hưởng chế độ thù lao với hệ số 1,50; Phó Chủ tịch hưởng chế độ thù lao với hệ số 1,35 (Công văn số 767/UBND-VX ngày 23 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố).

               - Trợ cấp khuyến khích người có trình độ đại học công tác tại phường: Thực hiện theo Quyết định số 65/2009/QĐ-UBND ngày 08 tháng 8 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố. Từ ngày 01/7/2009, cán bộ, công chức có trình độ đại học hệ chính quy: 750.000 đồng/người/tháng; cán bộ, công chức có trình độ đại học các hệ còn lại: 500.000 đồng/người/tháng.

- Tổ cán sự xã hội tình nguyện:

+ Bồi dưỡng cho tổ cán sự xã hội tình nguyện: Từ ngày 01/5/2010, thực hiện theo Công văn số 2064/UBND-VX ngày 10 tháng 5 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố. Mức chi tổ trưởng 350.000 đồng/người/tháng, tổ phó 300.000 đồng/người/tháng, tổ viên 250.000 đồng/người/tháng.

+ Kinh phí hoạt động (văn phòng phẩm, thông tin liên lạc…): Thực hiện theo Công văn số 3005/UBND-VX ngày 12 tháng 5 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố, tối đa từ 100.000 đồng/tháng đến 300.000 đồng/tháng; địa bàn trọng điểm, nhiều tệ nạn ma túy, mại dâm, tổ có 07 thành viên nòng cốt: 300.000 đồng/tháng; địa bàn có ít tệ nạn ma túy, mại dâm, tổ có 03 thành viên nòng cốt: 200.000 đồng/tháng; địa bàn chưa có tệ nạn ma túy, mại dâm, tổ có 02 thành viên nòng cốt: 100.000 đồng/tháng.

- Kinh phí xác định mức độ khuyết tật: Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Chế độ chi dân quân thường trực của phường (Quyết định số 57/2011/QĐ-UBND ngày 27 tháng 8 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố):

+ Trợ cấp mỗi ngày công lao động bằng hệ số 0,08 so với mức lương tối thiểu chung, bao gồm tiền ăn và sinh hoạt phí.

+ Được cấp trang phục theo Điểm d Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ: Cấp phát năm đầu 02 bộ quần, áo chiến sỹ, 02 đôi giầy vải, 02 đôi bít tất, 01 mũ cứng, 01 mũ mềm, 01 sao mũ cứng, 01 sao mũ mềm, 01 áo đi mưa, 01 dây lưng nhỏ; mỗi năm tiếp theo cứ 6 tháng được cấp 01 bộ quần, áo chiến sỹ, 01 đôi giầy vải, 01 đôi bít tất; cứ 02 năm tiếp theo được cấp 01 mũ cứng, 01 mũ mềm, 01 dây lưng nhỏ, 01 áo đi mưa, 01 sao mũ cứng, 01 sao mũ mềm (dự toán chi ngân sách bố trí 915.000 đồng/người/năm).

+ Khi hoàn thành nhiệm vụ thường trực, được hưởng trợ cấp một lần, mỗi năm được trợ cấp một tháng lương tối thiểu chung, tổng mức trợ cấp không quá 04 tháng lương tối thiểu chung.

- Chi công tác hòa giải ở cơ sở: Thực hiện theo Quyết định số 72/2011/QĐ-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Trợ cấp thôi làm công tác hội cựu chiến binh của phường do quận chi.

- Phụ cấp khu phố: 3,5 triệu đồng/tháng, tổ dân phố 350.000 đồng/tháng (từ tháng 01/2012) theo Quyết định số 1165/QĐ-UBND ngày 06/3/2012 của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Bảo vệ dân phố của phường: 1.500.000 đồng/người/tháng (từ tháng 01/2012). Trưởng ban, Phó Trưởng ban, Tổ trưởng, Tổ phó Bảo vệ dân phố được hưởng phụ cấp trách nhiệm 100.000 đồng/tháng. Trang phục: 915.000 đồng/người/năm. Ngân sách hỗ trợ mua bảo hiểm y tế tự nguyện.

- Phụ cấp đối với Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường: Theo Quyết định số 5081/QĐ-UBND ngày 09/11/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố, mức phụ cấp là 1.500.000 đồng/người/tháng, nguồn chi từ kinh phí giao tự chủ, thời gian thực hiện từ ngày có quyết định nhận nhiệm vụ Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

- Phụ cấp trách nhiệm của ủy viên ban chấp hành đảng bộ phường: 0,3 mức lương tối thiểu, chi từ kinh phí không tự chủ, hạch toán chương 819 loại 460 khoản 461 mục 7850 tiểu mục 7854.

- Kinh phí hỗ trợ giám sát đầu tư của cộng đồng (Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-KH&ĐT-UBTƯMTTQVN-TC ngày 04 tháng 12 năm 2006 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ):

+ Kinh phí hỗ trợ giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn phường được cân đối trong dự toán chi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường (kinh phí không giao tự chủ), bố trí phù hợp với kế hoạch hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng, đảm bảo mức kinh phí tối thiểu 2 triệu (hai triệu) đồng/năm.

+ Nội dung chi hỗ trợ hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng bao gồm: Chi phí văn phòng phẩm; thông tin, liên lạc phục vụ giám sát đầu tư cộng đồng; chi phí sao chụp, đánh máy, gửi tài liệu, báo cáo giám sát đầu tư của cộng đồng; chi phí hành chính cho các cuộc họp, hội nghị về giám sát đầu tư của cộng đồng; chi phí tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn về giám sát đầu tư của cộng đồng; chi thù lao trách nhiệm cho các thành viên của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng hoặc các thành viên của Ban Thanh tra nhân dân trực tiếp làm giám sát đầu tư cộng đồng (trường hợp không thành lập Ban giám sát đầu tư của cộng đồng).

- Chế độ thù lao và kinh phí của lực lượng quản lý đê nhân dân tại phường (Quyết định số 07/2012/QĐ-UBND ngày 28 tháng 01 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố):

+ Mức thù lao hàng tháng cho mỗi nhân viên: 1.000.000 đồng.

+ Phụ cấp trách nhiệm: Đội trưởng được hưởng thêm mức thù lao trách nhiệm là 130.000 đồng/tháng, Đội phó được hưởng thêm mức thù lao trách nhiệm là 65.000 đồng/tháng.

+ Các chế độ, chính sách khác: nhân viên quản lý đê nhân dân được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định tại Thông tư số 92/2009/TT-BTC ngày 12 tháng 5 năm 2009 của Bộ Tài chính trong trường hợp bị thương, bị nạn khi làm nhiệm vụ và chế độ bồi dưỡng thêm khi tham gia khắc phục các sự cố thiên tai (bồi dưỡng thêm với mức chi tối đa cho một người trong một ngày bằng 2 lần mức chi một ngày công lao động trung bình, tính trên cơ sở mức lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ).

+ Trang bị bảo hộ lao động khi làm nhiệm vụ (gồm: áo mưa, ủng, mũ cứng, đèn pin), trang bị dụng cụ, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ quản lý và tuần tra, canh gác.

- Chế độ đối với cán bộ chuyên trách giảm nghèo tại quận, huyện và mức hỗ trợ hàng tháng cho Tổ trưởng Tổ tự quản giảm nghèo (Công văn số 3700/UBND-VX ngày 18 tháng 7 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố):

+ Tiền lương đối với cán bộ chuyên trách giảm nghèo của quận, huyện theo trình độ và được tính theo thang bảng lương Nhà nước và được nâng bậc lương theo quy định. Thời gian áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.

+ Mức hỗ trợ hàng tháng cho Tổ trưởng Tổ tự quản giảm nghèo: 200.000 đồng/người/tháng, chi từ nguồn điều tiết lãi cho vay Quỹ giảm nghèo của quận, huyện, phường, xã, thị trấn, nếu không đủ thì ngân sách bổ sung thêm. Thời gian thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.

- Chế độ đối với đội dân phòng (Quyết định số 11/2014/QĐ-UBND ngày 10 tháng 3 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố):

Cán bộ, đội viên đội dân phòng mỗi ngày huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy được hưởng một khoản tiền tương đương giá trị 1,5 ngày công lao động trung bình ở địa phương. Ngày công lao động trung bình bằng 0,08 mức lương tối thiểu chung.

Cán bộ, đội viên đội dân phòng khi trực tiếp tham gia chữa cháy, cứu nạn - cứu hộ được hưởng chế độ bồi dưỡng như sau: Nếu thời gian chữa cháy dưới 2 giờ được bồi dưỡng một khoản tiền tương đương giá trị một nửa ngày công lao động trung bình ở địa phương. Nếu thời gian chữa cháy từ 2 giờ đến dưới 4 giờ được bồi dưỡng một khoản tiền tương đương giá trị hai phần ba ngày công lao động trung bình ở địa phương. Nếu thời gian chữa cháy từ 4 giờ trở lên hoặc chữa cháy nhiều ngày thì cứ 4 giờ được bồi dưỡng một khoản tiền tương đương giá trị một ngày công lao động trung bình ở địa phương.

Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng được hưởng chế độ hỗ trợ thường xuyên theo quy định (hiện chưa có, Sở Tài chính sẽ hướng dẫn sau).

Ngoài các quy định trên, tùy tình hình cụ thể của từng địa phương, Ủy ban nhân dân cấp xã quy định mức trợ cấp cho đội dân phòng.

Cán bộ, đội viên đội dân phòng khi tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và cứu nạn - cứu hộ mà bị tai nạn, tổn hại sức khỏe hoặc bị chết thì được hưởng chế độ, chính sách như đối với công chức, viên chức nhà nước.

Đội viên dân phòng khi trực tiếp làm nhiệm vụ mà bị thương hoặc hy sinh thì được xem xét để hưởng chính sách như thương binh hoặc xem xét công nhận là liệt sĩ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

Cán bộ, đội viên đội dân phòng được trang bị thống nhất quần áo, giày, mũ, thiết bị bảo hộ cá nhân phù hợp với tính chất hoạt động; trang bị và sử dụng phương tiện, thiết bị, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn - cứu hộ, thông tin liên lạc theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của ngành Công an.

 

(Nguồn Phòng Tài chính – Kế hoạch Quận 8)

 


Số lượt người xem: 7147    
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm