SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
2
7
7
0
5
6
7
Kiến thức quản lý tài chính 16 Tháng Năm 2012 10:55:00 SA

Quy định mới về đấu thầu mua sắm tài sản

Ngày 26 tháng 4 năm 2012, Bộ Tài chính có Thông tư số 68/2012/TT-BTC quy định việc đấu thầu để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/6/2012, thay thế Thông tư số 63/2007/TT-BTC ngày 15/06/2007 và Thông tư số 131/2007/TT-BTC ngày 05/11/2007 của Bộ Tài chính.


1. Phạm vi điều chỉnh bao gồm:
- Trang thiết bị, phương tiện làm việc; vật tư, công cụ, dụng cụ; máy móc, trang thiết bị chuyên môn, phục vụ an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy.
- May sắm trang phục ngành (gồm cả mua sắm vật liệu và công may).
- Dự án công nghệ thông tin sử dụng vốn sự nghiệp; các sản phẩm công nghệ thông tin gồm: máy móc, thiết bị, phụ kiện, phần mềm và các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin khác, bao gồm cả lắp đặt, chạy thử, bảo hành.
- Phương tiện vận chuyển: ô tô, xe máy, tàu, thuyền, xuồng và các phương tiện vận chuyển khác.
- Sản phẩm in, tài liệu, biểu mẫu, ấn phẩm, ấn chỉ, tem; văn hoá phẩm, sách, tài liệu, phim ảnh và các sản phẩm, dịch vụ để tuyên truyền, quảng bá và phục vụ chuyên môn.
- Các dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc trang thiết bị, phương tiện làm việc, phương tiện vận chuyển; dịch vụ thuê trụ sở làm việc và tài sản khác; dịch vụ thuê đường truyền dẫn; dịch vụ bảo hiểm; dịch vụ cung cấp điện, nước, điện thoại cố định và các dịch vụ khác.
- Dịch vụ tư vấn (tư vấn lựa chọn công nghệ, tư vấn để phân tích, đánh giá hồ sơ dự thầu và các dịch vụ tư vấn trong mua sắm khác).
- Bản quyền sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ.
- Các loại hàng hóa, tài sản, dịch vụ khác được mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
Không áp dụng đối với các trường hợp: Mua sắm vật tư, trang thiết bị thuộc dự án đầu tư xây dựng; trang thiết bị, phương tiện đặc thù chuyên dùng cho quốc phòng, an ninh.


2. Các hình thức lựa chọn nhà thầu: Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, chào hàng cạnh tranh, tự thực hiện, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Nghiêm cấm việc chia lẻ gói thầu để thực hiện việc mua sắm theo các hình thức không phải đấu thầu hoặc lựa chọn hình thức đấu thầu không đúng quy định hoặc cố tình quyết định mua sắm tài sản, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu không đảm bảo theo thẩm quyền.


3. Chỉ định thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
- Mua sắm hàng hoá để khắc phục sự cố bất khả kháng do thiên tai, địch họa, sự cố cần phải khắc phục ngay.
- Gói thầu do yêu cầu của nhà tài trợ nước ngoài.
- Gói thầu mang tính chất bí mật quốc gia cần chỉ định thầu để bảo đảm yêu cầu về bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật về bảo mật.
- Mua sắm các hàng hoá đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định thầu.
- Hàng hoá chỉ do một nhà sản xuất và cung cấp với giá bán thống nhất trong phạm vi cả nước.
- Gói thầu dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng), gói thầu mua sắm tài sản thuộc đề án hoặc dự toán mua sắm thường xuyên có giá gói thầu không quá 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng); trường hợp thấy cần thiết thì Thủ trưởng cơ quan đơn vị có thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản quyết định tổ chức đấu thầu theo quy định.
- Mua sắm các loại tài sản để phục hồi, duy tu, duy trì, nâng cấp, mở rộng công suất của thiết bị, dây chuyền công nghệ, hạ tầng kỹ thuật, phần mềm công nghệ thông tin mà trước đó đã được mua từ một nhà thầu cung cấp và không thể mua từ các nhà thầu cung cấp khác do phải bảo đảm tính tương thích của thiết bị, công nghệ hoặc không hiệu quả, làm tăng chi phí.
Trường hợp mua sắm đối với gói thầu mua sắm tài sản có giá gói thầu không quá 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) với điều kiện nội dung mua sắm là các hàng hoá thông dụng, sẵn có trên thị trường để phục vụ cho các hoạt động có tính chất thường xuyên diễn ra hàng ngày của các cơ quan, đơn vị (gồm mua sắm nhỏ lẻ tài sản mới, tài sản để thay thế tài sản hỏng; mua sắm phụ tùng thay thế, công cụ, dụng cụ phục vụ hoạt động thường xuyên; dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng sửa chữa máy móc, trang thiết bị, phương tiện làm việc, phương tiện vận chuyển; mua sắm phục vụ yêu cầu cấp thiết, đột xuất):
- Gói thầu có giá gói thầu từ 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng) đến không quá 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng): cơ quan, đơn vị mua sắm lấy báo giá của ít nhất ba nhà thầu khác nhau (báo giá trực tiếp, bằng fax hoặc qua đường bưu điện) làm cơ sở để lựa chọn nhà thầu tốt nhất. Kết quả chọn thầu phải bảo đảm chọn được nhà cung cấp hàng hoá, dịch vụ tư vấn tối ưu nhất về chất lượng, giá cả và một số yêu cầu khác (nếu có) như thời hạn cung cấp hàng hoá, các yêu cầu về bảo hành, đào tạo, chuyển giao, không phân biệt nhà thầu trên cùng địa bàn hoặc khác địa bàn.
- Gói thầu có giá gói thầu dưới 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng): Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định việc mua sắm cho phù hợp, hiệu quả và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình; đồng thời phải đảm bảo chế độ hoá đơn, chứng từ đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật; nếu có điều kiện để thực hiện thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị mua sắm tài sản quyết định thực hiện theo hướng dẫn đối với gói thầu có giá gói thầu từ 20.000.000 đồng đến không quá 100.000.000 đồng như trên.


(Nguyễn Đức Lâm, Phòng Tài chính - Kế hoạch)

 

 


Số lượt người xem: 22422    
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm