Từ đầu năm 2014 đến nay, CATP đã tiếp nhận nhiều trình báo của nạn nhân về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gọi điện thoại giả danh cơ quan pháp luật để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. CATP đã nghi nhận có 08 trường hợp nạn nhân cư ngụ tại TP bị lừa với số tiền trên 2 tỉ đồng.
1. Một số vụ án điển hình như:
Vụ thứ 1: Vào lúc 9 giờ ngày 09/01/2014, ông Trần Tiến S ngụ tại Phường 3, Bình Thạnh nhận được điện thoại từ số máy 0439424244 của một người tự xưng là Cán bộ - Bộ Công an đang điều tra chuyên án có liên quan đến ông S và yêu cầu ông gửi 400 triệu đồng vào tài khoản số 060077595549. Ông S đã đến ngân hàng Sacombank số 159 Phan Xích Long Phường 7, Phú Nhuận gửi tiền vào số tài khoản trên. Sau khi chuyển tiền ông S phát hiện mình đã bị lừa nên trình báo Công an.
Vụ thứ 2: Ngày 14/2/2014, Cơ quan điều tra Công an quận Tân Bình nhận được đơn trình báo của bà Bùi Thị H ngụ tại Phường 12, Tân Bình về việc có đối tượng tự xưng là cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh đang thụ lý một đường dây ma túy xuyên quốc gia. Trong quá trình điều tra xác định bà H có tham gia đường dây ma túy nên đối tượng này đã yêu cầu bà H chuyển số tiền 400 triệu đồng vào một tài khoản của ngân hàng ACB chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Do sợ hãi nên bà H đã đến chi nhánh ngân hàng Phương Nam quận Tân Bình chuyển số tiền trên vào tài khoản của ngân hàng ACB. Sau khi về nhà bà H nghĩ mình bị lừa đảo nên đã trình báo sự việc với Công an.
Vụ thứ 3: Lúc 11 giờ ngày 20/2/2014, bà Lê Thị Th, ngụ tại Phường 11, Tân Bình nhận được cuộc điện thoại để bàn, người gọi tự xưng là cán bộ Công an TP Hà Nội nói rằng bà Th có liên quan đến vụ án Công an đang điều tra về Ngân Hàng ACB và bà là 1 trong 52 người liên quan đến vụ án này. Do vậy bà phải chuyển một số tiền vào tài khoản số 060077xxxxx do Nguyễn Thị Bích Diễm làm chủ tài khoản để Công an thẩm định. Bà Th đã đến ngân hàng ACB số 85-87 Xuân Hồng, P4, Tân Bình để chuyển 140 triệu đồng vào tài khoản theo hướng dẫn trên. Nghi ngờ mình bị lừa nên bà Th đến cơ quan Công an trình báo sự việc.
2. Thủ đoạn gọi điện thoại mạo danh cơ quan pháp luật để lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua Ngân hàng:
- Mạo danh các cơ quan pháp luật đe dọa những người cả tin để chiếm đoạt tài sản.
- Lợi dụng Công nghệ thông tin (chuyển mạng sang các số điện thoại của cơ quan pháp luật) tạo sự tin tưởng với người dân sau đó thực hiện hành vi đe dọa chiếm đoạt tài sản.
Biện pháp phòng ngừa:
- Cảnh giác khi nghe điện thoại của người lạ đặc biệt là người xưng cán bộ cơ quan pháp luật có yêu cầu xác minh, thu thập tiền, tài khoản trong các ngân hàng.
- Không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, số thẻ tín dụng cho người khác nều thấy không cần thiết.
- Trường hợp có người tự xưng là cán bộ Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đề nghị họ cho biết tên, nơi làm việc để trực tiếp liên hệ trao đổi với các cơ quan đó vì theo quy trình công tác của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát khi làm việc với đương sự phải có giấy mời ghi rõ họ tên, chức vụ cán bộ làm việc, ngày giờ, địa chỉ cơ quan làm việc, không được mời làm việc thông qua điện thoại.
- Cơ quan chức năng (Công an, Viện kiểm sát,…) khi cần tạm giữ đồ vật, tài sản phải có quyết định hoặc lập biên bản. Do đó, tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản theo đề nghị của đối tượng.
- Nếu nhận được cuộc gọi có nội dung nêu trên đề nghị ghi nhận lại: tên người gọi, chức danh, đơn vị, số điện thoại, nam hay nữ, giọng nói và báo ngay cho Công an phường hoặc số điện thoại 113.
Trước tình hình trên để ngăn chặn các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua ngân hàng, CATP yêu cầu Công an các quận, huyện tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại địa phương về các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua ngân hàng góp phần giữ gìn ANTT tại địa phương./.
CÔNG AN QUẬN 8, THÁNG 4 NĂM 2014