“HIỂU LUẬT ĐỂ SỐNG ĐÚNG”
Nội dung cơ bản Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo
Theo Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo được Chính phủ ban hành ngày 12/11/2013, thì hành vi sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng hát thật của người biểu diễn (hát nhép) hoặc cho âm thanh thật của nhạc cụ độc diễn và hành vi sử dụng trang phục hoặc hóa trang không phù hợp với mục đích, nội dung biểu diễn, trình diễn và thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam; biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang sau 12 giờ đêm đến 08 giờ sáng mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép… đều bị áp dụng mức phạt từ 5.000.000 – 10.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định cụ thể về việc xử phạt các hành vi vi phạm nếp sống văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng. Cụ thể như: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng - 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử văn hóa; phạt từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi; treo cờ Tổ quốc ở khu vực lễ hội không cao hơn, trang trọng hơn các cờ hội…; phạt từ 1.000.000 – 3.000.000 đồng đối hành vi viết, vẽ, làm bẩn hoặc làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật….; Đối với các hành vi vi phạm quy định về sản xuất phim, mức phạt tiền được quy định rất cao mang tính răn đe, cụ thể: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau: sản xuất phim có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, truyền bá tệ nạn xã hội, hủy hoại môi trường sinh thái, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam; cung cấp dịch vụ sản xuất phim hoặc hợp tác, liên doanh sản xuất phim mà không có giấy phép; sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; không thành lập Hội đồng thẩm định kịch bản, Hội đồng thẩm định phim, Hội đồng tư vấn lựa chọn dự án sản xuất phim, không tổ chức đấu thầu đối với sản xuất phim sử dụng ngân sách nàh nước theo quy định; Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất phim có nội dung đồi trụy. Tước quyền sử dụng giấy phép từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi chuyển nhượng giấy phép hợp tác, liên doanh sản xuất, cung cấp dịch vụ sản xuất phim.
Đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng chất kích thích trong tập luyện và thi đấu thể thao phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng chất kích thích thuộc Danh mục bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao; phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi bao che, tổ chức cho vận động viên sử dụng chất kích thích thuộc Danh mục bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao. Các hành vi kinh doanh trò chơi điện tử ở địa điểm cách trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông dưới 200m; kinh doanh karaoke và vũ trường cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, cơ quan hành chính Nhà nước dưới 200m; tổ chức kinh doanh trò chơi điện tử sau 10 giờ đêm đến 08 giờ sáng sẽ bị phạt từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng...
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014./.
Nội dung cơ bản Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan
Ngày 16 tháng 10 năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Theo Nghị định, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250.000.000 đồng, đối với tổ chức là 500.000.000 đồng.
Cụ thể, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện chế độ báo cáo về hoạt động đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kê khai không trung thực các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan; từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi biểu diễn tác phẩm thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả... Đặc biệt, phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng mà không được phép của chủ sở hữu quyền của tổ chức phát sóng; 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Đây là mức phạt dành cho hành vi vi phạm của cá nhân. Trong cùng một hành vi vi phạm, khung phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần khung phạt tiền đối với cá nhân.
Ngoài hình thức phạt tiền, cá nhân và tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc sửa lại đúng tên tác giả, tên tác phẩm, tên người biểu diễn; buộc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan;…
Về phân cấp thẩm quyền xử phạt, thanh tra viên văn hóa, thể thao và du lịch, chiến sỹ công an đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 500.000 đồng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền phạt đến 5.000.000 đồng; Giám đốc Công an cấp tỉnh, Chánh thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyền phạt tiền 50.000.000 đồng; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Bộ có quyền phạt tiền đến 175.000.000 đồng; Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền phạt đến 250.000.000 đồng;…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2013. Nghị định này thay thế Nghị định số 47/2009/NĐ-CP ngày 13/5/2009 và Nghị định số 109/2011/NĐ-CP ngày 02/12/2011 của Chính phủ./.
(Nguyễn Văn Dũng – Phòng Tư pháp Quận 8)
----------------