SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
2
7
6
5
4
7
8
Tin tức sự kiện 12 Tháng Mười Hai 2013 9:50:00 SA

Nghị định số 171/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt

Ngày 13/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 171/2013/NĐ-CP "Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt".

Theo đó, Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Nghị định 171/2013/NĐ-CP được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Người có thẩm quyền xử phạt; Cá nhân, tổ chức khác có liên quan.

Đối với thủ tục xử phạt đối với chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ, Nghị định quy định, trong trường hợp chủ phương tiện vi phạm có mặt tại nơi xảy ra vi phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt hành vi vi phạm hành chính theo các điểm, khoản tương ứng của Điều 30 Nghị định này.

Đối với trường hợp chủ phương tiện vi phạm không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm, Nghị định cho phép người có thẩm quyền xử phạt căn cứ vào hành vi vi phạm để lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện và tiến hành xử phạt theo quy định của pháp luật, người điều khiển phương tiện phải ký vào biên bản vi phạm hành chính với tư cách là người chứng kiến và được chấp hành quyết định xử phạt thay cho chủ phương tiện. Trường hợp người điều khiển phương tiện không chấp hành quyết định xử phạt thay cho chủ phương tiện thì người có thẩm quyền xử phạt tiến hành tạm giữ phương tiện để bảo đảm cho việc xử phạt đối với chủ phương tiện.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định thủ tục xử phạt đối với những hành vi vi phạm quy định tại Chương II của Nghị định 171/2013/NĐ-CP mà có đối tượng bị xử phạt là cả chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện hoặc nhân viên phục vụ trên xe vi phạm, trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện hoặc chủ phương tiện là nhân viên phục vụ trên xe vi phạm.

Theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP, nhìn chung mức phạt đối với người điều khiển xe máy vi phạm các quy tắc giao thông đường bộ sẽ không thay đổi so với quy định cũ tại Nghị định 71/2012/NĐ-CP.

Tuy nhiên một số hành vi vi phạm của người đi xe máy sẽ được giảm nhẹ mức phạt như: nhường đường không đúng quy định, không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông…

Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định một số hành vi vi phạm mới bị xử phạt như: Người điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, để người ngồi sau vòng tay ra trước lái xe (trừ trường hợp chở trẻ em)… sẽ bị phạt từ 100 - 200 ngàn đồng

Mức phạt đối với xe ô tô vi phạm nhìn chung cũng không thay đổi hoặc giảm nhẹ so với quy định cũ.

Việc giảm nhẹ mức phạt với đa số các hành vi sẽ được thực hiện từ ngày 01/01/2014, trừ một số hành vi như đỗ xe không đặt biển báo nguy hiểm theo quy định; không làm thủ tục sang tên xe theo đúng quy định… thì sẽ lùi thời hạn áp dụng từ 1-3 năm

Thay đổi lớn nhất trong Nghị định 171/2013/NĐ-CP liên quan đến quy định xử phạt xe không chính chủ, cụ thể Nghị định đã lùi thời hạn xử phạt với nội dung này và áp dụng với ôtô từ 01/01/2015 và môtô, xe máy từ 01/01/2017. Mức phạt với hành vi này cũng được thay đổi, thấp hơn Nghị định 71/2012/NĐ-CP. Theo đó, chủ ôtô khi mua, được tặng cho, được thừa kế… (không chính chủ) sẽ bị phạt từ 1-2 triệu đồng với cá nhân, 2-4 triệu đồng với tổ chức; tương tự, mức phạt cho việc không sang tên, đổi chủ xe máy là 100.000 - 200.000 đồng với cá nhân và 200.000- 400.000 đồng với tổ chức.

Nghị định 171/2013/NĐ-CP , từ 01/01/2014, mức phạt cho hành vi điều khiển ô tô chạy quá tốc độ trên 35km/h; đi ngược chiều trên đường cao tốc sẽ giảm còn từ 7-8 triệu đồng (hiện tại 8-10 triệu). Cùng nhóm với mức phạt này là hành vi điều khiển ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn quá 50 đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc quá 0,25 đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Đặc biệt, mức phạt người điều khiển ô tô chở khách không gắn hộp đen hoặc có gắn nhưng thiết bị không hoạt động đã giảm từ 2-3 triệu xuống còn 1-2 triệu đồng... Với người đi xe đạp, nếu đi không đúng phần đường quy định… mức phạt giảm còn 50.000 - 60.000 đồng.

Cũng theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (GPLX) 24 tháng (trong trường hợp có GPLX) hoặc phạt tiền từ 8-10 triệu đồng (trong trường hợp không có GPLX hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng). Mức phạt này với người lái xe máy, xe máy điện là 2-3 triệu đồng.

Nghị định 171/2013/NĐ-CP cũng quy định lái xe vận chuyển hàng trên xe không được chằng buộc chắc chắn; xếp hàng trên nóc buồng lái; xếp hàng làm lệch xe sẽ bị phạt tiền từ 300.000-400.000 đồng...

Các hành vi vi phạm bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng gồm: Chở hàng vượt trọng tải thiết kế từ 10% - 40% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn và từ 5% - 30% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên (kể cả rơ - moóc và sơ-mi rơ-moóc); chở người trên thùng xe trái quy định; để người ngồi trên mui xe, đu bám bên ngoài xe khi xe đang chạy; điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa không có hoặc không mang theo hợp đồng vận tải hoặc Giấy vận tải theo quy định, trừ xe taxi tải…

            Nghị định 171/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014, thay thế các Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Nghị định số 71/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Nghị định số 44/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt; Nghị định số 156/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt./.

 

(Nguyễn Văn Dũng – Phòng Tư pháp Quận 8)

 

 


Số lượt người xem: 10491    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm