Ngày 10/10/2013, Chính phủ ban hành Nghị định 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.
Nghị định số 121/2013/NĐ-CP được ban hành thay thế Nghị định số 23/2009/NĐ-CP nằm trong kế hoạch triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính theo Quyết định số 1473/QĐ-TTg ngày 05/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Mặt khác, Hệ thống pháp luật chuyên ngành điều chỉnh các hoạt động thuộc phạm vi quản lý nhà nước ngành Xây dựng hầu hết đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều quy định mới. Đặc biệt, trên thực tế phát sinh một số hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực xây dựng nhưng chưa được quy định tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP, một số hành vi vi phạm chưa được quy định cụ thể, thiếu tính khả thi.
Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động xây dựng là 1.000.000.000 đồng (1 tỷ đồng). Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở là 300.000.000 đồng.
Quy định hình thức xử phạt trong quản lý phát triển nhà ở, Nghị định nêu rõ, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Quảng cáo, viết, vẽ bên ngoài nhà ở trái quy định; chăn nuôi gia súc, gia cầm tại phần sở hữu chung hoặc phần sử dụng chung; chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khu vực thuộc sở hữu riêng hoặc sử dụng riêng làm ảnh hưởng đến trật tự, mỹ quan và môi trường sống của các hộ khác và khu vực công cộng.
Đối với một trong các hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư như: Xả rác thải, nước thải, khí thải, chất độc hại bừa bãi, gây thấm, dột, ô nhiễm môi trường; sử dụng kinh phí quản lý vận hành hoặc kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư không đúng quy định; sử dụng màu sắc sơn, trang trí mặt ngoài căn hộ, nhà chung cư trái quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 -20.000.000 đồng.
Ngoài ra, phạt tiền từ 50.000.000 – 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư như: Kinh doanh nhà hàng, karaoke, vũ trường; sửa chữa xe máy; kinh doanh gia súc, gia cầm; hoạt động giết mổ gia súc; Kinh doanh gas hoặc các vật liệu nổ, dễ cháy.
Hành vi tự ý cơi nới, chiếm dụng diện tích, không gian hoặc làm hư hỏng tài sản thuộc phần sở hữu chung hoặc phần sử dụng chung dưới mọi hình thức; đục phá, cải tạo, tháo dỡ kết cấu của phần sở hữu chung, phần sở hữu riêng hoặc phần sử dụng riêng; thay đổi phần kết cấu chịu lực, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị sử dụng chung, kiến trúc bên ngoài của nhà chung cư cũng bị phạt tiền từ 50.000.000 – 60.000.000 đồng.
Một số nội dung như: Các vi phạm quy định về khởi công xây dựng công trình (Điều 12, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP),vi phạm quy định về tổ chức thi công xây dựng (Điều 13, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP), vi phạm quy định về thi công xây dựng (Điều 27, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP) là những vi phạm thường xảy ra tại địa bàn và thuộc thẩm quyền xử phạt, xử lý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Ủy ban nhân dân cấp huyện;
Cơ sở pháp lý và một số vấn đề về nguyên tắc, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (Điều 60, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP);
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính (Điều 4 Nghị định 121/2013/NĐ-CP);
Trình tự, thủ tục xử lý, trong đó có trình tự, thủ tục xử lý khi phát hiện những công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng nhưng đủ điều kiện để cấp Giấy phép xây dựng (Khoản 2, Điều 12 Nghị định 180/2007/NĐ-CP).
Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định tại Điều 13: “Hành vi quy định tại Khoản 3, Khoản 5, Khoản 6 và điểm b Khoản 7 Điều này mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng”. Quy định tại Nghị định số 121/2009/NĐ-CP buộc nộp lại 50% giá trị phần sai phép, sai thiết kế, quy hoạch được duyệt… nhằm khắc phục những thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.
Thẩm quyền xử phạt hiện nay được tăng lên so với Nghị định số 23/2009/NĐ-CP, ví dụ: Chủ tịch UBND cấp xã trước đây được phạt tối đa đến 2.000.000 đồng, theo quy định của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, Chủ tịch UBND cấp xã được phạt tối đa đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức.
Bên cạnh đó, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP còn bổ sung thẩm quyền xử phạt của trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở được phạt tối đa đến 100.000.000 đồng đối với tổ chức; trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ được phạt tối đa đến 500.000.000 đồng (trong lĩnh vực hoạt động xây dựng), đến 210.000.000 đồng (trong các lĩnh vực: Kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở) đối với tổ chức.
Việc tăng thẩm quyền xử phạt cũng như bổ sung thẩm quyền xử phạt là phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhằm đảm bảo phù hợp với việc tăng mức phạt đối với từng hành vi vi phạm trong tình hình thực tế hiện nay.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 30/11/2013./.
(Nguyễn Văn Dũng – Phòng Tư pháp Quận 8)