Cách mạng là sự nghiệp vĩ đại, lâu dài và khó khăn, người làm cách mạng phải có cái căn bản là đạo đức thì mới hoàn thành sự nghiệp ấy. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài nói, bài viết nhằm giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, trong đó tác phẩm “Đạo đức cách mạng” viết năm 1958, với bút danh Trần Lực là tác phẩm được Bác viết sau khi miền Bắc giải phóng, trong tâm trạng thời bình, một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, nhận thức rõ những khó khăn của chặng đường phía trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm này.
Tác phẩm khẳng định vai trò quan trọng của đạo đức cách mạng, chỉ rõ kẻ thù, những nguy cơ của đạo đức cách mạng, đồng thời nêu rõ những biện pháp để ngăn ngừa và sửa chữa. Tác phẩm có 3 nội dung chính: vai trò của đạo đức cách mạng và kẻ thù của đạo đức cách mạng; nội dung cơ bản và những chuẩn mực của đạo đức cách mạng; rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân.
Nhận thức rõ cuộc đấu tranh giai cấp đầy cam go, khó khăn, Bác nói “làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ”, vì vậy đòi hỏi người làm cách mạng phải có đạo đức “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Đề cao vai trò của đạo đức cách mạng, Bác nhấn mạnh “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình. Khi cần thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc”.
Kẻ thù của đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân, Bác xếp chủ nghĩa cá nhân ngang hàng với chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc vì “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian xảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc” “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí … nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân” vì thế mà “chủ nghĩa cá nhân rất nguy hiểm, và đó là kẻ thù của đạo đức cách mạng.
Theo Bác, lời nói và việc làm của Đảng viên rất quan hệ đến sự nghiệp cách mạng, vì nó ảnh hưởng lớn đến quần chúng. Vì vậy, trong bất kỳ tình huống khó khăn nào, người cán bộ đảng viên cũng phải kiên quyết làm đúng chính sách và Nghị quyết của Đảng, gương mẫu trước quần chúng, nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng, phải ngăn ngừa và kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân. Đảng viên là người thay mặt Đảng, đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Vì vậy, lợi ích của người đảng viên phải ở trong chứ không thể ở ngoài lợi ích của Đảng, của giai cấp.
Bác chỉ ra những nội dung và chuẩn mực của đạo đức cách mạng là:
- Tuyệt đối trung thành với Đảng với nhân dân. Mỗi đảng viên phải xem đây là mục tiêu, lẽ sống ở đời và làm người của mình.
- Ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng.
- Vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc.
- Ra sức học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ.
- Hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng, tuyên truyền và động viên quần chúng hăng hái thực hiện chính sách và Nghị quyết của Đảng.
- Vô luận trong hoàn cảnh nào cũng kiên quyết đấu tranh chống mọi kẻ địch, bao gồm ba loại: Chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc; thói quen và truyền thống lạc hậu, tư tưởng tiểu tư sản; chủ nghĩa cá nhân dưới mọi hình thức.
Từ những phân tích trên, Bác chỉ cho chúng ta cách rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân đó là:
- Phải thường xuyên ra sức học tập Chủ nghĩa Mác – Lênin , tu dưỡng để tiến bộ mãi.
- Phải tự phê bình và phê bình một cách thật thà, nghiêm chỉnh.
Ở mỗi bước ngoặc quan trọng, Đảng ta tiến hành củng cố, xây dựng niềm tin nhằm làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Hiện nay, Đảng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI - một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng. Đây là thời điểm để các đảng viên tự phê bình và phê bình từ đó quyết tâm tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng. Mỗi đảng viên là một hạt nhân của Đảng, từng Đảng viên là một viên ngọc sáng thì tổ chức Đảng mới là một thành trì vững chắc.
Mỗi cán bộ, đảng viên đều phải nằm lòng lời dạy của Bác “Tuy năng lực và công việc của mỗi người khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ; nhưng ai giữ được đạo đức đều là người cao thượng”.
BAN TUYÊN GIÁO QUẬN ỦY