SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
2
7
6
4
6
8
9
Tin tức sự kiện 14 Tháng Mười Một 2013 1:50:00 CH

Nghị định 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định mới về xử phạt trong lĩnh vực hôn nhân gia đình

HIỂU LUẬT ĐỂ SỐNG ĐÚNG

 Nghị định 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định mới về xử phạt trong lĩnh vực hôn nhân gia đình

-------

                Từ ngày 11/11/2013, quy định mới về xử phạt trong lĩnh vực hôn nhân gia đình (theo Nghị định 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ) có hiệu lực.

Theo đó, hành vi môi giới kết hôn trái pháp luật bị phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng, là mức phạt cao nhất từ trước đến nay.

Nhiều người có thể giật mình vì mức phạt lần này cao hơn quy định cũ rất nhiều. Mức phạt cao nhằm nhắm đến những người có hiểu biết tìm cách lách luật để hưởng lợi.

Kể từ nay, những ai lợi dụng việc ly hôn để vi phạm chính sách, pháp luật về dân số kế hoạch hóa gia đình sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Quy định này ra đời xuất phát từ thực tế nhiều trường hợp đã có hai con rồi nhưng vì lý do nào đó (mới chỉ có con một bề là gái hoặc trai, muốn có đông con…) đã tìm cách sinh thêm con để không bị phạt. Nhiều cặp vợ chồng làm thủ tục ly hôn trên giấy tờ nhưng thực ra vẫn sống êm ấm. Sau khi làm thủ tục ly hôn, hai người lại tiếp tục có con chung với nhau rồi chờ khi đứa con ra đời họ làm thủ tục tái hôn. Như vậy họ vẫn có ba con hoặc nhiều hơn mà pháp luật không làm gì được bởi vì trong thời gian sau ly hôn, người phụ nữ đơn thân muốn có con với ai pháp luật không can thiệp.

Nếu lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản cũng bị phạt với mức cao từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Quy định này cũng xuất phát từ những bức xúc trên thực tế. Chẳng hạn người vợ mắc nợ, theo luật thì tài sản của người vợ trong khối tài sản chung của hai vợ chồng phải được đem ra để thanh toán nợ. Thế nhưng họ tìm cách né bằng cách làm thủ tục ly hôn, thỏa thuận tất cả tài sản thuộc về người chồng. Phần người vợ chẳng còn tài sản nào nên không có khả năng trả nợ, phải chờ đến khi người vợ tích lũy lại tài sản thì mới trả nợ được nhưng biết chờ đến bao giờ? Đáng nói là họ không hề ly hôn như trong giấy tờ. Nếu trước đây hành vi này không phạt được thì nay hành vi này sẽ bị xử phạt.

Cá nhân nào cố ý không đăng ký khai tử cho người chết để trục lợi sẽ bị phạt đến 10 triệu đồng. Người có trách nhiệm đăng ký khai tử là thân nhân của người chết, nếu người chết không có thân nhân thì chủ nhà hoặc người có trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc công tác trước khi chết đi khai tử. Thực tế cho thấy có những trường hợp cố tình không khai tử cho người chết để tiếp tục hưởng những lợi ích kinh tế như chế độ hưu trí và các chế độ chính sách khác. Hành vi này các cơ quan chức năng dễ nhận diện. Chẳng hạn anh A. và chị B. là hai anh em. Chị B. là người câm điếc bẩm sinh. Nếu anh A. đăng ký làm giám hộ cho chị B. thì hằng tháng anh A. sẽ thay mặt chị B. nhận một khoản tiền do Nhà nước hỗ trợ. Thế nhưng khi chị B. mất đi, anh A. vẫn không đăng ký khai tử mà vẫn đi ký nhận khoản tiền hỗ trợ này, hành vi này sẽ bị xử phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, cá nhân đăng ký khai tử cho người đang sống nhằm mục đích trục lợi cũng bị nâng mức phạt lên từ 5 triệu đến 10 triệu đồng (so với trước đây là từ 500.000 đến 1 triệu đồng). Chẳng hạn một người đi làm ăn xa bị người thân làm thủ tục đăng ký khai tử (trong khi bản thân anh ta cũng không biết là mình bị khai tử) để hưởng tài sản của người này theo thủ tục hưởng di sản thừa kế.

Sử dụng giấy tờ giả để làm khai sinh bị phạt đến 3 triệu đồng. Thực tế có những trường hợp một người sinh con xong rồi cho hoặc bán con cho người khác nuôi. Khi làm giấy khai sinh thì mẹ đứa trẻ là người có giấy chứng sinh sinh ra bé. Tuy nhiên, người mẹ nuôi đó lại muốn xóa hết gốc tích cũ của đứa con và có thể sử dụng giấy chứng sinh giả để được ghi tên mình trên giấy khai sinh của con…Hành vi sử dụng giấy tờ giả để làm thủ tục đăng ký khai sinh sẽ bị phạt từ 1 triệu đến 3 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả của hành vi này là hủy bỏ giấy tờ giả. Mức phạt này cũng dành cho các hành vi như làm chứng sai sự thật về việc sinh, cố ý khai không đúng sự thật về nội dung khai sinh.

Hành vi ngoại tình (vi phạm chế độ một vợ một chồng) gây hậu quả nghiêm trọng (hoặc đã bị xử lý hành chính rồi mà còn vi phạm) thì bị xử lý hình sự chứ không còn dừng ở việc xử phạt hành chính nữa. Hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp này theo Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC là “làm cho gia đình của một hoặc hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát”./.

 

(Nguyễn Văn Dũng – (Phòng Tư pháp Quận 8)

 


Số lượt người xem: 3634    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm