Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Bác là một tác phẩm rất quan trọng, được Bác viết năm 1947, là tài liệu cho cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện, tu dưỡng trên các mặt tư tưởng, đạo đức và phương pháp làm việc. Tác phẩm đề cập đến các vấn đề quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng về tư tưởng, tổ chức, phương thức, phương pháp lãnh đạo và công tác quần chúng của Đảng trong điều kiện đất nước thực hiện kháng chiến, kiến quốc.
Tác phẩm có 6 mục chính, trong đó mục V “Cách lãnh đạo”, Bác đề cập đến các vấn đề về cách thức lãnh đạo, chỉ ra phương pháp trong quá trình lãnh đạo, phần này có ba vấn đề chính là: Lãnh đạo và kiểm soát; lãnh đạo thế nào?; học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng.
Về lãnh đạo và kiểm soát: Bao giờ Bác cũng khẳng định một điều lãnh đạo phải gắn liền với học hỏi kinh nghiệm của quần chúng, Bác nói “Chẳng những phải lãnh đạo quần chúng, mà lại phải học hỏi quần chúng” bởi vì “sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn”. Vì vậy, “ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình”. Bởi thế “một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta và dân chúng”… “Phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người không quan trọng”.
Về phương pháp lãnh đạo: Theo Bác bất kỳ công việc gì, cũng phải dùng hai cách lãnh đạo sau đây: một là liên hợp chính sách chung với sự chỉ đạo riêng. Tức là công tác lãnh đạo phải tuân thủ sự thống nhất, đồng thời sáng tạo vận dụng; hai là liên hợp người lãnh đạo với quần chúng, vì bất kỳ nơi nào cũng có những người hăng hái, chúng ta phải biết đưa họ vào “nhóm trung kiên” để làm nồng cốt “kéo” những quần chúng khác cùng tiến lên.
Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng: Học hỏi quần chúng nghĩa là học kinh nghiệm, hiểu quần chúng, bàn bạc giải thích để có được sự đồng tình của quần chúng. Bác chỉ ra có 2 cách làm việc với dân chúng là làm việc theo cách quan liêu và làm việc theo cách quần chúng. “Làm việc theo cách quần chúng là cái gì cũng hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ, được dân chúng đồng ý. Do dân chúng ra sức làm”. Muốn như vậy, cán bộ, đảng viên phải nêu cao trách nhiệm trước quần chúng, phải nhận thức đầy đủ về sức mạnh của quần chúng.
Chúng ta thấy rằng, trên thực tế không có người lãnh đạo giỏi nào hay một chính sách hợp lòng dân nào mà không bắt đầu từ thực tiễn trong dân chúng, chính trong dân chúng đặt ra những vấn đề thực tiễn, rồi cũng chính dân chúng quyết định giải quyết vấn đề ấy như thế nào. Nếu như những chủ trương, chính sách ra đời mà không xuất phát từ thực tiễn, không phù hợp với ý nguyện chính đáng của dân chúng, thì sẽ gặp sự phản ứng hoặc sẽ không thực hiện đạt hiệu quả vì dân chúng làm theo kiểu gượng ép. Vì vậy mà chúng ta phải vận động quần chúng tham gia vào các khâu trong công tác lãnh đạo, đó là ra quyết định, tổ chức lãnh đạo và kiểm tra. Ở đây người dân không phải trực tiếp ra quyết định mà gián tiếp bằng cách đóng góp những ý kiến của mình cho Đảng, chính quyền, gương mẫu thực hiện và giám sát quá trình thực hiện của Chính quyền, có như vậy, chính sách đề ra mới được thực hiện và kiểm soát tốt.
Bác đã chỉ cho chúng ta thấy, một trong những cách lãnh đạo hay nhất chính là nêu gương, ở đây là nêu gương trong phong cách lãnh đạo phải gần dân, hiểu dân và tôn trọng ý kiến của nhân dân, người lãnh đạo gương mẫu sẽ thu hút được dân chúng thực hiện theo những chủ trương, chính sách mình đề ra.
Các chủ trương chính sách muốn được sự đồng thuận trong nhân dân phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của dân. Do đó, việc tổ chức lấy ý kiến góp ý của dân “lắng nghe dân”, “đối thoại với dân”…là phong cách quần chúng mà mọi cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên phải rèn luyện.
Thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 101-QĐ/TW về Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Trong đó, người cán bộ, đảng viên ngoài việc kiên định lập trường chính trị, còn phải nêu gương về đức khiêm tốn, giản dị, tác phong sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng, trước hết trong tổ chức, cơ quan, đơn vị và nơi cư trú; là tấm gương tự phê bình và phê bình; gương mẫu thực hiện nghĩa vụ nơi cư trú …
Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp muốn thực hiện tốt những quy định về trách nhiệm nêu gương, cần nắm vững những tư tưởng, quan điểm của Bác về “cách lãnh đạo” trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Tùy tình hình thực tiễn tại địa phương, cơ quan, đơn vị mà đề ra biện pháp, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, hạn chế, nâng cao vai trò chất lượng lãnh đạo của tổ chức đảng và đảng viên./.
BAN TUYÊN GIÁO QUẬN ỦY