“HIỂU LUẬT ĐỂ SỐNG ĐÚNG”
Nhân tuần lễ hưởng ứng “NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM” (03/11/2013 - 09/11/2013)
---------
Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để đảm bảo đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.
-----
Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, một trong những nhiệm vụ cấp bách được Hồ Chủ tịch đưa ra tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 03/9/1945 là xây dựng Hiến pháp. Người viết: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ”.
Thực hiện nhiệm vụ đó, ngày 9.11.1946, tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa I, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Hiến pháp năm 1946. Đánh giá về ý nghĩa của việc ban hành bản Hiến pháp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói:“đây là bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà... là một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông... Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập,… dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do… Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”.
Kể từ bản Hiến pháp đầu tiên đó cho đến nay, nước ta đã ban hành mới ba bản Hiến pháp nữa, đó là Hiến pháp năm 1959 – Hiến pháp của thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam; Hiến pháp năm 1980 – Hiến pháp của nước Việt Nam thống nhất, cả nước đi lên CNXH và Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ Đổi mới; đồng thời, cũng đã 4 lần các bản Hiến pháp này được sửa đổi, bổ sung vào các năm 1957, 1988, 1989 và năm 2001.
Trải qua hơn 60 năm lịch sử lập hiến với tổng cộng 8 lần ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đã cho thấy, hoạt động lập hiến không chỉ dừng lại ở thẩm quyền hiến định cho Quốc hội mà đã trở thành sự kiện trọng đại mang tính lịch sử của đất nước, một cơ hội sinh hoạt chính trị dân chủ sâu rộng của toàn dân. Mỗi sự thay đổi của Hiến pháp đều mang một ý nghĩa lịch sử sâu sắc, đánh dấu sự “chuyển mình” của cả dân tộc để bước sang một giai đoạn phát triển mới ở một tầm cao mới.
Lịch sử lập hiến nước nhà cũng đã cho thấy, để thực hiện tốt các sự kiện trọng đại mang tính lịch sử quốc gia đó, tất yếu cần phải chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, toàn diện và theo một quy trình, thủ tục đặc biệt. Trong đó, tổng kết việc thi hành Hiếp pháp là một trong các hoạt động quan trọng, không thể thiếu trong quy trình lập hiến của nước ta. Qua các lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, nhất là khi sửa đổi Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, công tác tổng kết việc thi hành Hiến pháp luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và được tiến hành đồng bộ với quy mô, phạm vi rộng, số lượng tham gia đông đảo của cán bộ và nhân dân ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.
Hiến pháp hiện hành năm 1992 của nước ta sau lần sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25.12.2001, tính đến nay đã trải qua hơn 10 năm thi hành. Trong khoảng thời gian đó, với ý nghĩa là Hiến pháp thực hiện công cuộc đổi mới trong thời kỳ quá độ lên CNXH, các quy định của Hiến pháp năm 1992 đã phát huy hiệu lực, hiệu quả, góp phần to lớn vào thành công của sự nghiệp đổi mới.
Hiến pháp năm 1992 được ban hành trong bối cảnh những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) đề ra và để thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991. Hiến pháp năm 1992 đã tạo cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới. Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Đến nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững đất nước trong giai đoạn cách mạng mới nhằm xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy, cần sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để đảm bảo đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.
1. Để đạt được mục tiêu này, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phải đáp ứng các yêu cầu đó là:
Thứ nhất, tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn những nội dung cơ bản có tính bản chất của chế độ ta đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992 về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Thứ hai, thể chế hóa kịp thời những quan điểm, chủ trương lớn được nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đảng.
Thứ ba, hoàn thiện kỹ thuật lập hiến, bảo đảm để Hiến pháp thực sự là đạo luật cơ bản, có tính ổn định, lâu dài.
2. Quan điểm sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phải dựa trên các quan điểm cơ bản sau đây:
- Phải dựa trên cơ sở tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật có liên quan; căn cứ vào định hướng, nội dung của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đảng; kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và của các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp; sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết, những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có đủ cơ sở, nhận được sự thống nhất cao và phù hợp với tình hình mới.
- Tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 1992. Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
- Khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
- Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị, vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân; thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
- Sửa đổi Hiến pháp là công việc hệ trọng nên phải tiến hành chặt chẽ, khoa học dưói sự lãnh đạo của Đảng; bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và các cơ quan, tổ chức; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm đúng định hướng, không để các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng để chống phá, xuyên tạc trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
Tóm lại, nhiều vấn đề hết sức quan trọng của đời sống kinh tế - xã hội có liên quan đến nội dung của Hiến pháp đang được thực tiễn đặt ra cần phải giải quyết như các vấn đề về hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, trong đó có việc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực; tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; cải cách hành chính; cải cách tư pháp; xây dựng chính quyền địa phương; tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của Cách mạng Việt Nam…
Theo quy định tại Điều 8 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2013, ngày 09 tháng 11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngày Pháp luật). Ngày Pháp luật được tổ chức, nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.
Năm 2013 là năm đầu tiên tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật trong phạm vi toàn quốc và cũng là năm ghi nhận một sự kiện rất quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, đó là việc toàn dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp (sửa đổi) của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế. Do đó, việc tổ chức Ngày Pháp luật năm 2013 cần thực sự trở thành sự tiếp nối đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng nêu trên, nhằm phát huy ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong thực hành “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
(Nguyễn Văn Dũng – Phòng Tư pháp Quận 8)