“HIỂU LUẬT ĐỂ SỐNG ĐÚNG”
Những điểm nổi bật của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính
Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012. Đây là văn bản pháp luật quan trọng có tác động sâu rộng đối với toàn xã hội. Luật này có hiệu lực thi hành từ 01/7/2013. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính. Nghị định gồm có 3 chương, 34 điều:
1. Chương I (từ Điều 1 đến Điều 18) Quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Đáng chú ý là các nội dung sau đây:
- Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là cá nhân, tổ chức quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ được giao, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Đối với hình thức nộp tiền phạt, Nghị định quy định rõ cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện việc nộp tiền phạt theo một trong các hình thức sau: Nộp trực tiếp tại Kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt được ghi trong quyết định xử phạt; Nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt; Nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Khoản 1 Điều 56, Khoản 2 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính, …Trường hợp cá nhân đề nghị hoãn thi hành quyết định phạt tiền hoặc cá nhân, tổ chức đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định tại Điều 76 và Điều 79 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì phải có đơn đề nghị gửi người đã ra quyết định xử phạt trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.
- Nghị định cũng quy định: Khi tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên, trường hợp không xác định được chính xác tuổi để áp dụng hình thức xử phạt, thì người có thẩm quyền xử phạt lựa chọn áp dụng hình thức xử phạt có lợi nhất cho người vi phạm.
Theo đó, tuổi của đối tượng được căn cứ theo giấy khai sinh của đối tượng. Trong trường hợp không có giấy khai sinh hoặc không thể xác định chính xác ngày, tháng, năm sinh trong giấy khai sinh, thì căn cứ vào CMND, hộ chiếu, sổ hộ khẩu hoặc các giấy tờ khác được cơ quan có thẩm quyền cấp có ghi rõ ngày, tháng, năm sinh.
Nếu cũng không có các loại giấy tờ trên thì căn cứ vào sổ hộ tịch hoặc các giấy tờ, sổ sách, tài liệu khác của cơ quan nhà nước có liên quan để xác định độ tuổi của đối tượng. Nếu ngày sinh trong các giấy tờ trên không được thống nhất thì xác định ngày sinh trong giấy tờ theo hướng có lợi nhất cho đối tượng.
Trường hợp các loại giấy tờ trên không ghi rõ ngày, tháng, năm sinh thì việc xác định ngày tháng năm sinh được tính như sau:
+ Nếu xác định được tháng nhưng không biết ngày thì lấy ngày cuối cùng trong tháng đó làm ngày sinh;
+ Nếu xác định được quý nhưng không biết được ngày tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quy đó là ngày sinh;
+ Nếu xác định được nửa đầu năm mà không biết được ngày tháng thì lấy ngày 30/6 là ngày sinh;
+ Nếu xác định được nửa cuối năm mà không biết được ngày tháng thì lấy ngày 31/12 là ngày sinh;
+ Nếu xác định được năm cụ thể mà không biết được ngày tháng thì lấy ngày 31/12 năm đó làm ngày sinh.
Trước khi quyết định xử phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt hành chính phải xem xét các điều kiện áp dụng biện pháp nhắc nhở quy định tại Điều 139 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 15 của Nghị định này. Chỉ ra quyết định xử phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên khi không đủ các điều kiện áp dụng biện pháp nhắc nhở.
Việc quy định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm phải trên cơ sở các căn cứ sau đây:
- Vi phạm nghiêm trọng được thực hiện do lỗi cố ý;
- Vật, tiền, hàng hóa, phương tiện là tang vật trực tiếp của vi phạm hoặc được trực tiếp sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm, mà nếu không có vật, tiền, hàng hóa, phương tiện này, thì không thể thực hiện được hành vi vi phạm.
Trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm là ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, vật thuộc loại cấm lưu hành, thì phải quy định tịch thu.
2. Chương II (từ Điều 19 đến Điều 30) Quy định quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính, quy định nội dung quản lý nhà nước về thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính, theo đó:
- Ở Trung ương, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính, có các nhiệm vụ và quyền hạn: Xây dựng, hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Hướng dẫn pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc theo đề nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương; …
- Ở địa phương, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm: Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo hoặc Bộ Tư pháp nghiên cứu xử lý khi phát hiện các quy định về xử lý vi phạm hành chính không khả thi, không phù hợp với thực tiễn hoặc chồng chéo, mâu thuẫn; Thực hiện các nhiệm vụ thống kê trong phạm vi quản lý của địa phương; Phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của địa phương; Thực hiện kiểm tra liên ngành về tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính; …
- Nghị định cũng quy định Phòng Tư pháp, Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh thực hiện công tác báo cáo tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại địa phương.
3. Chương III (từ Điều 31 đến Điều 34) quy định về Điều khoản thi hành, theo đó ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục về mẫu biên bản và mẫu quyết định để sử dụng trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/7/2013 và thay thế Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008; Nghị định số 124/2005/NĐ-CP ngày 6 tháng 10 năm 2005 quy định về biên lai thu tiền phạt và quản lý, sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính./.
(Nguyễn Văn Dũng – Phòng Tư pháp Quận 8)