1. Virút cúm A (H7N9) là gì?
Họ virút A H7 là nhóm virút thường chỉ lan truyền giữa các loài gia cầm. Virút H7N9 là một loại trong số này. Một số virút H7 như H7N2, H7N3 và H7N7 trong một số trường hợp lây nhiễm sang người, nhưng từ trước đến nay chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm H7N9; mãi cho đến khi có tin về các bệnh nhân tại trung Quốc.
2. Triệu chứng chính khi bị lây nhiễm H7N9 là gì?
Đến nay, hầu hết các bệnh nhân bị nhiễm H7N9 bị viêm phổi nặng. Các triệu chứng bao gồm sốt, ho và khó thở. Tuy nhiên, thông tin về các bệnh mà virút H7N9 có thể gây ra vẫn còn hạn chế.
3. Vì sao virút này lại lây nhiễm sang người?
Chúng tôi chưa thể trả lời cho câu hỏi này vì chúng tôi vẫn chưa biết chính xác nguồn tiếp xúc dẫn đến lây nhiễm. Tuy nhiên, các phân tích gen của virút cho thấy loại virút này đã tiến hòa từ những virút hoạt động trong gia cầm để thích nghi và phát triển trong các loài động vật có vú. Những thích nghi này như khả năng kết hợp với tế bào và phát triển ở thân nhiệt bình thường của động vật có vú (thường thấp hơn loài gia cầm).
4. Vì sao con người bị nhiễm H7N9?
Một số trường hợp nhiễm bệnh đã tiếp xúc với động vật hoặc môi trường sống của động vật. Virút này đã được tìm thấy trong một con chim bồ câu tại một khu chợ ở Thượng Hải. Hiện vẫn chưa rõ những cách thức lây nhiễm của virút. Khả thi nhất là từ lây lan giữa động vật sang người và phương án này đang được điều tra, cũng như phương án truyền nhiễm từ người sang người.
5. Làm sao ngăn ngừa việc bị nhiễm H7N9?
Mặc dù cả nguồn bệnh và phương thức truyền dẫn đều chưa xác định chắc chắn, nhưng nên tuân thủ những thói quen vệ sinh cơ bản để ngăn ngừa nhiễm trùng như vệ sinh tay và hệ hô hấp, thực hiện an toàn thực phẩm.
6. Việc ăn thịt như thịt gia cầm hoặc thịt động vật có an toàn?
Virút cúm không thể truyền nhiễm qua đường ăn uống thực phẩm đã nấu chín. Vì nhiệt độ cao khi nấu thức ăn khiến virút không thể hoạt động. Do vậy việc tiêu thụ những loại thịt được chế biến và nấu chín, dù là gia cầm hay động vật, là một phương thức an toàn.
Không nên ăn động vật bị bệnh hoặc chết vì mắc bệnh.
Tại vùng đang có dịch vẫn có thể ăn thịt an toàn nếu chúng được chế biến kỹ và nấu chín. Ăn thịt sống hoặc huyết chưa qua nấu chín có thể gặp nguy cơ cao.
7. Hiện đã có vắcxin cho H7N9 chưa?
Hiện tại chưa có vắcxin nào. Tuy nhiên, từ một số trường hợp ban đầu mà WHO đã phân tích được đặc điểm của chúng. Bước đầu tiên trong quá trình sản xuất vắcxin là lựa chọn virút mẫu có thể dùng làm vắcxin. WHO đang hợp tác với các đối tác để phân tích các đặc tính của H7N9 để tìm ra virút mẫu thích hợp nhất. Sau đó nếu cần thiết thì virút này sẽ được đưa vào sản xuất làm vắcxin.
(Trích lược theo Tuổi trẻ Online dịch từ tài liệu của WHO)