Sinh ra trong một gia đình nông dân tại làng Mỹ Hòa Hưng - trên quê hương An Giang giàu truyền thống cách mạng, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã đến với giai cấp công nhân ngay khi còn là một người thợ học việc ở Trường Kỹ nghệ Sài Gòn và Hải quân công xưởng Ba Son. Chính trong khoảng thời gian này, được trui rèn cuộc sống của giai cấp công nhân và truyền thống đấu tranh quật cường của dân tộc, người thợ máy quê hương miền Tây Nam bộ đã tham gia tổ chức và lãnh đạo nhiều cuộc bãi công của học sinh trường Bách Nghệ và công nhân Ba Son – Sài Gòn thời bấy giờ.
Từ khi rời quê hương để bắt đầu cuộc đời người thợ đến khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã trải qua những thử thách vô cùng gian khổ: đồng chí đã tham gia vào sự kiện binh biến Bắc Hải, tham gia sáng lập Công hội đỏ tại Sài Gòn, bị thực dân Pháp đày ra nhà tù Côn Đảo.
Sớm đến với Đảng và hoạt động tích cực trong phong trào công nhân công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là lớp chiến sĩ cách mạng đầu tiên đứng vào hàng ngũ tiên phong trong phong trào yêu nước của giai cấp công nhân Việt Nam.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, trở về từ nhà tù Côn Đảo, Bác Tôn kính yêu của chúng ta đã tham gia cuộc kháng chiến của nhân dân Nam bộ chống thực dân Pháp tái xâm lược, Bác được phân công phụ trách Ủy ban kháng chiến kiêm Chỉ huy các lực lượng vũ trang Nam bộ. Đầu năm 1946, Người được phân công về Việt Bắc hoạt động cùng với Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội lần thứ II của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1951.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, Người được giao giữ trọng trách là Phó Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch Nước trong 11 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Dù ở cương vị nào, Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng hết lòng tận tụy vì dân, vì nước!
Ngày 30/3/1980, Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính yêu đã vĩnh biệt chúng ta trong niềm tiếc thương vô hạn của toàn Đảng và toàn dân ta. Trong cả cuộc đời của mình, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã dành gần 70 năm hoạt động quên mình cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng, cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Với những đóng góp to lớn như trên, đồng chí đã được bầu là Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, được Nhà nước Liên Xô tặng Huân chương Lênin - Huân chương cao quý nhất của Liên Xô - đồng chí là người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng Lênin "Vì Hòa bình và Hữu nghị của các dân tộc", là người đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cùng với nhiều huân chương cao quý khác của các nước và các tổ chức quốc tế.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy, về tinh thần anh dũng, bất khuất, về đức tính khiêm tốn, giản dị; cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Tôn là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phẩm chất cách mạng trung dũng, kiên cường và phong cách tiên phong, bất khuất của giai cấp công nhân Việt Nam, dân tộc Việt Nam và của những người cộng sản Việt Nam. Chúng ta luôn tự hào về sự nghiệp và đạo đức cách mạng sáng ngời của Bác Tôn và nguyện suốt đời phấn đấu noi theo tấm gương trong sáng của Người.
(Diễm Nhi - VP.UBND Quận 8)