Hiện nay bên cạnh việc tham gia góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhân dân cả nước cũng tham gia góp ý cho dự thảo sửa đổi Luật Đất đai năm 2003. Trong đó tại Khoản 1, Điều 12, Mục 1, Chương 2 Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai có ghi “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”.
Vậy vì sao phải thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước đại diện chủ sở hữu? Xin nêu một số vấn đề như sau:
1. Không thể thực hiện sở hữu tư nhân đất đai.
Sở hữu tư nhân đất đai trong điều kiện nước ta hiện nay có nguy cơ dẫn đến một số hệ lụy mà chúng ta không mong muốn:
- Một là, trong điều kiện nước ta đang thực hiện quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, việc thiết lập chế độ sở hữu tư nhân về đất đai là một yếu tố cản trở đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vì, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đòi hỏi chuyển một diện tích đất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Sở hữu tư nhân đất đai sẽ đặt nhà đầu tư vào chỗ phải thỏa thuận với quá nhiều người dân, chỉ một người không đồng ý với phương án chung là kế hoạch đầu tư khó triển khai thực hiện. Việc người dân ra giá đến 1 tỷ đồng cho 1m2 đất ở trung tâm Hà Nội đã là minh chứng đầy thuyết phục cho lo ngại này. Mặt khác, những người tư hữu riêng lẻ cũng khó có điều kiện thỏa thuận với nhà đầu tư theo giá có lợi cho họ. Kết quả là sở hữu tư nhân đất đai vừa cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vừa không có cơ chế bảo vệ được lợi ích của nhà đầu tư và của chính người dân.
- Hai là, sở hữu tư nhân đất đai sẽ dẫn đến kết quả không mong muốn là tập trung đất đai trong tay một số người có nhiều tiền, dẫn đến có người sở hữu quá nhiều đất, có người lại không có một tấc đất. Rất dễ thấy điều này thông qua các minh chứng trong lịch sử. Với chế độ sở hữu tư nhân về đất đai, người sở hữu đất có quyền đối xử với đất như đối với tài sản riêng, có quyền mua bán, chuyển nhượng, bỏ hoang không sử dụng, cũng như chuyển mục đích sử dụng. Không ai có quyền thu hồi, sử dụng đất của người khác nếu không được chủ đất cho phép. Do đất là tài sản riêng nên người dân có quyền định đoạt nó như hàng hóa trên thị trường bất động sản. Lợi dụng khó khăn hoặc kém hiểu biết của nông dân, một bộ phận người có nhiều tiền có thể thu gom đất đai để trở thành địa chủ. Điều này đã diễn ra trong cải cách ruộng đất của chế độ Mỹ - Diệm những năm 60 của thế kỷ XX ở miền Nam nước ta. Ngay cả ở giai đoạn hiện nay, nếu duy trì phổ biến sở hữu tư nhân về đất đai cũng sẽ dẫn đến tình trạng người có nhiều tiền thu gom đất đai và chỉ sử dụng đất vì mục đích cá nhân như làm trang trại để nghỉ ngơi, giải trí, cho thuê nhằm kiếm lời… Đây sẽ là nguyên nhân dẫn đến một bộ phận nông dân đói nghèo vì không có đất. Chúng ta không bao giờ lại muốn: làm cách mạng bao nhiêu năm để rồi đưa người nông dân Việt Nam trở về chế độ nông nô - địa chủ như trước kia. Nếu sự tích tụ, tập trung đất vào tay một ít người, thì bao nhiêu năm nữa chúng ta mới có thể giải quyết hết hậu quả những người nông dân không có đất, không còn kế sinh nhai, khi đa phần đất nông nghiệp được chuyển giao theo con đường sở hữu tư nhân cho một số người?
- Ba là, trong chế độ sở hữu tư nhân về đất đai, không ai có quyền ngăn cản người chủ đất sử dụng đất theo ý họ, vì đất là tài sản riêng của họ. Lý do này còn khiến đất đai có xu hướng được sử dụng không hiệu quả, không vì mục đích sinh tồn của đa số dân cư. Với quan niệm rằng, mưu sinh là quyền của tất cả mọi người, do đó, ngay cả khi việc sử dụng đất chưa được hiệu quả như chúng ta mong muốn, nhưng nó giúp cho nhiều người nông dân sinh sống thì giao đất cho nông dân như hiện nay còn tốt hơn vạn lần chế độ sở hữu tư nhân về đất đai khiến đất đai trở thành phương tiện giữ của hay tiêu khiển của người giàu. Còn nhớ dưới thời phát xít Nhật chiếm đóng nước ta, bắt dân ta nhổ lúa trồng đay đã dẫn đến bao nhiêu người nông dân bị chết đói. Trong những năm vừa qua, khi Nhà nước cho phép người có quyền sử dụng đất chuyển nhượng quyền này, nhiều gia đình dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long đã vì khó khăn, vì tham lời trước mắt mà bán đất trở nên nghèo đói khiến Nhà nước phải cứu trợ bằng cách giao đất khác cho họ tiến hành sản xuất. Nếu đất đai thuộc sở hữu tư nhân, khi nhiều hộ nông dân nghèo mất đất, Nhà nước muốn mua lại đất để giao cho họ, liệu có thể thực hiện được không?
2. Sự phù hợp của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trong điều kiện lịch sử cụ thể nước ta hiện nay
Trong điều kiện lịch sử - cụ thể của nước ta, đất đai không chỉ là một phạm trù kinh tế, mà còn thuộc phạm trù chính trị - xã hội, an ninh - quốc phòng; đất đai là nguồn lực cho sự phát triển đất nước…
Việc thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai dựa trên những căn cứ lịch sử khách quan sau đây:
- Thứ nhất, xuất phát từ lập trường “Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”, thì nhân dân phải là chủ sở hữu đối với đất đai. Đất đai là thành quả của sự nghiệp giữ nước và dựng nước lâu dài của cả dân tộc, không thể để cho một số người nào đó có quyền độc chiếm sở hữu. Đất đai của quốc gia, dân tộc phải thuộc sở hữu chung của toàn dân và được sử dụng phục vụ cho mục đích chung của toàn dân tộc, của nhân dân.
- Thứ hai, sở hữu toàn dân tạo điều kiện để những người lao động có điều kiện tiếp cận đất đai tự do. Xã hội chủ nghĩa dựa trên nền tảng coi trọng lao động, rằng lao động tạo ra xã hội loài người, tạo ra của cải và tạo ra cuộc sống ngày càng tốt hơn cho con người theo nghĩa nhân văn. Chính vì thế lao động là vinh quang, ai không lao động mà sử dụng của cải một cách bất hợp pháp do người khác làm ra là phi đạo đức.
- Thứ ba, sở hữu toàn dân về đất đai ít ra cũng cho ta cơ chế để người lao động có quyền hưởng lợi ích từ đất đai một cách có lợi hơn, công bằng hơn và bình đẳng hơn. Bởi vì sở hữu toàn dân là sở hữu chung của người Việt Nam, hiểu theo nghĩa người Việt Nam là công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cộng đồng gần 90 triệu người dân Việt Nam phải là những chủ nhân của đất đai trên lãnh thổ Việt Nam.
- Thứ tư, về bản chất, sở hữu toàn dân về đất đai không phải là nguồn gốc của thực tế phức tạp hiện nay về đất đai. Luật Đất đai năm 2003 và phương thức Nhà nước thực hiện Luật Đất đai năm 2003 có nhiều điểm chưa hợp lý cần phải khắc phục. Vấn đề gây bức xúc nhất hiện nay ở nước ta là ở chất lượng, thái độ thực thi Luật Đất đai của cơ quan và công chức nhà nước chưa tốt, tồn tại quá nhiều trường hợp lạm dụng quyền lực công phục vụ cho mục tiêu riêng của cá nhân, của gia đình, của nhóm lợi ích. Không khó để tìm ra những trường hợp cơ quan nhà nước thu hồi đất của dân không đúng đắn (Tiên Lãng là một ví dụ). Sự giàu có bất thường của các đại gia kinh doanh bất động sản trong nửa đầu thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI ở nước ta, mức chênh lệch quá lớn giữa giá đất đô thị trong các dự án chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất đô thị và giá đền bù cho người nông dân… là những bằng chứng hiển nhiên về phân chia lợi ích từ đất không có lợi cho người dân có quyền sử dụng đất khi bị thu hồi. Tình trạng quy hoạch bị điều chỉnh tùy tiện, quy hoạch treo, tình trạng đất thu hồi bị bỏ hoang còn người mất đất lâm vào tình trạng thất nghiệp, khó khăn… cho thấy quản lý của Nhà nước chưa tương xứng với yêu cầu cần phải có trong chế độ sở hữu toàn dân. Chỉ có thể giải quyết tốt các vấn đề này bằng đẩy mạnh cải cách trong các cơ quan nhà nước, minh bạch hóa, công khai hóa cơ chế quản lý, sử dụng đất đai; xiết chặt kỷ luật và trách nhiệm của công chức và chuyển giao cho người dân những quyền mà người sử dụng đất thực thi có lợi hơn cơ quan nhà nước. Một số những việc cần phải làm là hạn chế quyền thu hồi đất một cách tùy tiện của cơ quan nhà nước.
- Thứ năm, sở hữu toàn dân không phải là sở hữu nhà nước về đất đai. Sở hữu toàn dân về đất đai là sở hữu chung của toàn dân, nhưng có sự phân chia việc thực hành quyền sở hữu giữa người sử dụng đất và Nhà nước. Bản chất của cơ chế đó là phân chia một cách hợp lý các quyền của chủ sở hữu đất đai giữa người dân và Nhà nước, cũng như giữa các cơ quan nhà nước các cấp. Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản pháp luật liên quan đã trao cho người dân khá nhiều quyền: sử dụng (theo quy hoạch của Nhà nước), chuyển đổi, chuyển nhượng, thế chấp vay vốn, thừa kế, góp vốn… Về cơ bản người dân đã có gần hết quyền của chủ sở hữu cho phép họ đầu tư, sử dụng đất hiệu quả theo năng lực của họ. Một số hạn chế của quyền chủ sở hữu mà người sử dụng đất không có là: không được tùy ý chuyển mục đích sử dụng đất; hạn điền; thời gian giao đất hữu hạn; phải giao lại đất cho Nhà nước để sử dụng vào mục đích an ninh quốc phòng, mục đích công cộng.
- Thứ sáu, sở hữu toàn dân về đất đai đem lại nhiều lợi ích phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam. Chế độ sở hữu toàn dân còn đem lại nhiều lợi ích phù hợp với đặc thù của nước ta. Chế độ sở hữu toàn dân nhấn mạnh quyền của người dân trong sử dụng quyền của mình để cùng nhau giải quyết các vấn đề bất đồng trong sử dụng và phân chia lợi ích từ đất. Bởi vì, với chế độ pháp quyền xã hội chủ nghĩa, người dân có quyền cùng nhau xây dựng Hiến pháp quy định về cung cách sống chung và quyền hạn của Nhà nước trong xã hội. Với việc quy định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trong Hiếp pháp, khi đa số công dân bị bất lợi trong phân chia lợi ích từ đất đai, họ có thể yêu cầu Nhà nước sửa Luật Đất đai phục vụ mục đích chung của công dân, sửa chữa những mất công bằng trong phân phối lợi ích từ đất đai do cơ chế thị trường đem lại. Nếu Hiến pháp tuyên bố sở hữu tư nhân về đất đai thì nhân danh quyền chủ sở hữu, bộ phận nhỏ dân cư sở hữu nhiều đất đai sẽ không cho phép đa số còn lại thay đổi chế độ phân phối lợi ích từ đất đai.
- Thứ bảy, nếu chúng ta thừa nhận sở hữu tư nhân đất đai và cho phép người nước ngoài thỏa thuận mua bán đất với tư nhân, thì nguy cơ mất nước từ hệ lụy của nền kinh tế thị trường sẽ thành hiện thực và thành quả đấu tranh kiên cường để giành độc lập của dân tộc ta sẽ có nguy cơ bị triệt tiêu bởi thế lực của đồng tiền. Chắc hẳn trong số chúng ta, không ai muốn ở thủ đô Hà Nội hay bất cứ một nơi nào trên đất nước ta, sẽ hình thành một khu phố của người nước ngoài, nơi người Việt Nam khó có thể đi lại tự do. Nhưng nếu chúng ta cho phép người nước ngoài mua nhà đất một cách tự do, những người có nhiều tiền và đang được lợi từ tỷ giá chính thức khiến đồng Việt Nam bị đánh giá cao dễ dàng sở hữu nhiều diện tích đất ở nước ta. Khi đó, nhân danh quyền của chủ nhà, họ sẽ đặt hàng rào đối với người Việt Nam.
Với cách hiểu như trên, sở hữu toàn dân về đất đai không phải là một “phạm trù, thuật ngữ lý thuyết, trừu tượng thuần túy, không có giá trị thực thi”. Sở hữu toàn dân về đất đai là điều kiện nền tảng để người lao động Việt Nam có cơ sở pháp lý bảo vệ lợi ích của chính mình.
Sở hữu toàn dân tạo điều kiện để Nhà nước xã hội chủ nghĩa bảo vệ lợi ích của người lao động tốt nhất. Những sai lầm và thiếu sót của cơ quan nhà nước thời gian qua trong lĩnh vực đất đai không phải là bản chất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa và có thể sửa chữa được. Vấn đề là chúng ta phải thực sự xây dựng được thiết chế kiểm soát để Nhà nước ta phải hành động như Nhà nước xã hội chủ nghĩa.
BAN TUYÊN GIÁO QUẬN ỦY QUẬN 8