Luật Công chứng có hiệu lực từ 01/7/2007, chính thức cho phép thành lập văn phòng công chứng (VPCC) hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (tức tư nhân cũng được lập Văn phòng Công chứng).
Việc xã hội hóa hoạt động công chứng không phải là “tư nhân hoá hoạt động công chứng” và cũng không phải là “chuyển chức năng công chứng từ tay Nhà nước cho bất cứ ai trong xã hội”. Mục tiêu của xã hội hóa công chứng là phát triển rộng mạng lưới công chứng, xóa bỏ việc kiêm nhiệm chức năng công chứng của các cơ quan hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công. Vì thế bên cạnh việc tiếp tục duy trì hệ thống phòng công chứng Nhà nước hiện có, luật cho phép thành lập các VPCC do tư nhân đầu tư về mặt kinh phí, cơ sở vật chất và kể cả về con người.
Trước hết, người xin thành lập VPCC phải là công chứng viên (cử nhân luật, có 5 năm hành nghề về pháp luật, có giấy chứng nhận đào tạo nghề công chứng, đã qua thời gian tập sự hành nghề công chứng, được Bộ trưởng Tư pháp bổ nhiệm). Tuy nhiên, công chứng viên không nhất thiết cứ phải là công chức Nhà nước mà chỉ cần là người có đủ các điều kiện theo pháp luật qui định thì có thể đứng ra lập VPCC. Điều kiện tiếp theo, VPCC phải có trụ sở phù hợp với yêu cầu hành nghề công chứng và phải phù hợp với quy hoạch về hệ thống tổ chức hành nghề công chứng của tỉnh, thành phố đó. Ngoài ra, người xin thành lập VPCC phải có đủ khả năng về tài chính và các cơ sở vật chất cần thiết phục vụ cho hoạt động công chứng.
Công chứng là hoạt động dịch vụ công. Cụ thể VPCC do một hoặc một số công chứng viên thành lập sau khi được UBND cấp tỉnh cho phép. Các VPCC sau khi được thành lập sẽ có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, được hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ kinh phí đóng góp của công chứng viên, phần để lại từ lệ phí công chứng, phí dịch vụ và các nguồn thu hợp pháp khác.
Về mặt tổ chức, VPCC do một số công chứng viên thành lập, thì các thành viên thỏa thuận để cử một công chứng viên làm trưởng văn phòng (trưởng văn phòng là người đại diện về pháp luật của văn phòng), còn trong trường hợp VPCC do một thành viên thành lập thì công chứng viên đó là trưởng văn phòng. Tên gọi của VPCC do công chứng viên hoặc do các công chứng viên thành viên thỏa thuận lựa chọn.
Sẽ không có sự phân biệt nào về giá trị công chứng giữa hai loại hình phòng công chứng này. Công chứng viên là công chức Nhà nước hay công chứng viên không phải là công chức Nhà nước đều phải chịu trách nhiệm như nhau đối với sản phẩm công chứng và người dân. Giá trị pháp lý giữa hai loại hình công chứng là như nhau, văn bản công chứng của hai loại hình phòng công chứng có giá trị ngang nhau.
Luật Công chứng đã quy định hình thức bảo hiểm nghề nghiệp đối với hoạt động công chứng là hình thức bảo hiểm bắt buộc. Theo đó các tổ chức hành nghề công chứng bắt buộc phải mua bảo hiểm cho công chức viên nhằm hạn chế và chia sẻ rủi ro khi gây thiệt hại.
Tại Quận 8; ngày 20 tháng 12 năm 2013 tại địa chỉ số 809-811 Tạ Quang Bửu, Phường 05, Quận 8, TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức khai trương Văn phòng Công chứng Quận 8. Văn phòng Công chứng Quận 8 là một tổ chức hành nghề công chứng, được thành lập theo quyết định số 5572/QĐ-UBND do Ủy Ban Nhân dân Tp.Hồ Chí Minh cấp ngày 31/10/2012, đăng ký họat động theo Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng Quận 8 do Sở tư pháp cấp ngày 12/12/2012 với đầy đủ chức năng, thẩm quyền và trách nhiệm được nhà nước ủy quyền như các Phòng công chứng đang hoạt động trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh và trong cả nước.
(Đội ngũ Công chứng viên, thư ký nghiệp vụ, chuyên viên pháp lý của Văn phòng công chứng Quận 8)
Trưởng văn phòng Công chứng do Ông Nguyễn Đình Môn – nguyên Chánh Văn phòng Sở Tư Pháp Tp. Hồ Chí Minh, cùng với đội ngũ Công chứng viên, thư ký nghiệp vụ, chuyên viên pháp lý được đào tạo kỹ năng hành nghề công chứng đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân./.
(Nguyễn Văn Dũng – Phòng Tư pháp Quận 8)