Luật Quảng cáo gồm 5 Chương 43 Điều được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2012. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 và sẽ thay thế cho Pháp lệnh quảng cáo số 39/2001/PL-UBTVQH10 ngày 16 tháng 11 năm 2001.
Điều 33 của Luật Quảng cáo quy định cụ thể việc quảng cáo bằng loa phóng thanh và hình thức tương tự tại địa điểm cố định phải tuân thủ quy định sau:
1) Quảng cáo không được vượt quá độ ồn cho phép theo quy định của pháp luật về môi trường;
Theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về tiếng ồn số 26:2010/BTNMT do Ban soạn thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn và rung động biên soạn, Tổng cục Môi trường, Vụ Khoa học và Công nghệ và Vụ Pháp chế trình duyệt và được ban hành theo Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT ngày 16 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn (theo mức âm tương đương dBA), gồm 02 khu vực: khu vực đặt biệt từ 6 giờ đến 21 giờ là 55 dBA, từ 21 giờ đến 6 giờ là 45 dBA; khu vực thông thường từ 6 giờ đến 21 giờ là 70 dBA, từ 21 giờ đến 6 giờ là 55 dBA; trong đó:
- Khu vực đặc biệt
Là những khu vực trong hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa và các khu vực có quy định đặc biệt khác.
- Khu vực thông thường
Gồm: khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính.
2) Không được quảng cáo tại trụ sở cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang, trường học, bệnh viện;
3) Không được quảng cáo trên hệ thống truyền thanh phục vụ nhiệm vụ chính trị của xã, phường, thị trấn.
* Không được quảng cáo bằng loa phóng thanh gắn với phương tiện giao thông và các phương tiện di động khác tại nội thành, nội thị của thành phố, thị xã.
Tại Điều 34 của Luật quảng cáo quy định cụ thể việc viết, đặt biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh:
1. Biển hiệu phải có các nội dung sau:
a) Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);
b) Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
c) Địa chỉ, điện thoại.
2. Việc thể hiện chữ viết trên biển hiệu phải tuân thủ quy định:
* Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp sau:
- Nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt;
- Sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.
* Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài.
3. Kích thước biển hiệu được quy định như sau:
a) Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà;
b) Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.
4. Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.
5. Việc đặt biển hiệu phải tuân thủ các quy định của Luật này và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Đối với những trường hợp vi phạm các quy định nêu trên, cá nhân, tổ chức sẽ bị cơ quan quản lý Nhà nước xử phạt theo quy định từ Điều 27 đến Điều 33 Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa.
PHÒNG VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN QUẬN 8