Ngày 03/10/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại. Nghị định này, gồm có 6 Chương 35 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2012 và thay thế các quy định về khiếu nại, giải quyết khiếu nại và tiếp công dân trong Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo.
Cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại:
Tại Điều 5 Nghị định 75/2012/NĐ-CP quy định khi nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại. Người đại diện phải là người khiếu nại. Việc cử đại diện được thực hiện như sau: Trường hợp có từ 5 đến 10 người khiếu nại thì cử 01 hoặc 02 người đại diện; nếu có từ 10 người khiếu nại trở lên thì có thể cử thêm người đại diện nhưng không quá 05 người. Việc cử người đại diện để trình bày khiếu nại phải được thể hiện bằng văn bản; người đại diện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của việc đại diện và văn bản cử đại diện.
Nghị định này cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về 01 nội dung ở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã), theo đó: khi phát sinh nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung ở xã, phường, thị trấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã có trách nhiệm phân công cán bộ tiếp đại diện của những người khiếu nại để nghe trình bày nội dung khiếu nại. Trường hợp phức tạp, Chủ tịch UBND cấp xã chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội có liên quan tiếp, nghe đại diện của người khiếu nại trình bày nội dung khiếu nại. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo Công an cấp xã giữ gìn trật tự công cộng nơi có người khiếu nại tập trung; thuyết phục, hướng dẫn người khiếu nại thực hiện việc khiếu nại đúng quy định pháp luật.
Chủ tịch UBND cấp xã thụ lý để giải quyết theo quy định pháp luật khiếu nại thuộc thẩm quyền, nếu khiếu nại không thuộc thẩm quyền thì hướng dẫn công dân đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
Công khai quyết định giải quyết khiếu nại: Tại Điều 12 Nghị định 75/2012/NĐ-CP quy định: trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi có quyết định giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2 có trách nhiệm công khai quyết định giải quyết khiếu nại theo một trong các hình thức quy định tại Khoản 2 Điều 41 của Luật khiếu nại. Cụ thể: Công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị khiếu nại công tác; niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết khiếu nại; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trường hợp công bố tại cuộc họp thì thành phần tham dự cuộc họp phải bao gồm: Người ra quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại hoặc đại diện, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trước khi tiến hành cuộc họp công khai, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải có văn bản thông báo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan biết. Thời gian thông báo phải trước 03 ngày làm việc.
Việc thông báo quyết định giải quyết khiếu nại trên các phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện trên báo nói, báo hình, báo viết, báo điện tử. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm chọn 01 trong các phương tiện thông tin đại chúng thực hiện việc thông báo. Trường hợp cơ quan của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, phải công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử; số lần thông báo trên báo nói ít nhất 02 lần phát sóng; trên báo hình ít nhất 02 lần phát sóng; trên báo viết ít nhất 02 số phát hành; thời gian đăng tải trên báo điện tử, trên cổng thông tin điện tử hoặc trên trang thông tin điện tử ít nhất là 15 ngày, kể từ ngày đăng thông báo; trường hợp niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết khiếu nại, thời gian niêm yết quyết định giải quyết khiếu nại ít nhất là 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.
Tiêu chuẩn, chế độ bồi dưỡng của cán bộ tiếp công dân: Tại Điều 28 Nghị định 75/2012/NĐ-CP quy định: Cán bộ tiếp công dân là công chức nhà nước, có phẩm chất, đạo đức tốt; có kiến thức và am hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đối với cán bộ tiếp công dân từ cấp huyện trở lên thì phải tốt nghiệp đại học. Cán bộ tiếp công dân được hưởng chế độ bồi dưỡng đặc thù theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Tổng thanh tra Chính phủ. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ tiếp công dân.
Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tiếp công dân: Tại Điều 30 Nghị định 75/2012/NĐ-CP quy định: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết đúng thời hạn do pháp luật quy định các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân do Trụ sở tiếp công dân chuyển đến. Khi có kết quả giải quyết trả lời cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật và thông báo cho Trụ sở tiếp công dân; Đối với khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được chuyển đến cơ quan, đơn vị, nếu quá thời hạn quy định không được giải quyết, người phụ trách Trụ sở, địa điểm tiếp công dân yêu cầu Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó giải quyết, nếu yêu cầu không được thực hiện, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
(Nguyễn Xuân Tuấn – Thanh tra Quận 8)