Nghị định 52/2012/NĐ-CP của Chính phủ ban hành thay thế Nghị định số 123/2005/NĐ-CP của Chính phủ trước đây. Nghị định 52/2012/NĐ-CP có 5 chương, 41 điều và có rất nhiều nội dung mới mà Nghị định 123/2005/NĐ-CP trước đây không có.
* Một số nội dung mới Nghị định 52/2012/NĐ-CP của Chính phủ (so với Nghị định số 123/2005/NĐ-CP của Chính phủ trước đây):
Cụ thể tại Điều 1, phạm vi điều chỉnh ở mục 2 quy định, các hành vi vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực PCCC hoặc có liên quan đến lĩnh vực PCCC chưa được quy định tại Nghị định này nhưng đã được quy định trong các nghị định khác của Chính phủ về xử phạt VPHC thì thực hiện xử phạt VPHC theo quy định tại các nghị định đã có. Hoặc về hình thức xử phạt VPHC tại Điều 2 Nghị định 52/2012/NĐ-CP quy định: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; buộc giảm khối lượng, số lượng chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo định mức quy định; buộc di chuyển chất nguy hiểm về cháy, nổ do VPHC gây ra đến kho, địa điểm theo quy định; người nước ngoài có hành vi VPHC trong lĩnh vực PCCC trên lãnh thổ Việt Nam có thể bị trục xuất khỏi nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. Đối với hành vi không tổ chức thực hiện văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về PCCC của cơ quan có thẩm quyền và gây cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực PCCC của cơ quan chức năng sẽ bị phạt 2.000.000 đến 5.000.000 đồng. Đối với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép chất, hàng nguy hiểm về cháy nổ sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 30.000.000 đồng. Đặc biệt, Nghị định 52/2012/NĐ-CP còn có quy định rất mới là đối với hành vi (sử dụng nguồn lửa, điện thoại di động, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt khác ở những nơi có quy định cấm; hàn, cắt kim loại mà không có biện pháp đảm bảo an toàn về PCCC theo quy định) sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đến 5.000.000 đồng. Đối với hành vi không thiết kế, lắp đặt các hệ thống điện phục vụ yêu cầu PCCC và cứu nạn, cứu hộ theo quy định, phạt từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng (Nghị định 123/2005/NĐ-CP phạt từ 10.000.000 đến 15.000.000 đồng).
Theo Nghị định 52/2012/NĐ-CP, thẩm quyền xử phạt VPHC của CAND, chủ tịch UBND các cấp cũng được tăng hơn trước: Chiến sĩ CAND có quyền phạt đến 200.000 đồng; trưởng công an và chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, được phép phạt đến 2.000.000 đồng; giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và chủ tịch UBND cấp huyện được phạt đến 30.000.000 đồng …
* Một số nội dung cơ bản Nghị định 52/2012/NĐ-CP của Chính phủ:
Theo Nghị định 52/2012/NĐ-CP, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau: Chấp hành không đầy đủ nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy; làm mất tác dụng hoặc để nội quy, tiêu lệnh, biển báo, biến cấm, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy cũ mờ, không nhìn rõ chữ, ký hiệu, chỉ dẫn; trang bị nội quy, tiêu lệnh, biển báo, biến cấm, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy không đúng quy định.
Phạt tiền từ 10.000.000 đến 15.000.000 đồng đối với hành vi: Khi cơ sở được thẩm duyệt và nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa cơ sở vào hoạt động, người đứng đầu cơ sở không có văn bản thông báo và ký cam kết cơ sở đã đáp ứng đủ các yêu cầu và duy trì các điều kiện về bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình sử dụng nhà, công trình và hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định.
Phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với hành vi không có hồ sơ theo dõi hệ thống chống sét; phạt tiền từ 200.000 đ đến 500.000 đ đối với hành vi không kiểm tra định kỳ hệ thống chống sét theo quy định; phạt tiền từ 5.000.000đ đến 10.000.000đ đối với hành vi không khắc phục những sai sót, hư hỏng làm mất tác dụng của hệ thống chống sét; phạt tiền từ 10.000.000đ đến 15.000.00 đ đối với hành vi không lắp đặt hệ thống chống sét cho nhà, công trình thuộc diện phải lắp đặt hệ thống chống sét theo quy định.
Phạt tiền từ 10.000.000đ đến 20.000.000đ đối với hành vi tàng trữ trái phép chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ. Đối với hành vi sử dụng trái phép chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ bị phạt tiền từ 20.000.000đ đến 30.000.000đ.
Hành vi sản xuất, kinh doanh chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ thuộc danh mục cấm kinh doanh phạt tiền từ 20.000.000 đến 25.000.000 đồng. Phạt tiền từ 100.000 đến 15.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm quy định trong vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ.
Đối với một trong các hành vi không có đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ cứu nạn; không có thiết bị thông gió, thoát khỏi theo quy định cho lối thoát nạn; không có thiết bị chiếu sáng sự cố trên lối thoát nạn hoặc có nhưng không đủ độ sáng theo quy định hoặc không có tác dụng; thiết kế, xây dựng cửa thoát nạn, lối thoát nạn, cầu thang thoát nạn không đủ số lượng, diện tích, chiều rộng hoặc không đúng quy định bị phạt tiền từ 2.000.000 đ đến 5.000.000đ.
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đ đến 200.000 đ đối với một trong các hành vi sau: Không đảm bảo số lượng về con người, thời gian trong một ca trực, kíp trực về an toàn phóng cháy và chữa cháy; lực lượng chữa cháy cơ sở không sử dụng thành thạo phương tiện phòng cháy và chữa cháy được trang bị tại cơ sở. Phạt tiền từ 200.000 đ đến 500.000 đ đối với hành vi không tổ chức phân trực tại cơ sở theo quy định. Phạt tiền từ 2.000.000 đ đến 5.000.000 đ đối với hành vi không tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy khi được người có thẩm quyền yêu cầu…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/8/2012 và thay thế Nghị định số 123/2005/NĐ-CP ngày 05/10/2005 của Chỉnh phủ./.
Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Quận 8