SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
2
8
0
0
5
8
1
Tin tức sự kiện 03 Tháng Mười Hai 2012 2:15:00 CH

Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS 02/12 - Bức ảnh làm thay đổi “bộ mặt” của AIDS

Tháng 11/1990, tạp chí Life đã đăng bức ảnh có sức truyền cảm mạnh mẽ về người đàn ông trẻ David Kirby, với cơ thể bị AIDS tàn phá, trong khi đôi mắt nhìn xa xăm ra khỏi thế giới này và quanh anh là người thân đau đớn nhìn anh trút hơi thở cuối.

 

 

 

Bức ảnh nổi tiếng thế giới về David Kirby hấp hối trên giường bệnh.

 

Hình ảnh ám ám ảnh về Kirby nằm chết trên giường đã được cô sinh viên báo chí Mỹ Therese Frare lưu giữ lại và nhanh chóng trở thành vũ khí mạnh mẽ nhất để thế giới nhận thức rõ về đại dịch HIV/AIDS mà vào thời điểm đó, 7 triệu người khắp thế giới đã nhiễm mà nhiều người trong số họ không hề hay biết.

 

Hơn hai thập niên sau, vào ngày Thế giới phòng chống AIDS, tạp chí Life đã đăng tải câu chuyện cảm động đằng sau bức ảnh cùng những kỷ niệm của riêng Frare về những năm tháng đau khổ và nhiều đổi thay đó.

 

 

Một y tá nắm tay David trước khi anh trút hơi thở cuối cùng.

 

“Tôi tốt nghiệp đại học Ohio  Athens và tháng 1/1990”, Frare cho biết. “Ngay sau đó, tôi đi làm tình nguyện ở Pater Noster House, một nhà tế bần cho người nhiễm AIDS ở Columbus. Vào tháng 3, tôi bắt đầu chụp ảnh ở đó và biết về các nhân viên, đặc biệt là tình nguyện viên tên Peta, người chăm sóc David và các bệnh nhân khác”.

 

 

Peta chăm sóc cho David.

 

David Kirby sinh ra và lớn lên ở một thành phố nhỏ tại Ohio, Mỹ. Kirby là nhà hoạt động đồng tính nam trong những năm 1980, vào cuối những năm 1980, khi đang sống ở California và bị gia đình ghẻ lạnh, anh biết mình bị nhiễm HIV. Sau đó anh đã liên lạc với cha mẹ để hỏi xem anh có thể trở về nhà chết bên người thân hay không. Gia đình Kirby đã đón con trai họ trở về.

 

 

 

 

David Kirby trước và sau khi bị AIDS.

 

Trong khi đó Peta là một người khác thường, mang nửa dòng máu da đen, nửa dòng máu da trắng. Theo Frare, anh vừa là người chăm sóc, vừa là bệnh nhân ở Pater Noster, là người “giới tính giữa”.

 

“Vào ngày David chết, tôi tới thăm Peta”, Frare, hiện đang sống và làm việc ở thành phố Seattle, cho biết. “Một số nhân viên trại tế bần đến tìm Peta để gọi anh tới chỗ David. Và anh đã đưa tôi đi cùng. Khi tôi đang đứng bên ngoài phòng David, vì cho rằng mình không có phận sự, thì mẹ David ra và nói gia đình muốn tôi chụp ảnh mọi người nói lời tạm biệt cuối. Tôi bước vào, đứng lặng lẽ trong góc phòng, gần như không di chuyển, chỉ nhìn và chụp lại cảnh tượng lúc đó. Sau đó, tôi biết rõ là có gì đó thực sự tuyệt vời đã mở ra ở căn phòng đó, ngay trước mắt tôi”.

 

“Từ trước đó, tôi đã hỏi David cho phép chụp ảnh, anh ấy nói “được, miễn là không có vụ lợi cá nhân”. Tới ngày nay, tôi không lấy bất kỳ đồng tiền nào từ bức ảnh. Nhưng David là nhà hoạt động, anh muốn cả thế giới ngoài kia biết AIDS đã tàn phá các gia đình, và các cộng đồng người như thế nào.”

 

Theo một số ước tính, trong suốt hơn 20 năm qua, hàng tỷ người đã xem bức ảnh đã trở thành biểu tượng của Frare kể từ khi nó xuất hiện trên tạp chí Life. Bức ảnh đã được tái bản hàng trăm lần trong các bài viết trên các báo, tạp chí, truyền hình, khắp thế giới, các bài viết về chính bức ảnh và về những điều tranh cãi xunh quanh bức ảnh.

 

Bộ ảnh của Frare chụp gia đình David an ủi anh trong những giờ phút cuối cùng đã giành được rất nhiều giải thưởng, trong đó có Giải ảnh báo chí thế giới (World Press Photo Award).

 

Tuy nhiên bức ảnh cũng gây “tai tiếng” khi hãng thời trang Benetton dùng phiên bản ảnh màu của bức ảnh trong một chiến dịch quảng cáo nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về HIV/AIDS sau khi được Frare cùng gia đình Kirby đồng ý. Nhiều người và tổ chức từ Nhà thờ Roman (do cảm thấy bức ảnh chế giễu hình ảnh mẹ Mary bế chúa Jesus sau khi bị đóng lên cây thánh giá) tới các nhà hoạt động AIDS (tức giận do cái chết của David bị tận dụng để bán áo phông) đã phản ứng đầy giận dữ. Tổ chức từ thiện AIDS nổi tiếng của Anh, Terrence Higgins Trust, đã kêu gọi dỡ bỏ quảng cáo “phi nhân đạo” này, trong khi một loạt tạp chí thời trang nổi tiếng như Elle, Vogue và Marie Claire từ chối đăng quảng cáo.

 

David Kirby qua đời vào tháng 4/1990, ở tuổi 32, khi Frare mới bắt đầu “tập tành” chụp ảnh ở trại tế bần. Nhưng điều đặc biệt là Frare đã dành thời gian bên Peta, người cũng bị dương tính với HIV khi chăm sóc David, hơn là với David. Bà nổi tiếng với bức ảnh về David đang hấp hối vì AIDS, nhưng những bức ảnh bà chụp sau cái chết của David hé lộ câu chuyện còn phức tạp, éo le hơn thế.

 

Frare đã chụp Peta trong 2 năm cho đến khi anh cũng qua đời vì AIDS vào mùa thu năm 1992.

 

 

Peta vào năm 1992.

 

“Peta là con người tuyệt vời”, Frare tâm sự với giọng vẫn còn đầy xúc động. “Anh ấy là người đại diện cho tính hai mặt của cuộc sống. Anh ấy mang dòng máu nửa da đen, nửa da trắng, là người chăm sóc và cũng là bệnh nhân của trại Pater Noster, người đi qua giữa hai giới tính và trên tất cả…anh ấy cũng rất, rất mạnh mẽ”.

 

Khi sức khỏe của Peta yếu đi vào đầu năm 1992, khi tình trạng HIV dương tính chuyển thành AIDS, gia đình Kirby lại quay sang chăm sóc anh, như cách anh đã chăm sóc cho con trai họ trong những tháng cuối cùng của cuộc đời. Peta đã an ủi David, nói chuyện với anh, nắm tay anh, cố gắng giảm đau cho anh, làm cho anh bớt cô đơn qua sự tiếp xúc bình thường nhất. Và gia đình Kirby giờ lại làm điều đó với Peta, cho tới khi anh trút hơi thở cuối cùng.

 

 

Peta trong sự chăm sóc của người thân của David.

 

Kay Kirby cho biết bà “đã quyết định khi David qua đời và khi Peta giúp chăm sóc David rằng khi đến lượt Peta, chúng tôi sẽ chăm sóc cho anh ấy. Không hề có chút do dự nào”.

 

Tâm sự về các bức ảnh của mình, Frare cho biết, “bức ảnh về David đã trở thành bức ảnh nổi tiếng khắp thế giới, nhưng có rất nhiều điều nữa tôi đã cố gắng lưu giữ về Peta, về gia đình Kirby và về những người khác ở Pater Noster. Nhưng tất cả những điều đó đều bị lãng quên”.

 

Vũ Quý

Theo Life

(Theo báo Dân Trí ngày 01/12/2012)

 


Số lượt người xem: 2712    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm