Để ngăn ngừa có hiệu quả và giảm những tác động của bạo lực gia đình, các quy định của pháp luật cần phải được nghiêm chỉnh thi hành và cần có cơ chế theo dõi, giám sát việc thi hành đó. Do đó, sáng ngày 23/11/2012 tại UBND Q8, Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với Phòng Tư pháp tổ chức tập huấn các kỹ năng tư vấn, hỗ trợ, chăm sóc, bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình theo văn bản Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 và các nghị định hướng dẫn thi hành cho cán bộ chiến sĩ công an, công chức tư pháp, cán bộ gia đình, thành viên Ban chỉ đạo Phòng, chống bạo lực gia đình 16 phường, 97 Ban điều hành khu phố.
(Ảnh: Luật gia Lê Thị Thanh Nhã - Sở văn hóa. Thể thao và du lịch TPHCM tập huấn Luật phòng, chống bạo lực gia đình)
Bạo lực gia đình là một vấn đề của một xã hội phát triển, nó biểu hiện đầy đủ các khía cạnh giáo dục, kinh tế, pháp lý và sức khỏe. Nó cũng là một vấn đề có liên quan tới quyền con người – xuyên suốt giữa các nền văn hóa, tôn giáo, ranh giới địa lý và mức độ phát triển kinh tế xã hội khác nhau. Tầm quan trọng của việc xử lý bạo lực gia đình đã được Chính phủ Việt Nam nhìn nhận với bằng chứng cụ thể là việc thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 và nhiều văn bản pháp luật, chính sách khác. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 chính thức khẳng định bạo lực gia đình là hành vi không được chấp nhận và không nên xem đó là “vấn đề riêng tư”.
(Ảnh: Quang cảnh buổi tập huấn)
Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của mỗi người và toàn xã hội. Các ban, ngành đoàn thể có trách nhiệm cụ thể trong việc bảo đảm có sự ứng phó toàn diện, mang tính phối hợp và linh hoạt đối với bạo lực gia đình, là những người thực hiện việc bảo vệ nạn nhân, truy cứu trách nhiệm theo đúng pháp luật đối với người có hành vi bạo lực, bảo đảm việc tiếp cận công lý, khắc phục hậu quả cũng như bảo đảm hệ thống tư pháp đáp ứng những nhu cầu đặc biệt và xoa dịu phần nào những tổn thương mà nạn nhân bạo lực gia đình đã phải chịu.
(Hương Thảo – P.VHTT)