Đạo đức của Người là hiện thân sinh động, chân thực, cảm động về trí tuệ - tình cảm - tâm hồn - lối sống và nhân cách Hồ Chí Minh. Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức của một nhà tư tưởng lớn, thể hiện bản sắc độc đáo của văn hóa đạo đức dân tộc gắn liền với tầm cao tư tưởng đạo đức của thời đại cách mạng và tiếp thu tinh hoa văn hóa đạo đức của nhân loại.
Đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ là tư tưởng của Người về đạo đức và đạo đức cách mạng mà còn là đạo đức của đời sống thực tiễn. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được thể hiện qua hoạt động, hành vi và lối sống, qua các mối quan hệ với con người, với công việc, trong giao tiếp, ứng xử hàng ngày. Đạo đức Hồ Chí Minh là hiện thân sinh động của tính nhất quán giữa nói và làm, tính trung thực và sự khiêm tốn; tính kiên định về nguyên tắc và niềm tin gắn liền với tính linh hoạt và uyển chuyển trong phương pháp đối nhân xử thế; lòng dũng cảm, sự sáng suốt, đức hy sinh và nghị lực phi thường vượt lên mọi khó khăn, thử thách; sự ân cần, chu đáo, lòng khoan dung độ lượng đầy tính nhân ái, vị tha với con người; sự nhạy cảm và rất tinh tế của Người đối với mỗi con người, mỗi cảnh đời và những số phận khác nhau của họ. Đó là những đức tính và phẩm chất đạo đức của Người.
Mỗi chúng ta có thể cảm nhận được bằng sự hiểu biết và kinh nghiệm sống của mình về những đặc trưng đạo đức Hồ Chí Minh mà lúc sinh thời Người đã thể hiện trong đời sống. Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức của một nhà tư tưởng lớn mang tầm vóc vĩ nhân của thời đại, danh nhân văn hóa của thế giới hiện đại, cốt cách hiền triết Á Đông và tiêu biểu cho tinh hoa đặc sắc của truyền thống dân tộc. Đạo đức Hồ Chí Minh là biểu hiện một cách chân thực và vô cùng giản dị, rất mực gần gũi với mỗi con người bình thường trong cuộc sống đời thường, trần thế và thực tế, không gợn một chút cảm giác nào siêu thực, huyền ảo, cho dù sự vĩ đại và vô cùng cao thượng của Người được coi như huyền thoại.
Nhân dịp kỷ niệm 67 năm Quốc khánh nước ta (2/9/1945- 2/9/2012) lòng mỗi chúng ta lại bồi hồi tưởng nhớ đến Bác Hồ kính yêu. Người đã đi trọn vẹn cuộc hành trình vì nền độc lập của dân tộc. Người đã sống trọn đời cho cuộc đấu tranh vì tự do và dâng hiến cả cuộc đời mình cho hạnh phúc của nhân dân. Người đã thực sự hóa thân vào dân tộc mình và các dân tộc trên thế giới, dù khác màu da, tiếng nói nhưng đều giống nhau trong khát vọng giải phóng, trong tình yêu thương, nhân ái, đậm nét tính nhân văn cao cả. Đạo đức Hồ Chí Minh là tình người mênh mông rộng lớn, nâng niu giá trị con người, là nghĩa thủy chung son sắt, là đạo lý làm người. Đạo đức Hồ Chí Minh là sự thấu hiểu và thấu cảm đối với con người và cuộc sống. Người vĩ đại và cao cả bao nhiêu trong trí tuệ, tư tưởng và tâm hồn thì cũng giản dị bấy nhiêu trong ứng xử, trong cử chỉ, xiết bao gần gũi, ấp áp, thân tình. Suốt đời, Người sống một cuộc sống đạm bạc mà tao nhã vô cùng. Suốt đời, Người chỉ nói và viết những lời, những chữ mộc mạc, bình dị, đi thẳng vào lòng người, không màu mè tô vẽ. Người nói ngắn, viết ngắn mà cũng chỉ nói và viết khi cần thiết, cái chủ yếu của Người là làm việc, là hành động.
Qua phần tìm hiểu trên, theo tác giả để vận dụng, học tập đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng ta nên:
1. Trong các mối quan hệ với con người chúng ta phải thể hiện sự giản dị, ân cần, chu đáo, lòng khoan dung độ lượng đầy tính nhân ái, vị tha với con người; phải nhạy cảm và rất tinh tế đối với mỗi con người, mỗi cảnh đời và những số phận khác nhau của họ để có thể làm được một việc gì đó giúp đỡ họ trong hoạt động xã hội nhân đạo, thực hiện tinh thần “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”.
2. Trong công việc chúng ta phải thể hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công, Vô tư. Phải thể hiện nói đi đôi với làm; phải trung thực và khiêm tốn; phải kiên định về nguyên tắc gắn liền với tính linh hoạt và uyển chuyển trong phương pháp đối nhân xử thế; phải có lòng dũng cảm, đức hy sinh và nghị lực phi thường vượt lên mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
3. Chúng ta nên học cách nói và viết những lời, những chữ mộc mạc, bình dị, đi thẳng vào lòng người, không màu mè tô vẽ; phải tránh phô trương hình thức; phải báo cáo trung thực, tránh bệnh thành tích.
(BS.Thuần – Hội Chữ thập đỏ Q8)