I. Những thông tin cần biết về bệnh Sốt xuất huyết (SXH) :
- Thời gian ủ bệnh từ 5 đến 7 ngày.
- Người lớn và trẻ em đều có thể mắc bệnh SXH.
- Bệnh lây truyền do muỗi vằn đốt người bệnh truyền vi rút sang người lành qua vết đốt.
II. Cách nhận biết những biểu hiện của bệnh :
- Khi trẻ bị sốt, có một trong các dấu hiệu: sốt không hạ, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt, có nốt xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam… phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để được hướng dẫn. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc để tự điều trị tại nhà.
Khi thấy trẻ sốt liên tục từ 2 đến 7 ngày với các dấu hiệu:
-Lừ đừ, bứt rứt;
-Lạnh tay chân vào ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh hoặc khi trẻ hết sốt;
- Ói nhiều;
- Đau bụng;
- Chảy máu bất thường: máu mũi, ói máu, tiêu phân đen;
thì phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
III. Cách Phòng ngừa bệnh Sốt xuất huyết:
Cách tốt nhất để phòng chống SXH là thường xuyên diệt muỗi, diệt lăng quăng, ngủ mùng.
- Hàng tuần thay nước bình bông, súc rửa lu, loại bỏ vật phế thải và các ổ nước đọng để muỗi không có nơi sinh sản.
- Thả cá 7 màu để cá ăn lăng quăng trong lu nước, hồ nước khó súc rửa.
- Diệt muỗi bằng nhang trừ muỗi, vợt điện diệt muỗi, bình xịt muỗi, treo mành tre, rèm tẩm hóa chất diệt muỗi ở cửa sổ và cửa ra vào.
Cách tránh muỗi đốt:
- Không treo quần áo, mùng mền, vật dụng ở nơi tối tăm ẩm thấp để muỗi không có nơi trú đậu.
- Mặc quần áo dài, màu sáng để hạn chế muỗi đốt; ngủ mùng kể cả ban ngày, nhất là đối với trẻ nhỏ.
- Làm lưới chắn muỗi ở của sổ, cửa ra vào.
Tóm lại, muỗi vằn là vật trung gian truyền bệnh SXH. Nếu không có lăng quăng, không có muỗi vằn thì không có bệnh SXH. Diệt lăng quăng, diệt muỗi để phòng chống Sốt xuất huyết là trách nhiệm của mỗi người. Cần tích cực tuyên truyền vận động mọi gia đình hàng tuần tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng ở các vật chứa nước trong nhà và xung quanh nhà để muỗi vằn không có nơi sinh sản.
KHÔNG CÓ LĂNG QUĂNG THÌ KHÔNG CÓ MUỖI, KHÔNG CÓ BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT.
(BS.Thuần – Hội Chữ thập đỏ Q8)