Thông thường, nói đến “nhà tình nghĩa”, mọi người hình dung những ngôi nhà nhỏ, đơn lẻ xây dựng trên đất của từng gia đình chính sách. Nhưng trong hoàn cảnh khó khăn về quỹ đất, quận 8 và quận Tân Phú, TPHCM đã nghĩ ra cách xây dựng nhà tình nghĩa theo mô hình chung cư, qua đó, giúp ổn định chỗ ở cho những hộ chính sách không có đất hay đang phải ở nhờ, ở thuê.
Ông Lê Trí Đạo (phải) và Trần Văn Ê trong khu chung cư tình nghĩa
Món quà ý nghĩa
Một dãy nhà (1 trệt 2 lầu) màu xanh bình yên nằm cuối con hẻm 1225 Phạm Thế Hiển, phường 5, quận 8 với tấm biển “Khu nhà tình nghĩa” là nơi ở mới của 16 gia đình chính sách trên địa bàn quận 8.
Mời chúng tôi tham quan căn hộ số 5 nằm ở tầng trệt Khu nhà tình nghĩa 1225/94/16 Phạm Thế Hiển, phường 5, quận 8, ông Lê Trí Đạo (72 tuổi) và vợ là Lê Thị Sáu (66 tuổi, thân nhân liệt sĩ), cứ tấm tắc hai chữ “nhà đẹp”! Già cả, có được chỗ ở như vầy là yên tâm, phấn khởi lắm! Một năm trước, cả hai ông bà cùng vợ chồng con trai và 2 cháu nội phải sống nhờ nhà con rể; 10 người ở trong căn nhà cấp 4 hơn 30m² xuống cấp nằm trong khu sắp giải tỏa ở cùng phường. Nghĩ mà cám cảnh tuổi già xế bóng vẫn phải ăn nhờ ở đậu, chưa biết đi đâu, về đâu, bà Sáu bệnh hoài, tháng nào cũng phải nhập viện vì đủ thứ bệnh.
Giờ đây được sống trong ngôi nhà của mình cùng con cháu, an cư, bà bớt lo, bệnh tình cũng tự khắc thuyên giảm. Đồng cảnh ngộ, ông Trần Văn Ê (60 tuổi, thương binh 2/4, bị mất một chân; ngụ căn hộ số 4), trước phải sống nhờ nhà con rể bên xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh), cũng phiền phức. Tuổi già cả nghĩ, ăn không ngon miệng, ngủ chẳng ngon giấc. Sau 3 năm gửi đơn lên quận 8 trình bày gia cảnh, tháng 7-2011, ông bà được cấp căn hộ rộng 40m² trong khu chung cư tình nghĩa này.
Cuộc sống ổn định, không quản ngại thương tật, ông Ê tích cực trong công tác “vác tù và hàng tổng” – tham gia vào ban quản lý chung cư. Ông Ê cho biết, đều là gia đình chính sách có công với nước nên 16 hộ trong khu chung cư sống rất thuận hòa, vui vẻ, văn minh. Còn ông bà Nguyễn Đình Định (75 tuổi, ngụ số 2.01 Khu nhà tình nghĩa), chia sẻ, “thoát” khỏi tình cảnh ở nhờ bên ba mẹ vợ, 21 người túm tụm trong căn nhà cấp 4 chỉ rộng 21m², bây giờ được sống trong căn hộ này là quá thoải mái, sung sướng!
Các gia đình chính sách trong khu nhà tình nghĩa theo mô hình chung cư (gồm 3 block, mỗi block có 1 trệt, 1 lầu với tổng số 35 căn hộ) ở khu phố 6, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú cho biết, được cấp căn hộ khang trang, sạch sẽ là món quà hết sức ý nghĩa, thiết thực. Sự chăm lo chu đáo của quận giúp cho các hộ an cư, đời sống dần ổn định.
Uống nước nhớ nguồn
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch UBND quận 8, cho biết, xây dựng nhà tình nghĩa là thể hiện truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Theo chuẩn chung, mức sàn trị giá mỗi căn nhà tình nghĩa trên địa bàn TP là 50 triệu đồng. Hầu hết các gia đình chính sách khó khăn về nhà ở, có nhu cầu xây mới, sửa chữa đều được giải quyết kịp thời.
Tuy nhiên, điều trăn trở nhất của quận là việc xây dựng nhà tình nghĩa cho 16 gia đình chính sách không có đất riêng, đang phải ở thuê, ở nhờ nhà người thân. Ngoài 50 triệu đồng theo chuẩn chung, muốn xây dựng được nhà tình nghĩa cho các gia đình này, trước hết phải… kiếm được đất để xây.
Nhìn các hộ chính sách đi tới đi lui năm này qua năm khác kiếm chỗ ở, lãnh đạo quận rất áy náy. Trước tình cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền quận 8 đã có cách làm đột phá. Qua rà soát 6 nền đất công ở các nơi, quận đã tìm được mảnh đất khá nhất, rộng hơn 430m2, cơ sở hạ tầng đầy đủ, có vị trí khá thuận lợi, nằm trong hẻm 1225 Phạm Thế Hiển. Sau đó, quận vận động các mạnh thường quân ủng hộ và xây dựng được khu nhà tình nghĩa có mức đầu tư trên 3,8 tỷ đồng gồm 17 căn hộ (diện tích trung bình 40m²/căn hộ, trị giá mỗi căn hơn 200 triệu đồng) và 1 nhà giữ xe, sân sinh hoạt chung.
Trong điều kiện quỹ đất hết sức khó khăn, việc xây dựng khu nhà tình nghĩa theo mô hình chung cư (1 trệt 2 lầu) đã ổn định nơi ở và cuộc sống cho các hộ chính sách. Đó cũng là tấm lòng của quận 8 với thế hệ cha anh đã có công với nước.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Trưởng phòng Chính sách có công, Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết, bằng nhiều nỗ lực, sáng tạo, TPHCM đã hoàn thành cơ bản việc xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở. Trong đó, cách làm chung cư tình nghĩa ở quận 8 và Tân Phú để giải quyết nơi ăn chốn ở cho các hộ chính sách không có đất riêng là rất tốt. Đến nay, TP đã xây dựng được gần 16.000 nhà tình nghĩa, hơn 12.000 nhà tình thương cho các diện chính sách, việc sửa chữa nhà cũng được thực hiện hàng năm, cơ bản giúp cho các đối tượng chính sách có công của TP ổn định về chỗ ở.
Hiện TP còn 53 gia đình chính sách - chủ yếu thuộc nhóm đối tượng nhập cư từ các tỉnh chuyển về - khó khăn về nhà ở, đang có nhu cầu xây mới và khoảng 500 hộ cần sửa chữa nhà.
Ở khu vực trung tâm TP, trong tình trạng “tấc đất tấc vàng”, được sự đồng thuận của một số gia đình chính sách, quận 1 đã xây dựng nhà tình nghĩa ở các địa phương khác để tặng cho các gia đình này.
Bà Nguyễn Thị Châm, Trưởng phòng LĐTB-XH quận 1 cho biết, năm 2008, quận đã xây dựng nhà tình nghĩa trị giá 30 triệu đồng tặng gia đình ông Đỗ Mạnh Thường (thương binh 3/4, thường trú phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) ở xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè và tặng nhà tình nghĩa tại tổ 17, phường Kim Dinh, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho mẹ liệt sĩ Lê Thị Vui (hộ khẩu thường trú phường Cầu Kho, quận 1). Mới đây, quận cũng xây nhà tình nghĩa trị giá 40 triệu đồng ở ấp 4, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, Long An tặng gia đình ông Nguyễn Vũ Trà (thân nhân liệt sĩ, thường trú phường Bến Thành).
Đường Loan
Theo báo SGGPO ngày 17/07/2012