LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
-------
Luật Phòng, chống tham nhũng gồm 8 chương, 92 điều được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005. Chủ tịch nước ký Lệnh công bố số 26/2005/L/CTN ngày 09 tháng 12 năm 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2006.
1. Các hành vi tham nhũng
Điều 3 của Luật Phòng, chống tham nhũng quy định cụ thể 12 loại hành vi tham nhũng, bao gồm: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Trong 12 loại hành vi tham nhũng nêu trên, thì có 7 loại hành vi đã được quy định trong Bộ Luật Hình sự năm 1999 (từ Điều 278 đến Điều 284).
2. Phòng ngừa tham nhũng
Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định một hệ thống các biện pháp nhằm phòng ngừa tham nhũng và có thể coi đay là nộidung quan trọng nhất của Luật: Công khai, minh bạch hóa hoạt động của bộ máy nhà nước; xây dựng, hoàn thiện và bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh chế, định mức, tiêu chuẩn; việc tặng quà và nhận quà tặng; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; minh bạch về tài sản của cán bộ, công chức; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng.
3. Phát hiện tham nhũng
Luật quy định Phát hiện tham nhũng qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử, giám sát; tố cáo và giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng.
4. Xử lý hành vi tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác
4.1. Xử lý kỷ luật, xử lý hình sự
Luật quy định hai hình thức chế tài áp dụng đối với người có hành vi tham nhũng là xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự.
4.2. Xử lý tài sản tham nhũng
Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về nguyên tắc tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu, trả lại cho chủ sở hữu, quản lý hợp pháp hoặc sung công quỹ nhà nước. Người đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi hành vi đưa hối lộ bị phát hiện thì được trả lại tài sản đã dùng để hối lộ.
5. Tổ chức, trách nhiệm và phối hợp hoạt động của các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, Điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan trong phòng, chống tham nhũng
5.1. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng
Luật Phòng, chống tham nhũng quy định việc thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng với tư cách là cơ quan tham mưu chính sách và phối hợp. Cơ quan này sẽ không trưc tiếp can thiệp mà chỉ điều phối hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật sẵn có, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả chống tham nhũng chung của tất cả các cơ quan này. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là một cơ quan luật định, có bộ phận giúp việc chuyên trách.
5.2. Đơn vị chống tham nhũng chuyên trách
Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiếm sát nhân dân Tối cao là các cơ quan có vai trò, nhiệm vụ hết sức quan trọng trong phòng, chống tham nhũng.
5.3. Cơ chế phối hợp trong phòng, chống tham nhũng
Luật Phòng, chống tham nhũng quy định nhiều nội dung quan trọng nhằm hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiếm toán nhà nước, điều tra, Viện kiểm sát với những nội dung cơ bản như: nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan phòng, chống tham nhũng và đặc biệt là trách nhiệm phối hợp; phân định rõ ràng hoạt động phối hợp chung nhằm ngăn ngừa tham nhũng và phối hợp phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng có dấu hiệu tội phạm.
6. Vai trò và trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng
Vai trò và sự tham gia của xã hội trong phòng, chống tham nhũng là một yếu tố quan trọng trong hệ thống phòng, chống tham nhũng hiệu quả. Luật Phòng, chống tham nhũng tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý hiện hành nhằm khuyến khích và đảm bảo việc tham gia chủ động, tích cực và hiệu quả của xã hội trong phòng, chống tham nhũng.
7. Hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng
Trên cơ sở ghi nhận nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các bên cùng có lợi. Luật Phòng, chống tham nhũng quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng như: Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và các cơ quan hứu quan thựchiện hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu, đào tạo, xây dựng chính sách, trao đổi thông tin, hỗ trợ tài chính, trợ giúp kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm trong phòng, chống tham nhũng; Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế về tương trợ tư pháp trong phòng, chống tham nhũng./.
(Nguyễn Văn Dũng – Phòng Tư pháp Quận 8)