Lợi dụng việc di dời nghĩa trang để phục vụ cho dự án xây dựng cụm đô thị phía Nam Sài Gòn, một số cán bộ tại Q.8 đã cấu kết với nhiều đối tượng để lập hồ sơ những ngôi mộ giả, chiếm đoạt tiền tỷ của Nhà nước.
Ngày 17/4, Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM cho biết, qua quá trình điều tra vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ban Bồi thường - giải phóng mặt bằng (Ban BT-GPMB) Q.8, đã tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với năm đối tượng trong đường dây lập hồ sơ mộ giả để hưởng tiền đền bù từ Ban BT-GPMB Q.8. Cụ thể, Nguyễn Văn Thành (chủ cơ sở mai táng Công Vĩnh Thọ, trụ sở tại đường Hưng Phú, P.9, Q.8; đang là bị án trong vụ lập hồ sơ mộ giả tại Q.2), Phan Thanh Vân (nhân viên cơ sở mai táng Công Vĩnh Thọ) và Nguyễn Thế Dư (cháu ruột của Thành) bị khởi tố về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nguyễn Văn Sáu (cán bộ địa chính UBND P.7, Q.8) và Phạm Văn Phước (nhân viên Ban BT-GPMB Q.8) bị khởi tố về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
(Ảnh: Nguyễn Văn Sáu - cán bộ địa chính P.7, Q.8)
Cơ quan điều tra xác định, đường dây nói trên đã lập hồ sơ khống 294 ngôi mộ, đứng tên 52 cá nhân ảo để chiếm đoạt hơn 1,1 tỷ đồng của Nhà nước. Theo PC46, giữa năm 2002, UBND TP.HCM có quyết định giao Công ty Tân Thuận thuê đất tại P.7, Q.8 và ở một số xã của huyện Bình Chánh nhằm liên doanh với đối tác nước ngoài xây dựng, phát triển năm cụm đô thị phía Nam Sài Gòn. Sau đó, Công ty Tân Thuận ký hợp đồng với Ban BT-GPMB Q.8 để đơn vị này bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và bố trí tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa thực hiện dự án, trong đó có việc di dời các ngôi mộ lâu đời của người dân thuộc KP.6, P.7, Q.8. Ban BT-GPMB Q.8 đã ký hợp đồng với cơ sở mai táng Công Vĩnh Thọ của Nguyễn Văn Thành để thực hiện công tác di dời mộ.
Từ cuối năm 2005 đến giữa năm 2008, cơ sở Công Vĩnh Thọ đã đào bốc 2.035 ngôi mộ của 474 hộ dân và Ban BT-GPMB Q.8 đã chi tiền hỗ trợ, bồi thường hơn 7,7 tỷ đồng. Trong đó 1,1 tỷ đồng được các đối tượng chia chác từ việc lập hồ sơ khống. Để lập hồ sơ các ngôi mộ ảo, cuối năm 2005, Thành về quê tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An rủ những người trong họ hàng lập phiếu đăng ký bốc mộ khống với các thông tin ảo như: cách đặt tên mộ, nơi mai táng, mối quan hệ với người nằm dưới mộ, năm qua đời… Nguyễn Thế Dư (cháu ruột Thành) là người tham gia tích cực vào việc này theo sự chỉ đạo của Thành.
Đồng thời, các đối tượng đã chung chi cho một số cán bộ địa phương liên quan đến việc kiểm tra quy trình lập hồ sơ mộ và đền bù. Cụ thể, Phạm Văn Phước - nhân viên Ban BT-GPMB và Nguyễn Văn Sáu - cán bộ địa chính UBND P.7, Q.8 dù không ra hiện trường giám sát, chỉ ngồi tại phòng làm việc nhưng vẫn ký vào biên bản bốc mộ khi Thành chuyển đến để nhận tiền chung chi. Với những người được Thành nhờ đứng tên trong các hồ sơ ảo, khi việc trót lọt thì được “thưởng từ một - tám triệu đồng/hồ sơ”.
Chí Kiên
(Theo báo Phụ nữ ngày 18/04/2012)