Quận 8 trong những năm gần đây đã thực hiện tốt công tác chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo, chăm lo không chỉ bằng vật chất mà còn hướng đến giải quyết căn cơ để các gia đình thoát nghèo như giới thiệu việc làm, cho vay vốn buôn bán nhỏ, đào tạo nghề, giúp đỡ phương tiện làm ăn. Tuy nhiên với những đặc thù về dân cư đa phần là lao động nghèo, buôn gánh bán bưng, sống ven kênh rạch … vì vậy toàn quận hiện vẫn còn 1.321 hộ nghèo/9.504 nhân khẩu, có thu nhập dưới 8 triệu đồng/người/năm, trong đó có những hộ nghèo, khó khăn thậm chí không thể tự vươn lên trong cuộc sống mà phải nhờ vào sự giúp sức của xã hội, đó là những trường hợp mắc bệnh nan y, bệnh xã hội, bệnh tâm thần, tàn tật, già, neo đơn không người chăm sóc ...
Thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng bộ quận 8 đã triển khai nhiều hình thức, biện pháp để học tập và làm theo gương Bác trong tác phong làm việc cũng như trong đạo đức, lối sống và đặc biệt là trong việc yêu thương con người, chăm lo cho những người nghèo.
Từ thực tiễn đó, Ban Tuyên giáo Quận ủy đã tham mưu Quận ủy phát động trong toàn thể cán bộ, đảng viên quận chăm lo suốt đời cho những hộ khó khăn trên, đó cũng là công trình thiết thực nhất để kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác, thực hiện mong ước của Bác là làm cho “Ai cũng có cơm ăn, áo mặc. Ai cũng được học hành”.
Công trình được thực hiện từ tháng 6 năm 2009. Để thực hiện được công trình này đòi hỏi sự đồng thuận của toàn thể cán bộ, đảng viên ở các cơ quan, đơn vị, vì vậy mà hoàn cảnh những trường hợp khó khăn này phải thật sự thuyết phục.
Ban Tuyên giáo đã phối hợp cùng Phòng Lao động thương binh xã hội và Ủy ban Mặt trận tổ quốc xác minh những trường hợp đặc biệt nghèo, khó khăn trên toàn quận để đưa vào danh sách, kêu gọi sự giúp đỡ của các cơ sở đảng. Trong đó đa phần là những trường hợp già yếu, neo đơn không người chăm sóc, bệnh nan y, bệnh xã hội, tàn tật. (Đặc biệt có hộ có đến 4, 5 người đều tàn tật và bệnh nan y như ung thư, tim, tiểu đường, mù, liệt, có trường hợp bị nhiễm HIV nhưng phải lao động nuôi 1 mẹ già và 4 con nhỏ như hộ Bà Trương Thị Hai, Bà Lê Thị Giàu, Lê Thị Ngọc Minh. Tất cả những hộ trên có thu nhập chưa tới 6 triệu đồng/người/năm). Đối với những trường hợp có đủ điều kiện để hưởng chính sách theo quy định của nhà nước thì chuyển Phòng Lao động Thương binh xã hội làm thủ tục giải quyết, những trường hợp cần đỡ đầu học bổng, tặng thẻ bảo hiểm … thì giới thiệu sang Ủy ban Mặt trận Tổ quốc. Tất cả những trường hợp còn lại đều được cơ sở đảng chăm lo số tiền hàng tháng để đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Định kỳ 6 tháng Ban Tuyên giáo khảo sát lại để bổ sung hoặc đưa ra khỏi chương trình và kiểm tra công tác chăm lo của các cơ sở đảng đối với những hộ này.
Kết quả tính đến nay cán bộ, đảng viên quận đã đóng góp chăm lo với số tiền gần 200 triệu đồng. Từ 42 hộ nằm trong diện có hoàn cảnh đặt biệt khó khăn cần giúp đỡ ban đầu, đến nay có 26 trường hợp ra khỏi chương trình do được người thân, mạnh thường quân nhận nuôi dưỡng, qua đời, hoặc có hộ nhờ sự giúp đỡ toàn diện (hỗ trợ phương tiện buôn bán, hỗ trợ giới thiệu việc làm, đỡ đầu học bổng cho con cái trong nhà, hỗ trợ học bổng) mà vươn lên thoát khỏi nghèo khó, đó là trường hợp của Ông Vũ Khắc Chính, Bà Trần Thị Quốc, Bà Trần Thị Thanh Tuyền …. Trong quá trình thực hiện, tiếp tục bổ sung 7 trường hợp, hiện nay quận đang thực hiện chăm lo cho 23 trường hợp, với sự tham gia của 45 cơ sở Đảng, trung bình hàng tháng chăm lo 26 triệu đồng. Ngoài ra quận còn vận động mạnh thường quân xây 1 căn nhà tình thương cho Bà Thạch Thị Sum, tặng 3 sổ tiết kiệm cho 3 trường hợp là Tiêu Phục Hưng, Kiều Thị Hạnh, Trần Thị Hương, mỗi sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng. Đảng ủy, chính quyền các phường còn vận động nhân dân chăm lo cho những trường hợp này, thực hiện tốt tinh thần nhường cơm xẻ áo, xóm giềng tương trợ lẫn nhau.
Không chỉ chăm lo bằng vật chất, cán bộ, đảng viên các cơ quan, đơn vị còn thường xuyên trực tiếp đến thăm hỏi, động viên những hộ này để họ bớt mặc cảm, tin tưởng vào cuộc sống để có đủ nghị lực vượt qua khó khăn trong thời gian còn lại.
Qua việc chăm lo người nghèo, tinh thần thương yêu con người của cán bộ, đảng viên cũng ngày càng được thể hiện rõ rệt, cán bộ, đảng viên tự giác thay phiên nhau đi thăm hỏi những hộ này hàng tháng, tự nguyện đóng góp, có khi đóng góp thêm hiện vật ngoài tiền. Có đồng chí nhận đỡ đầu hẳn 1 trường hợp trong số 42 trường hợp.
Làm được những việc trên là do có sự quan tâm lãnh đạo của Thường trực Quận ủy, sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Tuyên giáo, Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc và Phòng lao động thương binh xã hội quận, và đặc biệt là sự tham gia tích cực của cơ sở đảng và ý thức tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên.
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác phải từ những việc làm cụ thể, thiết thực, chăm lo đời sống nhân dân nhất là dân nghèo, bất hạnh, xem đó là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên vì suy cho cùng suốt cuộc đời của Bác cũng chỉ vì một mục đích là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và tấm gương cao cả nhất của Bác đó là lòng yêu thương con người.
Khi lòng thương yêu con người được khơi gợi, phát huy thì mọi việc làm đều với tinh thần tự nguyện. Với những việc làm thiết thực, nghĩa cử cao đẹp trên, cán bộ, đảng viên Đảng bộ Quận đã thực hiện tốt điều mong mỏi của Bác, qua đó thể hiện tinh thần “Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” của cán bộ, đảng viên quận 8.
(Ban Tuyên Giáo QUQ8)