SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
2
8
1
3
2
3
8
Tin tức sự kiện 04 Tháng Tám 2011 4:45:00 CH

Thảm họa da cam/ Dioxin ở Việt Nam

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ không chỉ sử dụng các loại bom đạn gây thương vong mà còn sử dụng cả chất độc hoá học nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của nhân dân Việt Nam, ngăn chặn bước tiến của lực lượng vũ trang cách mạng; đồng thời, biến Việt Nam thành phòng thí nghiệm khổng lồ để nghiên cứu, thử nghiệm các loại chất độc phục vụ mục đích quân sự. Thực tế chứng minh, cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Thật vậy, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành hơn 19.000 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hoá học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống gần 26.000 thôn bản, với diện tích hơn 3,06 triệu ha; trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần. Chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người. Gần 25% tổng diện tích miền Nam Việt Nam, bao gồm hầu hết các hệ sinh thái từ vùng thấp ven biển đến vùng đồi núi cao thuộc 5 vùng sinh thái: Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đều bị ảnh hưởng, trong đó Đông Nam Bộ là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất (56% diện tích tự nhiên bị phun rải). Khoảng 86% lượng chất độc đã được phun rải lên các vùng rừng rậm; 14% còn lại được dùng để phá hủy ruộng vườn, hoa màu, chủ yếu là đồng lúa và nương rẫy ở các vùng đồi núi. Diện tích rừng ngập mặn bị ảnh hưởng chất độc hóa học là 150.000 ha, điển hình là khu rừng ngập mặn Cà Mau.

Với một lượng khổng lồ chất độc hóa học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn, nhiều loài động vật và thực vật bị tiêu diệt. Thay vào đó, nhiều loài cỏ dại xuất hiện gọi là cỏ Mỹ, cỏ tranh và các loài lau, sậy dần dần xâm lấn đất rừng, làm xói mòn lớp đất màu. Do rừng bị tàn phá nặng nề nên chức năng bảo vệ môi trường của rừng phòng hộ đầu nguồn của 28 lưu vực sông cũng bị phá vỡ, gây nhiều thiệt hại trực tiếp và gián tiếp cho nền kinh tế. Hậu quả là trong nhiều năm qua, lũ lụt đã tàn phá nghiêm trọng lưu vực các con sông: Thạch Hãn, Hương, Hàn, Thu Bồn, Trà Khúc, Côn, Vệ, Cầu, Ba… gây nhiều thiệt hại về người và của đối với nhân dân trong vùng.

Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây nên biết bao thảm cảnh không sao kể xiết. Rất nhiều gia đình có 3 nạn nhân trở lên. Có gia đình cả 15 người con đều là nạn nhân chất độc da cam. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Các bệnh phổ biến ở con cháu các nạn nhân chất độc da cam là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, tai biến sinh sản, dị dạng, dị tật bẩm sinh. Đặc biệt là chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 3. Phần lớn những gia đình nạn nhân chất độc da cam đã và đang sống trong khổ đau, bệnh tật, đói nghèo và vô vọng. Họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ. Hội thảo quốc tế lần thứ II về chất độc hóa học diệt cỏ do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam và tác hại lâu dài của nó đối với thiên nhiên và con người (Hà Nội, 15 - 18/11/1993) đã kết luận: “Chất độc da cam của Mỹ đã hủy diệt thiên nhiên cây cỏ; hủy diệt sức khỏe con người, gây nhiều bệnh tật nặng nề; gây nên những biến đổi gen di truyền qua mẹ hoặc bố, gây tai biến sinh sản, quái thai, dị dạng, dị tật của những đứa con sinh ra; gây các bệnh ung thư…”

Không chỉ người Việt Nam mà nhiều lính Mỹ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand… từng tham chiến ở Việt Nam trước đây cũng mắc nhiều bệnh tật do phơi nhiễm chất độc da cam. Theo Đô đốc Elmo Zumwalt – nguyên Tư lệnh các lực lượng Hải quân – Không quân Mỹ ở Việt Nam (1968 – 1970), có ít nhất 2,6 triệu lượt binh sĩ Mỹ bị phơi nhiễm chất độc da cam. Mỗi năm, chính phủ Mỹ phải trợ cấp cho các cựu binh Mỹ bị bệnh liên quan đến chất độc da cam số tiền hàng tỉ USD (năm 2010 là 13,5 tỉ USD). Theo Hội Cựu chiến binh thương tật do chất da cam Hàn Quốc, có 100 nghìn/300 nghìn lượt binh sĩ Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam là nạn nhân, trong đó có 200 nghìn người đã chết. Chính phủ Hàn Quốc trợ cấp cho các binh sĩ này mỗi năm 130 triệu USD… Từ năm 2001 đến nay, hơn 30 đề tài khoa học cấp nhà nước trong Chương trình Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đã được triển khai. Kết quả nghiên cứu đã phục vụ thiết thực cho việc khoanh vùng, tẩy độc và phục hồi môi trường, xây dựng chính sách hỗ trợ nạn nhân; điều tra thu thập, lưu giữ các bằng chứng về hậu quả của chất độc da cam phục vụ công tác tuyên truyền và đấu tranh ngoại giao; soạn thảo luận cứ xây dựng khu chứng tích chiến tranh hóa học.

Công tác tẩy độc, khắc phục ô nhiễm môi trường được triển khai tích cực. Đã xác lập được công nghệ chôn lấp có kiểm soát, thử nghiệm công nghệ chôn lấp tích cực (kết hợp cô lập với sinh học) với quy mô 3.600m3 đất nhiễm dioxin và hoàn thành việc xây dựng khu chôn cất, cô lập đất nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa với thể tích 97.000m3. Tiến hành một số biện pháp có hiệu quả nhằm ngăn chặn, chống lan tỏa chất độc ra môi trường như: đóng rắn (bê tông hóa) 20.000 m2 đất bề mặt khu trộn và nạp chất độc ở sân bay Đà Nẵng; xây dựng hệ thống mương nắn dòng chảy để hạn chế nước mưa chảy qua khu nhiễm; xây dựng hệ thống cống lọc chứa than hoạt tính ở cả 3 điểm nóng (sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa, sân bay Phù Cát) để hấp thụ dioxin trong nước nhiễm, hạn chế chất độc bị cuốn trôi theo nước ra môi trường. Hiện đang chuẩn bị xử lý đất nhiễm ở sân bay Đà Nẵng bằng phương pháp “giải hấp nhiệt”. Ở sân bay Phù Cát, năm 2008, Cộng hòa Séc đã cam kết xử lý đất nhiễm dioxin, nhưng do suy thoái kinh tế năm 2009 nên dự án này bị chậm lại. Công tác phục hồi các vùng đất suy thoái, phục hồi rừng, các hệ sinh thái vốn có, các loài động thực vật hoang dã được đẩy mạnh. Ngay trong thời kỳ chiến tranh, nhân dân tỉnh Cà Mau đã trồng được hơn 10.000 ha rừng ngập mặn, góp phần bảo vệ an toàn cho khu căn cứ cách mạng. Trong 3 năm (1975 -1977), thành phố Hồ Chí Minh đã trồng được 27.000 ha rừng ngập mặn Cần Giờ, biến nơi đây trở thành một trong 4 khu sinh quyển của quốc gia. Gần đây, hơn 282.000 ha rừng mới trồng trên các vùng đất bị phun rải chất độc hóa học là kết quả của sự lồng ghép với chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng. Các dự án phục hồi rừng đã đạt được kết quả khả quan tại Đắk Lắk, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước; rừng ngập mặn Cần Giờ, Cà Mau.

Công tác chăm sóc và phục hồi sức khỏe của nạn nhân luôn được quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Hiện có hơn 200.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Có trên 50% hộ gia đình có người tàn tật, trong đó có hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam được hưởng bảo hiểm y tế hoặc khám chữa bệnh miễn phí; 200.000 lượt người tàn tật nặng, trong đó có nạn nhân chất độc da cam được chỉnh hình, phục hồi chức năng; 25% trẻ em tàn tật, trong đó có trẻ em bị hậu quả gián tiếp của chất độc da cam được đi học trong các trường hòa nhập và chuyên biệt. Cả nước hiện nay có 12 Làng Hòa Bình, Làng Hữu Nghị và nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, theo hình thức tập trung hoặc bán trú, nuôi dưỡng hàng ngàn nạn nhân, chủ yếu là trẻ em dị dạng, dị tật do ảnh hưởng chất độc da cam. Trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản di truyền tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã và đang hoạt động tích cực nhằm giảm tỷ lệ sinh con dị tật. Một số địa phương đã tiến hành điều tra tổn thương tâm lý và trợ giúp tâm lý cho nạn nhân chất độc da cam.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng thảm họa da cam vẫn còn đó. Nó là nguyên nhân gây nên biết bao thảm cảnh cho người dân Việt Nam. Sự thật phải lên tiếng. Tội ác phải bị vạch trần. Công lý phải được tôn trọng. Đó là tiếng gọi của cuộc sống, của lương tri và lẽ phải, một lần nữa khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta, ghi nhớ những mất mát to lớn, tri ân những người đã chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam cho hàng triệu nạn nhân và gia đình nạn nhân.

Nửa thế kỷ thảm họa da cam ở Việt Nam – Nhớ lại và suy nghĩ, đau thương và hành động. Hành động một cách tự giác, tích cực nhất, hiệu quả nhất với tình cảm và trách nhiệm cao nhất, thể hiện rõ nét nhất đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Thương người như thể thương thân” của dân tộc ta.

(Biên soạn từ tài liệu “Tìm hiểu 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam”, của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin)

(Nguyễn Văn Cường – Ban Tuyên Giáo QUQ8)

 


Số lượt người xem: 5167    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm