“Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống đạo lý quý giá của dân tộc ta bao đời nay. Chính sách của Đảng và Nhà nước luôn gắn liền với truyền thống đạo lý ấy, quan tâm chăm lo thiết thực về vật chất và tinh thần đối với những người có công với nước, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình thương binh, liệt sĩ.
Trong thư gửi Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc” năm 1947 Bác viết: “Trong khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mã, đền chùa, nhà thờ tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh”. Và Bác đã dành hết tình cảm của mình gửi cho các thương binh bằng tất cả những gì Bác có.
Trong Di chúc, Bác cũng căn dặn: “…đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình…Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha, mẹ, vợ, con (của thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét…”
Tấm lòng của Bác bao la như thế, Người luôn luôn dành những tình cảm cho chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh cho Tổ quốc, dù đó là bó hoa, chiếc áo hay tiền lương của Bác. Cho đến khi chuẩn bị đi xa, Người cũng không quên căn dặn chúng ta chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sĩ.
Cứ mỗi dịp lễ lớn của dân tộc hay kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), những căn nhà tình nghĩa được xây mới, được sửa chữa nâng cấp; những lời thăm hỏi chân tình, những lời chúc tốt đẹp, những món quà thắm đượm nghĩa tình được Đảng, chính quyền và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể gửi đến các gia đình thương binh, liệt sĩ. Đó là nghĩa cử cao đẹp và là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Nghĩa cử đó làm ấm lòng những người đã ngã xuống, những người đã hy sinh một phần thân thể cho Tổ quốc, quê hương - những người đang sống hôm nay với thân thể không còn nguyên vẹn.
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận 8 đã thực hiện tốt đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện các chế độ chính sách xã hội luôn được quan tâm, góp phần ổn định, nâng mức sống của diện chính sách, người có công với nước, gia đình thương binh, liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng đều được phụng dưỡng, nhiều thương binh nặng được đỡ đầu, chăm lo thường xuyên. Từ đó nhiều gia đình thương binh, liệt sĩ đã vượt khó vươn lên trong cuộc sống, nhiều thương binh, tuy thân thể không còn nguyên vẹn nhưng vẫn nỗ lực góp sức xây dựng địa phương bằng những việc làm thiết thực.
Ngày nay, thực hiện lời căn dặn của Bác và để ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên cần có những việc làm thiết thực, quan tâm đến các gia đình liệt sĩ, thương binh không chỉ trong những ngày lễ, tết mà phải thực hiện thường xuyên. Cụ thể:
- Không để cho bất cứ một gia đình thương binh, liệt sĩ nào trên địa bàn quận rơi vào tình trạng thiếu ăn, thiếu mặc.
- Giữ gìn, tôn tạo, chăm sóc cây xanh ở những đài liệt sĩ, bia tưởng niệm.
- Thường xuyên thăm hỏi, động viên, có biện pháp giúp đỡ cha mẹ, vợ, con của những liệt sĩ, thương binh có nghề nghiệp ổn định, vượt qua khó khăn trong cuộc sống...
- Các đơn vị, doanh nghiệp tùy theo điều kiện thực tế nhận đỡ đầu, giúp đỡ cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, những thương binh, gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn.
Trong tháng 7 đầy ấp nghĩa tình, chúng ta những người được hưởng niềm hạnh phúc lớn lao khi sống trong nền độc lập được đổi bằng xương máu của nhiều đồng bào, chiến sĩ cần phải thực hiện tốt điều mong muốn của Bác trong Di chúc.
(Ngọc Diễm - BTGQU)